Nam ca sĩ cho Đàm Vĩnh Hưng “hát chùa”: Làm bố 3 con, không muốn con gái mình giống bé Xuân Mai
Dù có đủ khả năng và tiền bạc lăng xê con nổi tiếng từ bé nhưng Jimmii Nguyễn mong muốn giữ cho con tuổi thơ hồn nhiên, không vướng bận ánh hào quang showbiz.
Jimmii Nguyễn là nam ca sĩ hải ngoại nổi tiếng, chủ nhân của hàng loạt bản hit như Mãi mãi bên em, Người con gái, Tình Như Lá Bay Xa, Còn Đây Nỗi Nhớ,… Trong 30 năm sự nghiệp rực rỡ, Jimmii Nguyễn tự sáng tác các ca khúc của mình và trở thành thần tượng có tầm ảnh hưởng lớn đối với Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ, Ưng Hoàng Phúc,…
Đàm Vĩnh Hưng từng bày tỏ lòng biết ơn đàn anh cho mình “hát chùa” bấy lâu. Ông hoàng nhạc Việt chia sẻ: “Đàm Vĩnh Hưng từng mơ ước được như anh Jimmii Nguyễn, tài năng cũng như độ nổi tiếng của anh thì nói ra cũng dư thừa. Giữa những rừng bông hoa nghệ sĩ vào thời điểm đó thì anh Jimmii Nguyễn như là một bông hoa lạ, độc lập 100%, không hát nhạc của ai cả. Anh không phụ thuộc vào ai cả và cũng khó ai tìm ra thông tin của anh.
[…] Đến khi đi vào con đường ca hát thì Đàm Vĩnh Hưng rất muốn hát những bài hát của anh, cũng nghe một số người đồn về bài hát của anh. Cảm ơn anh Jimmii Nguyễn đã luôn ưu ái cho tụi em sử dụng các ca khúc của anh mà chưa một lần nào lấy tiền cả. Một lần nữa cảm ơn anh rất nhiều”.
Âm nhạc của Jimmii Nguyễn có sức ảnh hưởng với khán giả và nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Đáng chú ý, Jimmii Nguyễn từng rất kín đáo về đời tư, ít chia sẻ chuyện gia đình mình. Mãi đến khi chuẩn bị liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát, danh ca hải ngoại mới cởi mở hơn khi kể về vợ con. Đằng sau ánh đèn sân khấu, Jimmii viên mãn bên bà xã Ngọc Phạm cùng 3 người con “đủ nếp, đủ tẻ”.
Anh đã có những chia sẻ chân thành về việc nuôi dạy các con, vun vén tổ ấm suốt 20 năm qua song hành với quá trình xây dựng 30 năm sự nghiệp.
Gia đình Jimmii Nguyễn – Ngọc Phạm.
Tôi chia sẻ về gia đình vì biết đã đến thời điểm không cần che đậy nữa
Nổi tiếng là người “im hơi lặng tiếng” trong Vbiz, vì sao anh lại chọn thời điểm này để mở lòng nhiều hơn về đời tư, đặc biệt là chia sẻ về vợ con?
Trước đây tôi không chia sẻ bất cứ điều gì vì với tôi, vợ con là chuyện cá nhân. Tôi là người nghệ sĩ đến với công chúng bằng nghệ thuật, không muốn tạo scandal bằng chuyện đời tư.
Tuy nhiên khi chuẩn bị chương trình Triệu lời tri ân – kỷ niệm 30 năm hoạt động nghệ thuật, cũng là 20 năm tôi lập gia đình thì tôi nghĩ mình đã đi một chặng đường đủ dài để không cần “che đậy” nữa. Thay vào đó, tôi có thể chia sẻ cởi mở về gia đình để những người yêu thích Jimmii Nguyễn có thể “noi gương” một người nghệ sĩ như tôi có thể giữ tổ ấm của mình hạnh phúc trong 20 năm. Tôi cũng muốn thế hệ trẻ hiểu được giá trị của tình cảm gia đình, dù mình là ai đi chăng nữa, điều quan trọng nhất của đời người là hạnh phúc gia đình.
Gia đình đồng hành cùng Jimmii Nguyễn trong quá trình chuẩn bị liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát.
Một lý do quan trọng nữa là trước đây khi đọc báo về Ngọc Phạm, mọi người thường nói về cô ấy với góc độ là một cái bóng bên đời Jimmii Nguyễn, không chính danh, một người người yêu mơ hồ. Thế nên tôi nghĩ mình mắc nợ cô ấy một lời xác nhận và một lời xin lỗi. Tôi nghĩ 20 năm là khoảng thời gian đủ dài để xác nhận.
Có vẻ anh rất tự hào về gia đình nhỏ của mình?
