6 sự thật khốc liệt về hai chữ “trưởng thành” mà bạn khó lòng tưởng tượng ra được ở tuổi 20
Càng trưởng thành bạn sẽ càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của sức khỏe: Dù bạn giỏi giang cỡ nào, nếu không có sức khỏe tốt bạn sẽ không thể hoàn thành bất cứ việc gì.
Khi bạn ở độ tuổi 20, bạn có thể nghĩ rằng bạn biết mọi thứ. Bạn cho rằng mình có thể sống sót trước áp lực của trường học, và thậm chí có thể chuyển ra khỏi căn nhà thân yêu để bắt đầu tận hưởng cuộc sống độc lập với cha mẹ. Nhưng sớm thôi, chính hương vị của cuộc sống tự do sẽ cho bạn thấy hiện thực cuộc sống khắc nghiệt như thế nào: Những tri thức và bạn có không bao giờ đủ để giúp bạn khỏi bỡ ngỡ trước thế giới rộng lớn bên ngoài.
Tất nhiên, ở tuổi 20, bạn thực sự sẽ không biết hoặc không thừa nhận điều đó cho đến khi bạn bước sang tuổi 30. Chúng ta tưởng rằng mình đã hiểu ý nghĩa của việc trở thành người lớn khi giã từ tuổi niên thiếu. Nhưng thực tế, có rất nhiều bài học – những sự thật về cuộc sống khắc nghiệt bạn không thể nào ngờ tới ở giai đoạn bồng bột này.
1. Bạn phải làm việc lâu dài và chăm chỉ cho những gì bạn muốn
Mặc dù tôi luôn đề cao vai trò và giá trị của sự chăm chỉ ngay từ khi còn nhỏ nhưng điều đó chỉ thực sự thấm thía khi tôi bắt đầu cuộc sống độc lập về mặt tài chính với cha mẹ. Lúc này tôi hoàn toàn phải làm chủ cuộc đời mình, ngân sách và cách thức chi tiêu mà không còn những trợ cấp như trước nữa.
Nếu tôi muốn một cái gì đó, tôi sẽ phải làm việc cật lực để có tiền mua nó. Và cuộc sống luôn đòi hỏi bạn phải chăm chỉ và chăm chỉ hơn nữa. Không một sinh viên mới ra trường nào có thể leo ngay lên những vị trí cao trong công ty chỉ dựa vào tấm bằng đại học. Bạn chỉ có thể bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhất và từng bước xây dựng sự nghiệp của mình dựa vào nỗ lực của bản thân.
2. Chỉ vì bạn làm việc chăm chỉ không có nghĩa là bạn sẽ luôn thành công
Chăm chỉ là một nhân tố cực kì quan trọng mà tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống đều đòi hỏi, nhưng đối với một người trẻ, thật khó để tưởng tượng hoặc chấp nhận rằng đôi khi nó không phải bảo hiểm của thành công. Nếu bạn cho rằng vì mình đã làm việc hết mình nên xứng đáng được hưởng thành quả thì câu trả lời chỉ là ngoài kia những người khác cũng vậy. Bạn không thể thắng họ chỉ dựa vào sự chăm chỉ mà không có những phẩm chất nổi bật khác như tài năng, sự mạnh mẽ hay lòng nhiệt thành.
Đây không phải là một bài học quá khốc liệt và không nhất thiết phải chìm sâu trong thất bại bạn mới nhận ra. Tuy nhiên càng thức tỉnh sớm bao nhiêu, cơ hội chạm đến thành công của bạn cũng sẽ đến sớm hơn bấy nhiêu.
3. Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng nó làm cho cuộc sống dễ dàng hơn nhiều
Tất cả chúng ta đều biết rằng bản thân đồng tiền không phải là định nghĩa của hạnh phúc. Nhưng bạn có biết tại sao khi còn trẻ người ta lại chỉ cố gắng kiếm càng nhiều tiền càng tốt? Bởi vì tiền tuy không mua được hạnh phúc, nhưng nó là công cụ làm cho cuộc sống trở nên dễ thở hơn nhiều.
