Con ‘Tây’ mất gốc tiếng Việt – Nỗi lo của cha mẹ Việt ở nước ngoài
Nhìn những đứa con của chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, dù cha mẹ chúng đều là người Việt, tôi lo chúng đang mất gốc dần.
Tuần rồi, tôi được mời đi ăn “hóa vàng” tại nhà một người quen ở Pháp. Từ hồi xuất ngoại đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi được mời đi ăn vào một dịp mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống Việt Nam như vậy. Có những điều tưởng như bình thường ở trong nước, nhưng lại là phi thường ở nước ngoài.
Anh chị chủ nhà đều đang làm việc tại một trường đại học lớn hàng đầu của Pháp. Anh đã bảo vệ HDR (“Habilitation à Diriger des Recherches” – người có đủ khả năng để tiến hành nghiên cứu độc lập, có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ) chuyên ngành Điện tử Viễn thông được khá lâu. Đây là một vị trí tương đương với Phó Giáo sư ở Việt Nam.
Số năm anh sống ở nước ngoài đã nhiều hơn số năm sống ở Việt Nam. Nói tiếng Pháp hay pha trò “chém gió” theo lối người Pháp không khác gì một “ông Tây mũi lõ”. Nhưng anh vẫn giữ được sự hài hòa của một người Việt truyền thống, và một phong cách người Tây hiện đại. Đó cũng chính là lý do tôi quý mến anh ngay từ lần đầu tiên gặp nhau.
Sau màn hóa vàng, chúng tôi cùng rút các bao lì xì để mừng tuổi cho bọn trẻ. Dù bọn trẻ con ngoan ngoãn không mở ra xem ngay mệnh giá tiền, nhưng tôi vẫn có thể chắc chắn đó là những đồng tiền 10 Euro – đồng tiền Pháp duy nhất màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn trong quan niệm của người Á châu. Anh chồng bảo tôi: “Chúng mình giữ được truyền thống quê nhà thế này là tốt lắm em ạ, cố gắng phát huy nhé”.
Nhân ngày hóa vàng, toàn những món ăn truyền thống ngày Tết như nem, canh măng, giò thủ tự gói, bánh chưng tự luộc, xôi gấc tự đồ… chúng tôi bàn về một chủ đề gần gũi hơn, đó là tiếng Việt.
Không có ai khởi xướng cả. Trong khi chúng tôi đang cụng ly, hỏi thăm tình hình nhau sau một thời gian không gặp, thì ở bàn ăn bên cạnh, bọn trẻ con cũng sôi nổi không kém. Có điều chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, còn chúng “bắn liên thanh” bằng tiếng Pháp. Sau một hồi ngầm quan sát, anh bạn chủ nhà của tôi nghĩ ra một trò chơi. Anh bảo chúng tôi quay sang làm trọng tài và đưa ra luật với tụi nhỏ: “Đố các con có thể nói được tiếng Việt với nhau trong vòng 10 phút. Ai phải sử dụng bất kỳ một từ tiếng Pháp nào sẽ bị thua.”
Con cái chúng tôi, những gia đình hôm nay ở đây khi ở nhà vẫn có thể nói chuyện tiếng Việt với bố mẹ, nhưng như một thói quen, hễ gặp bạn bè đồng lứa là ngay lập tức chúng chuyển hệ tự động sang tiếng Pháp. Sau một hồi ngập ngừng, chúng tôi quay đi để bọn trẻ cảm thấy tự nhiên, chúng bắt đầu “nặn” từng câu tiếng Việt với nhau một cách gượng gạo, có vẻ như không hiểu hết lời nói của nhau và đành kết thúc trong im lặng chờ hết giờ.
Chúng tôi ngừng uống, nhìn nhau chờ đợi. Không khí yên ắng đến nỗi các bà vợ đang “buôn dưa lê” phía kia bàn ăn cũng phải dừng lại, ngạc nhiên, tò mò. Anh bạn chủ nhà phá vỡ bầu không khí sau khi nhấp thêm một ngụm rượu: “Con cái chúng ta đều có bố mẹ Việt cả, mà chúng ta cũng đều nói tiếng Việt. Vậy mà bọn trẻ mới chỉ là thế hệ đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đã không thể giao tiếp với nhau được bằng tiếng Việt một cách bình thường. Mọi người nghĩ sao?”.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời anh: “Khi sang đây, cái làm em tiếc nuối nhất cho bọn trẻ đó chính là tiếng Việt. Mà tiếng Việt chính là văn hóa, hình thành con người Việt. Nếu chúng ta mà còn không có điều kiện trở về Việt Nam thăm gia đình thường xuyên nữa thì có khi bọn trẻ lại giống lời bài hát Bonjour Vietnam thôi”. Bài hát đó thành công không chỉ bởi lời bài hát được sáng tác bởi một tác giả dòng nhạc trữ tình rất nổi tiếng của Pháp là Marc Lavoine, mà còn có sự kết hợp với giọng hát da diết của ca sĩ trẻ Phạm Quỳnh Anh, một người con Việt sinh ra và lớn lên tại Bỉ.
Định cư một thời gian ở Pháp, tôi có nhiều bạn bè là các gia đình Việt Nam đang sinh sống ở đây. Và thật ngạc nhiên, rất đông trong số họ cũng đang dùng tiếng Pháp để giao tiếp với con cái. “Chỉ mới trải qua có một thế hệ mà đã mất gốc thế rồi sao?”, tôi nghĩ bụng. Tại sao chúng ta không giữ được văn hóa của mình, ngôn ngữ của mình cho thế hệ con cháu? Ngôn ngữ là một phần của văn hóa, không có ngôn ngữ Việt thì không còn là người Việt nữa.
