8 năm làm nghề nail ở trời Tây và cái giá của sự giàu có
Là cử nhân Luật, thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh, Nguyễn Quang Huy, một công dân Hoa Kỳ 30 tuổi có đầy đủ điều kiện để lựa chọn công việc có vị thế trong xã hội. Nhưng anh vẫn kiên trì với nghề làm nail suốt 8 năm nay.
Trời chạng vạng tối. Nắng chiều gấp gáp nhường chỗ cho những ánh đèn neon đủ màu xanh đỏ thắp sáng bừng cả San Antonio, thành phố lớn thứ hai của tiểu bang Texas (Mỹ). Huy mệt mỏi lái ô tô về nhà trong làn xe cộ chen chúc sau 9 tiếng làm việc không nghỉ tại tiệm nail. Hôm nay anh chẳng rõ mình kiếm được bao nhiêu tiền, mà cũng chẳng còn quan tâm nữa. Anh chỉ muốn về nhà, về Việt Nam.
Một ngày đi học, sáu ngày làm nail và mức lương không tưởng với một trí thức Việt Nam
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Đại học Luật Tp. HCM, Huy quyết định du học ngành quản trị kinh doanh tại bang Texas (Mỹ). Chân ướt chân ráo tới xứ người, chàng trai 22 tuổi lập tức tìm việc tại một tiệm nail gần trường đại học.
“Ở Mỹ, làm nail là nghề kiếm tiền nhanh nhất, dễ nhất và nhiều nhất. Đây là câu thần chú mà du học sinh Việt Nam nào cũng biết”, Huy kể.
Có hai kiểu nhân viên mà không tiệm nail nào ở Mỹ muốn nhận. Thứ nhất là người chưa có bằng làm nail vì nếu bị phát hiện nhân viên không đủ tiêu chuẩn hành nghề, tiệm sẽ bị chính quyền phạt nặng. Thứ hai là du học sinh bởi chủ tiệm sẽ phải trả thay phần thuế của họ do sinh viên không đủ điều kiện đóng thuế. Khi mới sang, Huy “đạt” cả hai tiêu chí này. Nhưng bằng sự khéo léo của mình, chàng trai 22 tuổi đã thuyết phục thành công một chủ tiệm nail cho anh “làm lậu”. Từ đây, Huy bắt đầu cuộc sống của một du học sinh dành mỗi tuần một ngày để đi học và sáu ngày còn lại làm nhân viên tại cửa hàng nail, cứ như vậy 8 năm trời liên tục, anh tranh thủ những lúc vắng khách hoặc buổi tối để ôn bài.
Mỗi tháng, Huy kiếm được trung bình 8000 đô la Mỹ, tương đương 186 triệu tiền Việt Nam, chỉ từ việc làm nail.
Làm móng, làm mi, làm mặt, làm đầu, làm… đủ thứ
Vì mưu sinh, chàng cử nhân Luật lần đầu cầm trong tay những lọ sơn, cây giũa mài thay vì giấy bút. Bắt đầu từ vị trí thợ tay chân nước, loại thợ ít kỹ năng nhất, ngày ngày Huy phải ngồi liên tục 9 tiếng đồng hồ ngâm tay chân, cắt da và sơn sửa cho hết lượt khách này tới lượt khách khác. Chỉ sau 1 năm làm việc, cậu sinh viên nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm để leo lên vị trí thợ bột, bậc thợ có tay nghề cao hơn.
Thợ bột là người làm móng tay giả cho khách. Vị trí này không chỉ được ngồi cao hơn, đồng nghĩa với cái lưng bớt đau, mà cũng được trả lương cao hơn và coi trọng hơn. Sau 2 năm làm việc, Huy trở thành thợ lành nghề, hay còn gọi là thợ… làm đủ thứ. Thợ cấp độ này ngoài làm móng còn làm mi, làm mặt, làm đầu và các dịch vụ làm đẹp khác. Nhờ chăm chỉ, lanh lợi và thạo tiếng, Huy giàu lên nhanh chóng. Ngoài tự chi trả tiền học và sinh hoạt phí, Huy bắt đầu sắm xe, sắm nhà và gửi tiền để mẹ xây nhà tại Việt Nam. Làm được một thời gian, tích lũy đủ tiền, Huy tự mày mò tìm cách để có được tấm thẻ xanh (thẻ thường trú Mỹ) với sự giúp đỡ của người chủ tiệm nơi anh làm việc.
Mọi việc diễn ra suôn sẻ, sau 6 năm rời quê hương, Huy chính thức trở thành một công dân Mỹ.
