NSND Bạch Tuyết từ năm 20 tuổi đã có đủ nhà, đủ xe, có tiền gửi ngân hàng, giờ 80 tuổi vẫn lập kênh Tiktok để GenZ tìm hiểu về cải lương
16 tuổi đã là đào chính, chưa đầy 5 năm đã gặt hái tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất ở tuổi 20, là nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học. Đến nay đã gần 80, người NSND ấy vẫn lập kênh Tiktok để tiếp tục truyền bá nghệ thuật cải lương tới thế hệ GenZ.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, NSND Bạch Tuyết vẫn ấp ủ trong mình niềm đam mê cháy bỏng cho cải lương. Người nghệ sĩ được người đời ca tụng là “cải lương chi bảo” này vẫn thường đi hát ở những nơi mình thích, thỉnh thoảng nhận lời thuyết giảng ở các trường đại học. Mới đây, bà cũng xuất hiện tại một trường Đại học ở TP. HCM với vai trò là diễn giả để chia sẻ về hành trình hoạt động nghệ thuật của mình.
Với giọng ca ngân nga trầm bổng, luyến láy đầy nghệ thuật, NSND Bạch Tuyết cũng đã khiến nhiều người xúc động khi hát lại câu hát nổi tiếng trong vở Thái hậu Dương Vân Nga nổi tiếng trở lại trên MXH thời gian qua. Qua từng lời hát, từng câu chia sẻ, người ta như được nhìn lại chặng đường của một nữ nghệ sĩ với đầy những khúc quanh trầm bổng khi thăng hoa, lúc trầm lặng nhưng có một điều luôn sáng rực trong đôi mắt bà là tình yêu vĩnh cửu dành cho nghệ thuật cải lương.
Giọng ca gạo cội này vốn được biết đến với vai chính trong những tác phẩm cải lương lừng danh như Dương Vân Nga (vở “Thái hậu Dương Vân Nga”), cô Lựu (vở “Đời cô Lựu”), Kiều Nguyệt Nga (vở “Lục Vân Tiên”), Thúy Kiều (vở “Trăng thề vườn Thúy”).
Con đường đến với đỉnh cao cải lương từ rất sớm cũng được chính người nghệ sĩ này nhận xét là vô cùng may mắn. Bà liên tục đạt được những thành tựu mà nhiều người dành thời gian cho nghệ thuật hàng chục năm còn chưa đuổi kịp: 16 tuổi đã là đào chính, chưa đầy 5 năm đã gặt hái tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, có đủ nhà, xe, tiền gửi ngân hàng của riêng mình ở tuổi 20; là nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học; và đến bây giờ bà vẫn duy trì được sức hút ở tuổi 75, vẫn luôn đau đáu với những dự án để mang cải lương tới giới trẻ hơn nữa.
Bà bồi hồi bộc bạch về những thành công sớm của mình: “Mẹ mất lúc 8 tuổi. Khi 20 tuổi, tôi có nhà cửa và có tiền gửi ngân hàng. Một đứa con gái chỉ mới 16-20 tuổi mà tiền nhiều quá. Mà tôi có một dịp may. Cái đêm lãnh lương đầu tiên của đào chính, tôi hỏi mấy chú hậu đài lớn hơn mình. Trời ơi lương người ta không bằng một phần 20, 30 của mình nữa“.
Cô nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ không khỏi day dứt trong lòng khi so sánh thu nhập của mình với những cô chú hậu đài. Bởi đối với bà, họ còn phải vất vả lo lắng “cơm áo gạo tiền” cho gia đình trong khi mình lại được hưởng quá nhiều tiền. Chính điều đó đã khiến người nghệ sĩ ấy đưa ra một quyết định bất ngờ. “Thông thường ở mỗi bến tôi hát 3 đêm. Tôi nói với ông bầu sô rằng: Từ giờ trở đi, đêm diễn thứ ba của con ở bất cứ vở diễn nào, chú lấy tiền đó chia cho mấy người hậu đài hết nha“.
Tưởng như đó chỉ là sự ngây thơ, bồng bột không suy nghĩ kĩ của một cô nghệ sĩ trẻ chưa biết lo lắng cho tương lai, nhưng sự việc sau đó mới khiến người ta càng thấm thía câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh“. Vì sau nhiều lần “cải lương chi bảo” san sẻ đồng lương của mình với các cô chú hậu đài mà không hề toan tính, điều lành cũng đến với bà một cách quá đỗi bất ngờ. Mấy chục năm sau, trong lần đi bệnh viện, một bác sĩ bất ngờ gặp và chia sẻ với bà rằng: “Con là con của chú hậu đài. Hồi trước cô cho con tiền học và bây giờ con thành bác sĩ nè”.
“Không có một niềm vui nào bằng điều đó. Mình làm không muốn người nhớ, nhưng bỗng nhiên thấy có kết quả trong sự hồn nhiên của mình. Đó là niềm hạnh phúc của đời người và mãi cho đến bây giờ, tất cả điều đó là lẽ sống của nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết”, bà chia sẻ về tâm niệm sống tốt không mong cầu ngày được trả ơn của mình.
Đến nay, khi đã gần 80 tuổi, người nghệ sĩ ấy vẫn còn đau đáu muốn truyền lửa cho thế hệ sau để gìn giữ được nghệ thuật cải lương vì theo bà: “Cải lương sẽ không bao giờ chết vì tiếng Việt còn thì cải lương còn“. Tháng 1 năm nay, bà thậm chí đã cùng ekip của mình quyết tâm cho ra đời 1 kênh Tiktok vì bà biết lớp khán giả trẻ có nhu cầu tìm hiểu về loại hình cải lương và nền tảng TikTok được chọn vì các clip đăng tải thường ngắn nhưng tạo được sự tập trung nhanh, dễ quảng bá với người xem. Chính tâm huyết này của “cải lương chi bảo” là một minh chứng sinh động cho sự hòa nhập giữa cải lương và ngành giải trí 4.0, rất cần được lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay học tập.
Có thể là may mắn nhưng nếu thiếu tài năng và nhân cách thì không thể làm nên một tên tuổi NSND Bạch Tuyết đã sống trong lòng khán giả suốt 60 năm qua. Dù ngày nay, dòng nhạc cải lương không còn ở thời kì hoàng kim nhưng khi nhắc đến “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, người ta vẫn dành một sự kính nể đặc biệt với những gì người phụ nữ này đã làm cho đời, cho người. “Tôi đến với nghề không tính toán gì hết. Chỉ biết rằng khi hiểu được giá trị của nghề, mình chỉ muốn dâng hiến thôi“. Sống chân thành, mọi điều tốt đẹp rồi sẽ đến!