Anh bạn chủ nhà trầm ngâm, lắng nghe rồi từ tốn nói: “Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể. Mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau. Đôi khi lực bất tòng tâm. Mình là người Việt, giao tiếp với con cái bằng tiếng Việt nhất định truyền tải được trọn vẹn cảm xúc của thông điệp nhất. Hơn nữa, chúng nó thành thạo tiếng Việt cũng là biết thêm một ngôn ngữ. Biết thêm một ngôn ngữ là biết thêm một văn hóa.
Nhưng nhìn vào thực tế cuộc sống của người Việt ở nước ngoài, hay của chính chúng ta, việc duy trì được tiếng Việt không hề dễ dàng. Không có môi trường giao tiếp, thì đến người biết tiếng Việt lâu không sử dụng cũng mai một dần, quên từ này, mất từ kia. Bọn trẻ nếu chỉ giao tiếp trong gia đình có bố mẹ Việt thì không thể đủ từ vựng xã hội được. Cấu trúc ngữ nghĩa tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ đa nghĩa, khó học nhất thế giới. Học sinh ở Việt Nam có cả chương trình Tiếng Việt trong nhiều năm liền, mới có thể thành thạo.
Rồi vì chúng hiểu chậm khi nghe tiếng Việt mà có khi bố mẹ đang vội vã, thà nói luôn tiếng Pháp cho nhanh. Lâu dần thành thói quen. Chẳng ai nghĩ sâu xa đến mất gốc hay văn hóa gì đâu. Đấy là nói đến những gia đình còn có cả bố mẹ đều sinh ra ở Việt Nam, chứ còn các bạn lấy vợ, hoặc lấy chồng Tây ở đây thì làm sao chỉ toàn nói tiếng Việt được?”.
Một cậu em lên tiếng: “Em đồng ý với anh ở những trường hợp cụ thể. Nhưng ở đây, chỉ nói đến gia đình có cả bố cả mẹ là người Việt, từ Việt Nam sang đây với tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, thì việc từ bỏ nó để giao tiếp với con cái bằng ngoại ngữ khác, như tiếng Pháp, là điều đáng tiếc, một thiệt thòi cho đứa trẻ mất đi một ngoại ngữ. Thật sự, nếu muốn chúng ta vẫn hoàn toàn có thể duy trì được tiếng Việt cho con cái, dù ở mức tối thiểu, tất nhiên là cần có quyết tâm và nỗ lực hơn trong giao tiếp với chúng.
Thấy không khí có vẻ căng thẳng, vợ cậu góp chuyện nửa đùa nửa thật: “Các anh em cứ quan trọng hóa vấn đề. Không có tiếng Việt cũng có chết ai? Thế giới đã trở nên phẳng, văn hóa hòa trộn, mọi người suy nghĩ thoáng lên chút đi. Công nghệ giờ phát triển, mấy năm nữa người ta có khi phát minh ra cái máy thông dịch tự động, cấy luôn vào tai nghe ngôn ngữ nào cũng được ý chứ”.
Cậu em đỡ lời cho vợ: “Như em phân tích lúc nãy, thì dạy bọn trẻ biết thêm một thứ tiếng nói chung, tiếng Việt nói riêng mới là nghĩ đến lợi ích cho bản thân chúng nó. Bố mẹ đều là Việt, đều nói tiếng Việt thì cơ hội cho tụi nó học tiếng Việt chẳng dễ dàng hơn học một ngoại ngữ khác. Một năm cố gắng cho tụi nó về thăm ông bà, khác gì một kỳ nghỉ thực hành tiếng Việt đâu. Cái đáng trách là những gia đình để con cái hoàn toàn không biết, không nói được câu tiếng Việt nào”.
Quả là vậy. Khi con tôi điền vào hồ sơ cá nhân, mục ngôn ngữ mẹ đẻ, liệu nó sẽ điền tiếng Pháp hay tiếng Việt? Nếu như nó điền tiếng Việt mà lại không biết đọc, biết nói tiếng Việt thì sao?
Tôi không trả lời được câu hỏi này, mà lặng lẽ rót thêm ly rượu mới cho mọi người. Chúng tôi còn bàn luận cho đến cuối bữa tiệc. Câu chuyện càng ngày càng nóng hơn, gay gắt hơn. Chỉ có điều, không ai nhận ra, hay không muốn nhận ra một sự thật, đó là chúng tôi đang trách ai đây? Những người Việt hay gia đình Việt ở nước ngoài chẳng phải là bốn chúng tôi ngồi đây sao? Bàn bên, chẳng phải con chúng tôi vẫn đang hồn nhiên nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp đây sao? Chưa bao giờ chúng biết đến một câu ca dao, tục ngữ Việt Nam. Kiến thức lịch sử hay Văn học chúng biết cũng là thuộc về nước Pháp. Chúng đang “mất gốc” dần. Chỉ còn tiếng Việt ít ỏi còn lại nhưng cũng đang dần mất nốt.
Tạm biệt anh chị chủ nhà khi đã quá nửa đêm. Tôi trở lại Paris với nhiều câu hỏi còn đọng lại chưa có lời giải đáp. Làm thế nào để hòa nhập mà không hòa tan? Có thể ngày mai, tôi sẽ thuyết phục để con mình theo học lớp tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai tại trường. Càng lớn, chúng sẽ càng bận rộn hơn với cuộc sống bên ngoài, trong khi chúng tôi cũng như các cha mẹ khác đang độ tuổi sống để cắm mặt vào công việc kiếm tiền.
Nhưng từ giờ, tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con cái, nói chuyện tâm sự với chúng bằng tiếng Việt, bằng cách này hay cách khác, để chúng cảm nhận ra sự giàu đẹp của tiếng mẹ đẻ qua những vần thơ hay điệu nhạc.