Bán nhà 22 tỷ cho con đi du học Mỹ, tôi lỗ to: Khuyên bạn đừng vội ‘hy sinh đời bố củng cố đời con’ nếu không biết sự thật này
Là cha mẹ, ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Nhưng nếu không tính toán kỹ càng, có thể bạn sẽ phải hối hận vì những quyết định không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của con mà còn của cả gia đình.
Bài viết của tác giả Ngô Ngọc Mai đăng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc).
Bán nhà vì tương lai của con
Tôi và chồng đều làm trong cơ quan nhà nước tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), công việc ổn định lại không quá nặng nhọc. Năm 2008, thấy mọi người trong đơn vị thi nhau mua nhà, vợ chồng tôi bàn nhau mua một căn nhà ở khu Phố Đông mới vì nghe nói trung tâm thành phố trong tương lai chắc chắn là khu này. Chúng tôi mua nhà với giá 1,8 triệu NDT, mức giá quá hời vì chủ muốn bán gấp do làm ăn khó khăn trong thời buổi khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sau khi ổn định nhà cửa, mọi suy nghĩ của tôi đều dồn hết vào việc học hành của con trai. Nhưng dù thuê gia sư trả giá cao, con trai tôi vẫn không đủ điểm vào những trường top 1 như Thanh Hoa hay Bắc Kinh, đành học một trường hạng 2 bình thường. Trong mắt tôi, học trường top 2 rồi ra trường đi làm chỉ là lãng phí thời gian, không mang lại tính cạnh tranh. Nghe một đồng nghiệp nói rằng nếu cho con đi du học Mỹ, sau này về Thượng Hải mức lương sẽ rất hứa hẹn.
Tôi liền gật gù nhưng suy đi tính lại, đi du học Mỹ cần ít nhất vài triệu NDT, lương nhà nước của vợ chồng tôi chắc chắn không đủ. Muốn cho con đi phải bán căn nhà của gia đình, giá thị trường lúc đó là 6,7 triệu NDT (~22 tỷ đồng).
Chồng tôi nhất quyết không đồng ý, nói học đại học hạng 2 cũng được, trình độ học vấn là một phương diện, quan trọng hơn chính là năng lực tương lai: “Chúng ta không có tài sản nào ngoài căn nhà, giờ bán nhà đi thì sống ở đâu? Con trai sau này không có nhà làm sao kết hôn được”.
Tôi khi ấy phản bác chồng, cho rằng anh chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không tính dài lâu, nếu con đi du học Mỹ về mức lương sẽ đến hàng triệu NDT/năm, chắc chắn sẽ mua được căn nhà khác. Cuối cùng tôi vẫn nhất quyết bán nhà, chưa đầy 2 tháng đã có người mua. Con trai muốn tôi đi cùng vì sợ, tôi cũng lấy hết can đảm xin từ chức tại đơn vị dù lãnh đạo thuyết phục tôi hết lời.
Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, tôi cùng con trai sang Mỹ, chồng ở lại Thượng Hải thuê nhà để làm việc. Dù cảm thấy có lỗi với chồng nhưng nghĩ đến tương lai hứa hẹn của con trai, tôi tự tin sau này có thể mua căn biệt thự lớn hơn để gia đình đoàn tụ.
Những ngày ở Mỹ, chồng nhiều lần gọi điện nói tôi hãy trở về để con trai tự lập nhưng tôi không nghe. Nếu tôi về nước, chỉ sợ con trai không an toàn nơi đất khách quê người. Vậy nên đến khi con tốt nghiệp, tôi mới chịu về. Gần hết tiền, không có nhà, hy vọng của tôi chỉ còn nằm ở con trai.
“Bỏ hết trứng vào một giỏ” và cái kết
Không lâu sau khi trở về Thượng Hải, đồng nghiệp cũ báo tin căn nhà cũ của tôi hiện có giá 16 triệu NDT vì giá nhà thành phố tăng chóng mặt. Tôi sốc không nói lên lời, còn chồng lại tiếc nuối vì nghĩ nếu chúng tôi còn nhà, giờ đã có thể về quê sống an nhàn.
Một tháng sau, con trai báo tin đã tìm được việc ở một công ty nước ngoài, được bao ăn trưa, du lịch 2 lần/năm nhưng mức lương chỉ 8.000 NDT. Nghe đến đây, tôi trực tiếp ngồi phịch xuống sofa, trong lòng như lửa đốt. Tốn nhiều tiền đưa con đi du học, nay về lương cũng chẳng chênh người tốt nghiệp trong nước là bao, công việc ngày nào cũng phải tăng ca, đi đi về về chen chúc trong tàu điện ngầm.
Sau đó ngày nào tôi cũng chán nản ở nhà, tự kiểm điểm bản thân có phải mình đã làm sai điều gì không. Với mức lương hiện tại của con trai tôi, chưa nói đến việc kiếm lại ngôi nhà ban đầu, ngay cả việc cưới một người vợ ở Thượng Hải trong tương lai cũng sẽ là một vấn đề. Dù vậy tôi vẫn tự an ủi rằng con sẽ thành công trong tương lai.
Tôi nhanh chóng tìm được một công việc nhưng trong công ty ai cũng cho rằng tôi quá già. Sếp mắng rất khó nghe, lại không được lòng đồng nghiệp, tôi hối hận vì đã nghỉ làm ở đơn vị cũ. Nếu ngày trước đi làm vô cùng thoải mái, đồng nghiệp vui vẻ hòa thuận thì nay lại phải nhìn sắc mặt của người khác, mệt mỏi hơn rất nhiều.
Niềm hy vọng duy nhất của tôi cũng ngày càng lụi tắt khi sau 3 năm về Thượng Hải, công việc của con trai tôi vẫn không khá lên, hiện tại lương chỉ có 10.000 NDT. Con trai 26 tuổi không có bạn gái, khi tôi khuyên hãy mau chóng lập gia đình sớm liền nói rằng mình trong mắt con gái chính là thanh niên “3 không”: không nhà, không xe, cũng không có tiền nên chẳng ai chú ý.
Ngày nào tôi cũng tự giày vò mình trong suy nghĩ rằng quyết định năm đó của tôi quá sai lầm. Khi vô tình biết được giá thị trường căn nhà cũ lên đến 27 triệu NDT, tôi mất ngủ cả đêm. Lỗ 20 triệu NDT trong 7 năm, số tiền cả đời chắc con trai tôi cũng không thể làm ra với mức lương hiện giờ.
Với những gia đình không giàu cũng không nghèo như tôi, thực sự không cần thiết phải bán nhà và cho con đi du học. Trừ khi thực lực kinh tế gia đình vượt trội, nếu không sẽ giống như bỏ hết trứng vào một giỏ, khả năng mất hết tất cả cũng chỉ như trong gang tấc mà thôi. Tốt nhất nên suy đi tính lại thật kỹ, thay vì nghe người khác khuyên nhủ phải hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân. Phụ huynh nào cũng muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con cái, nhưng hãy cố gắng trong khả năng của bản thân, thay vì cố quá sức rồi làm mù mờ đi tương lai của cả gia đình.