Tôi rất tự hào và luôn cảm thấy bản thân mình may mắn khi có gia đình ở bên suốt 20 năm, có 3 mặt con. Tôi nghĩ đây là ước mơ của nhiều người. Tôi biết nhiều người thành đạt hơn về mặt tài chính nhưng không có được tổ ấm như tôi.
Chị Ngọc Phạm từng là học trò của anh. Tình cảm của anh dành cho Ngọc Phạm khi chị là một người học trò, một người tình và người mẹ của các con mình thay đổi như thế nào?
Tôi nghe nhiều anh em bạn bè trò chuyện với nhau rằng tình cảm vợ chồng hầu như đều phai nhạt theo thời gian. Riêng tôi mỗi đêm nhìn vợ đều cảm thấy cô ấy đã hy sinh rất nhiều. Nếu gặp một người khác, cô ấy có thể nổi tiếng hơn hiện tại. Thế nhưng cô ấy chấp nhận gác lại giấc mơ, lùi về phía sau để hậu thuẫn cho tôi. Khi nghĩ về những sự hy sinh đó, tôi thấy mình may mắn và có thể gác lại những mâu thuẫn có nguy cơ đổ vỡ. Bất đồng thì vẫn có nhưng chúng tôi sẵn sàng ngồi lại để lắng nghe nhau.
Anh nói rất nhiều về sự hy sinh của vợ. Vậy anh có bao giờ nghĩ đến việc bù đắp cho cô ấy?
Khi đến với nhau, chúng tôi đều bỏ đi “một nửa” của mình để có thể trở thành một đôi. Ngọc Phạm đã hy sinh ước mơ của cô ấy, tôi cũng gạt đi cái tôi của mình, chia sẻ nhiều điều với vợ để khỏa lấp sự hy sinh đó. Nhiều lúc, tôi thay Ngọc Phạm làm một người mẹ và thậm chí là một người vợ, chăm sóc các con, tự lo cho bản thân và công việc nhà.
Khi đến với nhau bằng tình yêu thương thực sự, chúng tôi cố gắng chia sẻ, thấu hiểu, bỏ đi những đòi hỏi không cần thiết về nhau.
Anh thấy vợ chồng mình đã thay đổi như thế nào sau khi lập gia đình?
Trước đây chúng tôi rất khắc khẩu, gần như “choảng” nhau mọi lúc mọi nơi. Lên máy bay cũng cãi, lên núi cũng cãi. Sau này nghĩ lại tôi thấy bản thân mình hơi quá đáng, vì không hiểu được là vợ bị choáng ngợp trước thương hiệu và kiến thức của mình.Tôi chưa đủ kiên nhẫn. Choảng nhau nhưng vẫn rất yêu nhau và không thể bỏ nhau.
Sau khi có con, chúng tôi “đằm” lại. Mình nhận ra vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình, thông cảm cho nhau hơn. Sau khi làm mẹ, Ngọc Phạm trưởng thành hơn và biết giá trị của mình trong gia đình cũng như giá trị hạnh phúc của gia đình. Điều đó làm mình cảm thấy rất an tâm.
Công việc bận rộn, anh có bao giờ cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình?
Tôi cảm thấy mình rất may mắn. Trong thời gian tạm thời vắng bóng trong thị trường âm nhạc, tôi chiêm nghiệm về đất nước quê hương mình, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa người Việt Nam. Và đồng thời tôi dành thời gian để sáng tác. Tôi sáng tác 200 bài hát trong khi vắng mặt. Hiện tại, dù chăm sóc gia đình, tôi vẫn có sẵn 200 bài hát để sử dụng từ đây cho đến cuối đời.
Tôi không muốn con giống bé Xuân Mai
Jimmii Nguyễn là một người có tư tưởng phóng khoáng trong khi vợ lại là người phụ nữ vô cùng truyền thống. Sự khác biệt này có gây ra những mâu thuẫn khi anh chị cùng nuôi dạy con?
Ngọc Phạm truyền thống nhưng không khắt khe với con như tôi. Chúng tôi “song kiếm hợp bích” trong vấn đề này. Sẽ có lúc vợ dạy con thì tôi im lặng, và có lúc tôi hỗ trợ cô ấy. Khác quan điểm thì mình ngồi lại nói chuyện với nhau. Tuy nhiên mình không thể hiện trước mặt con, để con không cảm thấy sự nhập nhằng giữa ba mẹ.
Các con chịu ảnh hưởng bởi cả ba và mẹ. Các con rất yêu mẹ và có những điểm giống mẹ, một phần là do gen. Bên cạnh đó, các con cũng có “máu” âm nhạc giống bố mặc dù tôi chưa bao giờ khắc khe bắt con phải học nhạc.
Trong mắt các con, anh là hình mẫu người cha như thế nào?
