Điều đầu tiên phải học khi theo nghề Y?
Ai vào được ngành y, đang hành nghề y cũng có chữ “nhẫn” đáng nể hơn người bình thường. Chữ “nhẫn” được đánh giá cao như một đức tính quý, yếu tố quan trọng dẫn tới thành công.
Trái lại, bạn thử ngẫm xem: Chữ nhẫn cũng gây khổ đau cho người sở hữu nó. Phàm đã là người tốt, là thầy thuốc hay thầy giáo thì chữ nhẫn cũng như gông đeo vào cổ. Người ta mừng vì nhờ nó mà thành công nhưng nước mắt, xung đột nội tâm, mất đi bản ngã cũng là sự mất mát to lớn đi kèm.
6 năm trong trường y rèn chữ nhẫn cho tôi nhiều lắm. Hơn 60 môn học, 13 đợt thi cử cao điểm, 6 năm dài đằng đẵng hết mài quần ở giảng đường, thư viện lại đạp xe đến bệnh viện thực hành. Đêm trực cần mẫn điền chỉ số theo dõi bệnh nhân hàng giờ, nửa giờ về nhịp thở, nhịp tim, đo nhiệt độ, huyết áp… rồi chia sẻ, động viên, an ủi người bệnh và người nhà bệnh nhân…, lúc nào cũng phải tỉnh táo, nhẫn nại… Rồi cũng đến sáng.Dù công việc quá tải nhưng bác sĩ vẫn phải luôn giữ chữ nhẫn trong tim.
Dù công việc quá tải nhưng bác sĩ vẫn phải luôn giữ chữ nhẫn trong tim.
Tôi ra trường đi làm cho đến giờ đã 50 tuổi, may thay vẫn còn giữ được chữ nhẫn!
Sáng nay, một bệnh nhân đòi tôi xuống tầng 1 đón lên để khám vì… không có ai đi cùng. Nếu không có chữ nhẫn, tôi sẽ phát điên vì xung quanh còn mấy chục bệnh nhân đang chờ khám. Những ngày nóng nực, đầy hơi người, tiếng trẻ con ọ ọe, tiếng chuông điện thoại các kiểu vẫn kêu… mà màn hình dày đặc danh sách chờ khám gần 60. Chỉ kiên nhẫn mới giúp bạn thoát hiểm, giải quyết từng trường hợp không được sai sót không lịch sự quá nhưng phải đủ nhã nhặn, con số 60 giảm dần 59, 58… và hết. Trong suốt quá trình khám sẽ có rất nhiều bệnh nhân nổi xung vì chờ lâu, vì không đồng ý cho trẻ em và người già được khám trước, muốn chụp ảnh hoặc ghi âm chúng ta, bạn cũng phải kiên trì giảng giải. Nóng giận sẽ làm bạn phải ân hận về sau dù bạn thắng hay đối phương thắng. Bệnh khó, bệnh nhi không phối hợp đòi hỏi bạn phải tăng tính kiên trì lên gấp bội. Các bệnh nhân khác sẽ xì xào ông già này khám lâu, nhưng cũng phải lờ đi thôi và kiên trì để có chẩn đoán đúng. Cháu bé đái vào blouse của bạn nóng ran và nhiều khi ngực ta phải gập xuống để khám bệnh làm chuột rút đau như nhồi máu cơ tim nhưng một tay vẫn phải giữ chắc em bé – tay kia cầm máy soi để chẩn đoán ra bệnh cho cháu. Rồi những bệnh nhân ngơ ngác, mệt mỏi từ Sơn La, Yên Bái xuống khám bệnh… trông chờ, hy vọng… làm ta phải kiên nhẫn, cố gắng… Có những lúc mệt mỏi, về nhà đổ sập xuống sau bữa cơm tối… Tôi chưa hề mất kiên nhẫn ư? Có chứ, rất con người và tự nhiên thôi. Giáo dục, lương tâm, y đức cũng có lúc không thắng được sự bất công, vô lý, thói gây gổ, vô kỷ luật của rất nhiều bệnh nhân và người nhà họ. Cũng có lúc phải to tiếng nhưng trang trọng yêu cầu trật tự, hợp tác trong công việc khám chữa bệnh. Bệnh nhân chửi mắng, công kích, quy chụp vô lối cũng cần phải hiên ngang tự bảo vệ mình và đồng nghiệp. Chữ nhẫn khiến ta được coi trọng hơn vì biết áp dụng đúng lúc, đúng chỗ chứ đừng để nó hủy hoại hay giết chết nhân phẩm của ta.
Chữ nhẫn không được bỏ bê nhất thời. Nếu để cái tôi trong giây lát cao hơn thân phận phục vụ, rồi phải ân hận, rồi phải trả giá… Lại phải chờ mong sự cảm thông của dư luận, sự phán xử biện chứng có lý, có tình. Mong sao mỗi áo trắng ghim chắc được chữ nhẫn trong tim.
Theo BS. Hoàng Cương/ Sức khỏe đời sống