Du lịch hàng không Canada khó khăn vì thiếu hụt phi công trầm trọng
2 hãng hàng không lớn nhất của Canada đã tuyển dụng đa số lượng phi công của nước này và các hãng còn lại không có nhiều lựa chọn.
Từ những hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch cho tới các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, ngành du lịch của Canada gần đây đã phải đối mặt với tình trạng khó khăn chưa từng có. Và giờ đây, khi nhu cầu đi lại đã quay trở lại mức năm 2019, các hãng hàng không đang phải đối mặt với với một vấn đề khác: thiếu phi công có trình độ.
Theo Transport Canada, một năm trước đại dịch, khoảng 1.100 giấy phép phi công đã được cấp. Khi được bổ sung thêm các phi công được đào tạo ở nước ngoài, số lượng phi công nói chung là quá đủ để đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không lớn như WestJet và Air Canada, cho đến các hãng hàng không khu vực, thuê chuyến và vận chuyển hàng hóa.
Nhưng khi nhu cầu bay sụt giảm vào năm 2020, số lượng phi công mới được cấp phép cũng giảm. Dữ liệu của chính phủ Canada cho thấy chưa đến 500 giấy phép đã được cấp vào năm 2020, con số này giảm xuống dưới 300 vào năm 2021 và chỉ còn 238 vào năm ngoái.
Cơ quan cấp phép Canada thông tin với CBC News rằng mặc dù tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực hàng không đã được “xác định là lĩnh vực ưu tiên phải giải quyết”, nhưng hiện tại không có kế hoạch nới lỏng các quy định. Nhưng cơ quan này cho biết họ đang làm những gì có thể để “tăng khả năng cạnh tranh của ngành đào tạo phi công Canada cũng như cải thiện năng lực của ngành hàng không để giải quyết mọi tình trạng thiếu hụt.”
Bất cứ thay đổi nào xảy ra sẽ chưa thể có hiệu quả trong thời gian ngắn và khách du lịch đã nhận thấy tác động của cuộc khủng hoảng lao động hiện tại trong ngành này.
Tình trạng thiếu nhân viên là một yếu tố khiến hãng hàng không Sunwing hủy 67 chuyến bay trong hai tuần cuối tháng 12, cùng với thời tiết khắc nghiệt.
Mức lương dành cho các phi công có kinh nghiệm thường tăng nhanh hơn và cao hơn ở các hãng hàng không lớn so với hầu hết các hãng khác, vì vậy họ thường có thể lựa chọn những phi công có sẵn. Điều đó gây ra sự thiếu hụt ở mọi nơi khác.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Canada cho biết đây là một vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.
“Chúng tôi đã không có đủ phi công trong một thời gian dài”, John McKenna nói.
Quy trình dài, tốn kém
Để trở thành phi công, học viên có thể tiêu tốn hàng chục nghìn đô la và mất nhiều năm và bước cuối sẽ là nhận giấy phép bay thương mại nhằm chính thức hành nghề.
Ở Canada, hành trình đó kết thúc với một công việc mơ ước tại WestJet hoặc Air Canada. Tuy nhiên, do chi phí và thời gian cam kết đào tạo phi công mới, các hãng hàng không lớn thường thuê nhân viên hàng đầu từ các hãng nhỏ hơn thay vì thực hiện đào tạo riêng.
Hai hãng hàng không lớn nhất của Canada thông tin với CBC News trong các tuyên bố gửi qua email rằng mặc dù họ đang có nhu cầu cao hơn bình thường đối với phi công, cả hai đều đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực này.
“Là một hãng hàng không lớn trên toàn cầu vận hành những chiếc máy bay lớn nhất, hiện đại nhất, chúng tôi là điểm đến rất đáng mơ ước của các phi công tài năng. Do đó, chúng tôi có thể thu hút phi công theo yêu cầu của mình”, AIr Canada cho biết.
“Chúng tôi tiếp tục quản lý và lập kế hoạch hoạt động một cách có trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và có đầy đủ nhân viên trên toàn mạng lưới để hỗ trợ hoạt động của chúng tôi,” WestJet cho biết.
Trong khi đó, các hãng hàng không nhỏ thường có rất ít phi công. Vào mùa thu, Sunwing đã đăng ký tuyển dụng hơn 60 lao động nước ngoài tạm thời để đáp ứng nhu cầu về phi công, nhưng đơn đăng ký đó đã bị từ chối, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn bay vào cuối năm 2022. Kể từ đó, hãng đã hủy gần như tất cả các chuyến bay ra khỏi vùng Saskatchewan và Manitoba trong khoảng thời gian còn lại của mùa du lịch đông.
Đại dịch cũng góp phần làm giảm số lượng phi công
Không chỉ các ông lớn chiếm phần lớn số lượng phi công có trình độ, nhiều người đơn giản là bỏ nghề trong đại dịch.
Dave Boston, một phi công với 25 năm kinh nghiệm, đồng thời là một nhân vật chủ chốt tại Trung tâm Hướng nghiệp Phi công có trụ sở tại Edmonton, cho biết: “Hai năm trước, theo đúng nghĩa đen, hầu hết mọi phi công đã thất nghiệp.
Ông nói với CBC News trong một cuộc phỏng vấn rằng, đối mặt với tình trạng cho nghỉ phép và sa thải tại các hãng hàng không lớn và nhỏ, nhiều phi công đã cố gắng chờ đợi, nhưng nhiều người cũng đã phải từ bỏ.
Ông Boston cho biết: “Nhiều người có công việc kinh doanh hoặc sở thích khác. Và sau khoảng sáu tháng đến một năm, trong khi vẫn phải tìm cách kiếm tiền, họ đã chính thức rời bỏ ngành”.
Đối với những phi công còn lại, các tin tuyển dụng ập đến mỗi ngày. Ông Boston cũng chia sẻ rằng ông nhận được tin từ các hãng hàng không tuyệt vọng mỗi ngày, bởi vì họ không thể tìm thấy nhân viên hoặc vừa mất thêm một người nữa. “Một điều rất phổ biến đối với các phi công là họ làm việc ở đâu đó trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó nhận được một cuộc phỏng vấn bất ngờ rồi từ đó nghỉ việc để sang chỗ làm mới”, ông nói.
“Đó là một thách thức thực sự ngay lúc này,” ông Boston cho hay.