Tôi cảm thấy may mắn vì các con thần tượng bố. Nhờ đó, khi dạy con, tôi không cần nói nhiều bởi lẽ các con luôn có sự nể phục, yêu thương và trân trọng ba. Còn lại, mình cần giữ làm sao để hình ảnh của ba trong lòng con không bị sứt mẻ. Tôi cũng cố gắng hết sức hoàn thiện bản thân để các con nhìn vào.
Lớn lên ở nước ngoài, anh có quan điểm gì khác biệt với những người bố thuần Việt khi nuôi dạy con?
Tôi quan điểm không đánh đập hay quát nạt con nhưng tôi cũng không để mặc con mà tôi tìm đủ mọi cách. Đôi khi cũng cần “cho roi cho vọt” nếu con đi quá trớn. Nếu lần một, lần hai, lần ba con không nghe lời thì lần thứ 4, con sẽ bị “ăn” roi. Ngay cả khi tôi không muốn, tôi vẫn dùng roi vọt để cho con biết tôi có khả năng đưa ra hình phạt này. Tôi không thích dùng quyền lực để dạy con. Do đó, tôi thường nói chuyện với con để con hiểu.
Lớn lên trong cái nôi nghệ thuật với bố mẹ là những người nghệ sĩ tài năng. Các con anh đã bộc lộ tài năng âm nhạc ra sao?
Nếu con thích gì tôi sẽ tạo mọi điều kiện để con phát triển đam mê. May mắn là con tôi, ít nhất là 2 đứa nghiêng về nghệ thuật nhiều hơn. Tôi biết nếu các con đam mê nghệ thuật thì người con thần tượng trước hết là bố. Tôi có sự chuẩn bị để định hướng cho con.
Nếu con muốn trở thành một giáo viên thanh nhạc, con phải học đến nơi đến chốn. Còn nếu con muốn làm một người nghệ sĩ thì con cần được rèn luyện nhiều hơn. Nếu rèn luyện thì gia đình này có thừa. Ban nhạc 6 người thì con có tới 6 ông thầy. Trong nghệ thuật, có những bài hát nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tuy nhiên những hiện tượng đều có thể bị mai một nếu chủ nhân của nó không giữ được giá trị của mình.
Đối với Long Anh, tôi luôn đi đằng sau để hỗ trợ con. Con có năng khiếu từ khi 5 – 6 tuổi. Gia đình tôi có đủ tiền và khả năng để lăng xê từ thời điểm đó nhưng chúng tôi không làm như thế. Bởi vì tôi không muốn con như bé Xuân Mai. Tôi biết đó không phải là độ tuổi thích hợp để con làm điều đó, dù tôi biết trước sau gì con cũng sẽ nổi tiếng vì âm nhạc. Con cần có tuổi thơ của riêng con, không nên bị sức ép từ showbiz hay tính toán vì đồng tiền, lo lắng tập luyện như một người lớn. Đến khi con đủ chín chắn, con biết mình thích gì, con sẽ tự học.
Gia đình có điều kiện tốt như thế, anh có lo lắng con ỷ lại?
Tôi chỉ xây dựng cho con về góc độ nghệ thuật, chứ tôi không cho con những thứ khác để phung phí. Tôi không nuông chiều các con. Các con tôi vẫn mặc quần áo của nhau, không mua sắm hàng hiệu gì cả. Tôi giáo dục các con trở thành những người bình dân thông minh. Thỉnh thoảng tôi cho các đi từ thiện để các con cảm nhận sự may mắn của mình và biết chia sẻ với những người xung quanh.
Con gái lớn của anh đang bước vào độ tuổi định hình nhân cách. Anh có lo lắng bé sa ngã?
Trong quá trình con lớn lên, nền tảng gia đình vô cùng quan trọng. Phần lớn những đứa trẻ sa ngã đều có một phần xuất phát từ cha mẹ, quá khó khăn hoặc quá nuông chiều, không lý giải cho con hiểu được cái nhìn sâu sắc về mọi việc.
Anh có kỳ vọng gì cho các con của mình, anh mong muốn các bé sẽ trở thành người như thế nào?
Tôi không áp đặt thành tích lên con, chỉ mong con luôn ngoan ngoãn và biết yêu thương nhân loài, yêu đời, biết ơn cuộc sống này. Tôi muốn các con trở thành người biết yêu thương, sống tử tế, chấp nhận mình nghèo, chấp nhận mình không thành công nhưng phải sống tử tế. Mình chấp nhận hiện tại nhưng vẫn phải biết tiến lên.
Người ta thường nói thất bại là mẹ thành công. Tôi dạy con không cần phải tốn thời gian thất bại bởi điều mình không cần phải thất bại. Nếu có đủ khả năng mà thiếu sự chuẩn bị rồi thất bại thì không đáng.