“Cá voi sát thủ cô đơn nhất thế giới” ở Canada qua đời: Hơn 1 thập kỷ bị cô lập, từng có video quay cảnh đập đầu vào tường gây xót xa
Kiska, được mệnh danh là con cá voi sát thủ ‘cô đơn nhất thế giới’, đã chết sau hơn 1 thập kỷ bị giam cầm trong công viên giải trí ở Canada.
Theo Daily Mail, hôm 10/3, Công viên giải trí MarineLand ở thành phố Niagara Falls, tỉnh Ontario (Canada) đã xác nhận thông tin về cái chết của cá voi Kiska.
Nguyên nhân cái chết của con cá voi 47 tuổi không được tiết lộ, nhưng đại diện MarineLand cho biết trong một tuyên bố rằng sức khỏe của nó đã suy giảm trong nhiều tuần trước đó.
Nguyên nhân cái chết của con cá voi 47 tuổi không được tiết lộ, nhưng Marine Land cho biết trong một tuyên bố rằng sức khỏe của nó đã suy giảm trong nhiều tuần.
Công viên giải trí cho biết: “Nhóm chăm sóc động vật biển có vú của MarineLand và các chuyên gia đã làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Kiska và giúp nó thoải mái nhất có thể. Chúng tôi thương tiếc cho sự ra đi của con vật”.
Bị bắt nhốt từ khi còn nhỏ
Khi mới 3 tuổi, Kiska bị bắt khỏi gia đình của nó ở gần Iceland, cùng với một con cá voi sát thủ khác tên là Keiko. Keiko sau này đã tham gia đóng vai chính trong loạt phim nổi tiếng “Free Willy” (về một cậu bé cố gắng giải cứu một con cá heo bị bắt) khởi quay năm 1993. Nhờ sự thành công của bộ phim, Keiko khi ấy được ví như “ngôi sao màn bạc”.
Kiska được đưa đến một thủy cung ở Iceland, nơi cô ở cùng với bốn con cá voi nhỏ khác, bao gồm cả Keiko. Ngay sau đó, Kiska cùng với Keiko được bán cho MarineLand, theo nhà hoạt động động vật Phil Demers, người trước đây làm việc tại công viên.
Keiko bị bán cho một công viên giải trí ở Mexico và tham gia đóng vài bộ phim sau đó được cứu, phục hồi và đưa trở lại vùng biển gần Iceland. Keiko chết vì bệnh viêm phổi vào năm 2003 tại một vịnh của Na Uy ở tuổi 27.
Về phần Kiska, khi bị đưa đến MarineLand, nó đã sinh được 5 đứa con – Athena, Hudson, Nova, Kanuck và một con không sống đủ lâu để được đặt tên. Tất cả 5 con của nó đều chết khi còn nhỏ.
Từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình
Kiska là con cá voi sát thủ bị nuôi nhốt cuối cùng ở Canada và là tâm điểm cho một số cuộc biểu tình của các nhà hoạt động vì động vật tại MarineLand.
Năm 2021, sau 1 thập kỷ bị giam cầm trong cô đơn ở bể nước của MarineLand, một video cho thấy cảnh Kiska tự đập đầu vào thành bể khiến nhiều người không khỏi xót xa và bức xúc.
Nhóm bảo vệ quyền động vật People for the Ethical Treatment of Animals (PETA) mô tả Kiska là “con cá voi sát thủ cô đơn nhất thế giới”. Cuộc sống của nó là một chuỗi “bi kịch này đến bi kịch khác” vì những cái chết của 5 đứa con bé bỏng.
Dự án Khu bảo tồn Cá voi cho biết: “Các nghiên cứu cho thấy khả năng cảm nhận những cảm xúc sâu sắc, phức tạp của cá voi sát thủ thậm chí vượt xa khả năng cảm xúc của con người. Tình mẫu tử, mối liên kết giữa cá voi mẹ và con sâu sắc đến mức con người như chúng ta cũng khó có thể tưởng tượng được nỗi đau buồn, chấn thương sau mỗi lần mất mát của Kiska trong những năm qua”.
Brent Ross, người phát ngôn của hội luật sư các tỉnh của Canada, cho biết MarineLand đã bị kiểm tra 160 lần kể từ tháng 1 năm 2020 như một phần trong công việc của Dịch vụ phúc lợi động vật nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chăm sóc được đáp ứng theo đúng luật.
Công viên này từng bị cáo buộc giam giữ động vật trái phép vào tháng 12 năm 2021 sau khi xuất hiện cảnh quay Kiska đập đầu và thân vào thành bể. Video này đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Các nhà điều tra của cảnh sát khu vực Niagara tin rằng công viên giải trí này đã vi phạm Đạo luật chấm dứt việc nuôi nhốt cá voi và cá heo.
Luật sư Camille Labchuk, giám đốc điều hành của Animal Justice, cho biết: “Thật đau lòng khi biết rằng Kiska sẽ không bao giờ có cơ hội được chuyển đến khu bảo tồn cá voi và trải nghiệm sự tự do mà nó vô cùng xứng đáng.
Mặc dù không có thêm bất kỳ con cá voi sát thủ nào khác phải chịu đựng sự tàn ác của việc nuôi nhốt ở Canada nữa, nhưng chúng tôi đang đòi công lý cho những gì Kiska phải chịu đựng.
Chúng tôi đang kêu gọi chính quyền tỉnh công bố kết quả khám nghiệm tử thi và truy tố MarineLand vì những đau khổ mà Kiska đã trải qua trong suốt những năm cuối đời”.
(Cafef)