Nữ tiến sĩ gốc Việt đột phá với sáng chế pin 400 năm tuổi
Mya Le Thai – nữ tiến sĩ gốc Việt và là trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học California (UCI), Irvine, Mỹ đã cùng các đồng nghiệp phát minh ra loại pin có chu kỳ sạc đến 200.000 lần, giúp kéo dài “tuổi thọ” của pin lên đến 400 năm.
Nổi tiếng với phát minh tạo ra sự đột phá
Ảnh: Priscilla Iezzi.
Năm 2016, nữ tiến sĩ gốc Việt Mya Le Thai công tác tại Đại học California (UCI), Irvine, Mỹ được dư luận thế giới biết đến khi phát minh ra một loại pin có chu kỳ sạc đến 200.000 lần. Cụ thể, sau thử nghiệm diễn ra trong khoảng 3 tháng, Mya Le Thai – trưởng nhóm nghiên cứu đã vô tình phát triển ra nanobattery sau khi phủ một tập hợp các sợi nano vàng trong dioxide mangan. Sau đó, cô gói toàn bộ trong một chất điện phân làm bằng một chất gel giống như Plexiglas.
Thông thường, các sợi nano sẽ bị gãy sau khoảng chu kỳ sạc/xả tối đa 8.000 lần. Tuy nhiên, các kiểm tra cho thấy pin kéo dài lâu hơn và gần như nguyên vẹn sau nhiều lần sạc/xả. Điều này có nghĩa sợi nano bên trong trở nên bền vững hơn nhiều lần.
Trên thị trường, một máy tính xách tay chỉ được đánh giá đạt khoảng vài trăm lần chu kỳ sạc/xả. Nếu loại pin do nhóm của tiến sĩ Mya Le Thai được sử dụng thì tuổi đời mà pin trên laptop có thể kéo dài đến 400 năm.
Phát minh của tiến sĩ Mya Le Thai được giới chuyên gia đánh giá cao. Điển hình là Chủ nhiệm bộ môn hóa học của UCI, ông Reginald Penner cho hay việc nữ tiến sĩ gốc Việt sử dụng lớp gel rất mỏng là nguyên nhân chính giúp tạo ra pin có khả năng sạc đi sạc lại đến hàng trăm ngàn lần mà không mất đi năng lực. Đây là con số ấn tượng bởi các loại pin hiện tại chỉ đạt khoảng 5.000 – 7.000 lần sạc/xả.
Loại pin do tiến sĩ Mya Le Thai phát minh có thể được ứng dụng rộng rãi trong ô tô, nhà cửa, máy bay, công cụ xây dựng, khám phá không gian, các thiết bị, đồ gia dụng.
Những thành tích đáng nể
Ảnh: UCI News.
Nữ tiến sĩ Mya Le Thai có tên tiếng Việt là Lê Thị Trà My. Trước khi sang Mỹ du học, cô theo học tạo trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng niên khóa 2002 – 2003.
Về sau, Mya Le Thai theo học bậc cử nhân về công nghệ nano (Nanotechnology) tại Đại Học UCLA. Đến năm 2015, cô đến thủ đô Washington D.C. và làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Năng Lượng Tiên Phong thuộc Bộ Năng Lượng Mỹ.
Sau đó, Mya Le Thai trở về UCI để tham gia nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ nano. Cô là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Vật lý hóa học tại Đại học California. Vào tháng 6/2016, Mya Le Thai lấy bằng tiến sĩ rồi về làm kỹ sư làm việc cho tập đoàn máy tính Intel Corporation ở Mỹ.