Nếu không có nó, cuộc sống có thể trở thành một cuộc đấu tranh trong đó bạn phải vật lộn với hóa đơn tiền nhà, tiền điện nước, thực phẩm… Bạn cũng không thể thoải mái mua sắm quần áo hay đi chơi với bạn bè mà không có đủ tiền.
Hạnh phúc là một phạm trù khá mơ hồ, vì mỗi người cảm nhận hạnh phúc theo một cách khác nhau. Chính vì thế, chúng ta cũng có nhiều con đường để đạt được hạnh phúc. Câu chuyện “tiền không mua được hạnh phúc” có lẽ đã không còn đúng nữa.
4. Ngay cả khi đã bước sang tuổi trung niên, giấc ngủ vẫn thật sự quan trọng
Ở tuổi 20, bạn thường không suy nghĩ nhiều về việc thức cả đêm để xem TV hay quẩy tưng bừng với bạn bè. Nhưng sau tất cả bạn sẽ sớm nhận ra điều đó hoàn toàn chỉ là sai lầm.
Tuổi 20 bạn có thể thiếu tất cả mọi thứ trừ sức khỏe nhưng không có nghĩa là bạn có thể thoải mái thức khuya hay bỏ giấc. Bởi vì giấc ngủ rất quan trọng không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với sự nghiệp của chúng ta.
Một giấc ngủ thật ngon vào buổi tối là điều rất quan trọng với con người, nó sẽ giúp bạn sạc lại năng lượng để chuẩn bị cho ngày mới, tập trung hơn, tăng cường năng suất làm việc. Ngược lại nếu không ngủ đủ giấc, bạn dễ dàng rơi vào các trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Vì vậy, phải chú trọng giấc ngủ, bằng không chúng ta sẽ phải trả một giá đắt khi bước vào những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.
5. Hãy chăm sóc sức khỏe cẩn thận
Càng trưởng thành bạn sẽ càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của sức khỏe: Dù bạn giỏi giang cỡ nào, nếu không có sức khỏe tốt bạn sẽ không thể hoàn thành bất cứ việc gì.
Nhiều người ở tuổi 20 thường cho rằng việc ăn thức ăn nhanh, uống đồ uống đóng chai là việc hết sức bình thường nhưng rõ ràng điều đó không tốt chút nào. Vấn đề là, khi bạn già đi – thậm chí chỉ vào tuổi 30 – bạn sẽ nhận ra rằng mình đã không hề yêu thương bản thân đúng cách để có được sức khỏe tốt.
Cách bạn đối xử với cơ thể của mình trong những năm tháng tuổi trẻ sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe tuổi già. Việc ăn uống không lành mạnh hay không chịu tạp thể dục sẽ bắt đầu gây ra những tác hại khi bạn bước sang tuổi 40, và bạn thậm chí chỉ ước rằng giá như mình biết trân trọng sức khỏe hơn.
6. Càng trưởng thành việc kết bạn càng khó khăn hơn
Khi bạn đang đi học, việc kết bạn chỉ đơn giản là quay sang người bạn bàn bên và bắt đầu một cuộc trò chuyện. Nhưng điều đó sẽ thay đổi khi bạn bước sang tuổi 30 và những giai đoạn tiếp theo.
Chắc chắn, vẫn có những câu lạc bộ, những hội nhóm và thậm chí cả các đồng nghiệp sẵn sàng trở thành bạn bè, nhưng những mối quan hệ bạn tạo dựng ở tuổi trưởng thành sẽ khó khăn hơn nhiều. Bởi vì khi bạn bắt đầu có nhiều mối quan tâm hơn, bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính bản thân mình và gia đình mình, sẽ rất khó khăn để bắt đầu một mối quan hệ mà không mảy may tính toán. Vì thế với những người bạn vẫn ở cạnh bạn cho đến thời điểm này, hãy trân trọng họ và cố gắng phát triển mối quan hệ mà các bạn đã xây dựng được.