Sống trong cảnh giác
Về tới nhà, quăng chiếc chìa khóa lên bàn, Huy nằm vật ra giường, bao tử của anh bắt đầu nhói đau từng đợt. Hôm nay Huy mới ăn một bữa buổi sáng. Khách đông nghịt từ lúc mở hàng đến khi đóng cửa. Anh lại là thợ tay nghề cao, nhiều khách quen nên cả ngày lịch hẹn kín mít. Có khách sẵn sàng chờ đến 1-2 tiếng nên chàng trai trẻ phải luôn tay luôn mắt, không ngơi nghỉ lúc nào. Liến thoắng trò chuyện với khách về những vụn vặt trong cuộc sống thường ngày, tay anh vẫn không ngừng cắt, gọt, sơn, vẽ. “Làm nghề này giàu lên nhanh chóng nhưng sức khỏe cũng yếu đi nhanh chóng. Nhiều người còn mắc các chứng bệnh liên quan đến gan, phổi do làm việc với hóa chất trong thời gian dài”, Huy thừa nhận.
Dù dành tới 9 tiếng mỗi ngày ở tiệm nail nhưng Huy không thích chơi với đồng nghiệp của mình. “Cộng đồng người Việt làm nail bên Mỹ là một cộng đồng chưa bao giờ đoàn kết và sẽ không bao giờ đoàn kết”, anh cay đắng nhận định về nơi mình thuộc về. Chứng kiến những cuộc cạnh tranh “sứt đầu mẻ trán” giữa chính những người đồng hương khiến Huy ngao ngán. Họ có đủ các chiêu trò để chơi xấu nhau. Nói xấu để chủ đuổi, nói xấu nhau với khách, rồi quậy phá đồ nghề của đồng nghiệp để móng của khách mau hư, và còn nhiều thủ thuật giành khách khác. Dù sống và làm việc với nhiều người Việt Nam nhưng Huy không hề có cảm giác gắn kết mà luôn trong trạng thái cảnh giác với chính đồng bào của mình.
Ngoài giờ làm, các nhân viên dành đa số thời gian để uố.n.g. .r.ư.ợ…u, c.h.ơ……i. .“t.h.u.ố.c.”. .h.o.ặ.c .đ.á.n.h. .b.à…..i tại c.a.s.i.n…o. Đồng tiền đến với những người làm nail quá dễ dàng và nhanh chóng khiến họ xả láng tiêu pha vào những cuộc vui chơi không mục đích. Đó không phải cuộc sống mà Huy mong muốn. Do đó, Huy càng cố gắng hạn chế tiếp xúc với những người vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng bào của mình.
Nỗi cô đơn của “người giàu”
Uể oải lết khỏi giường, Huy tắm rửa để xua tan mùi hóa chất bám trên cơ thể suốt cả ngày. Tối nay anh có hẹn với một bên môi giới nhà đất. Anh chuẩn bị bán căn nhà này.
8 năm sống ở đây, Huy không có nhiều bạn bè. Cuộc sống của anh chỉ xoay quanh trường học và tiệm nail. Thỉnh thoảng, anh dành thời gian đi New York tham quan viện bảo tàng hoặc đi công viên ở Florida. Huy cũng thường xuyên về Việt Nam mỗi dịp sinh nhật để thăm gia đình và bạn bè.
Khi được hỏi có bao giờ thấy yêu nghề làm nail không, Huy lập tức gạt phăng đi.
“Đừng bao giờ hỏi câu đó. Tôi chưa bao giờ yêu nghề. Mỗi ngày lên tiệm là một cực hình vì vô cùng nhàm chán. Bao nhiêu việc đó làm hết từ ngày này sang tháng khác. Giờ mà bảo làm công việc này đến hết đời thì tôi tự tử cho rồi”, Huy đáp trả gay gắt.
“Nếu ở Việt Nam, mình thất nghiệp vẫn có thể nương tựa vào gia đình. Còn ở đây, chỉ cần một tháng không làm ra tiền lập tức sẽ trở nên bơ vơ”, Huy giải thích cho việc tự nguyện bám nghề nail.
8 năm trên đất Mỹ, Huy vẫn ôm giấc mộng về Việt Nam mở công ty luật của riêng mình. Anh dự định sẽ hiện thực hóa ước mơ ấy vào đầu năm sau. Huy đang trong tiến trình thanh lý tài sản tại Mỹ để trở về nơi chôn rau cắt rốn.
“Tôi chỉ muốn sống cuộc sống bình an. Tôi sợ nước Mỹ quá rồi. Bao nhiêu người cứ đánh đổi để đi. Nhưng bây giờ tôi muốn về, tôi thật sự không muốn ở đây thêm một ngày nào nữa”, anh tâm sự.
9 giờ tối, Huy vội vàng vơ đống giấy tờ trên bàn rồi mau chóng rời khỏi nhà. Tối nay anh muốn về sớm để hoàn thành cuốn sách dang dở về 12 giấc mơ của người Việt tại Mỹ, tác phẩm mà anh dồn nhiều tâm huyết với hy vọng thế hệ sau sẽ không mắc phải những vấp váp trong quá trình đi tìm giấc mơ Mỹ giống anh.