Cô giáo Việt kiều chia sẻ cách người Mỹ dạy học sinh Tiểu học, cha mẹ Việt hãy áp dụng dạy con
Hiện đang giảng dạy tại xứ sở cờ hoa, cô giáo Đinh Thu Hồng chia sẻ kinh nghiệm về cách dạy học sinh Tiểu học của người Mỹ với các thầy cô, cha mẹ học sinh.
Hòa nhập với xã hội và sinh sống tại Mỹ được 8 năm, cô Đinh Thu Hồng- hiện đang là giáo viên trường Mount Zion Primary Shool, tiểu bang Georgia, Mỹ, cựu giảng viên ELS, trường Đại học Atlantic Cape, New Jersey, Mỹ.
Trong buổi Hội thảo giáo dục Tiểu học Hoa Kỳ về “Cái nhìn và kinh nghiệm thực tế” vào sáng 19/12 tại Hà Nội, cô đã chia sẻ cách dạy học sinh Tiểu học của người Mỹ giúp thầy cô giáo, bậc phụ huynh Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng.
Cô Đinh Thu Hồng chia sẻ cách dạy học sinh Tiểu học (Ảnh: Thùy Linh)
ô Hồng cho biết, nếu ở Việt Nam cứ học xong Đại học, Cao đẳng sư phạm xong là có thể đi dạy và trở thành giáo viên thì ở Mỹ, muốn trở thành giáo viên Tiểu học thì trước tiên phải có bằng cử nhân, rồi phải đi học chuyên môn trong 2 năm nữa, thi đầu ra, nếu được thì mới có thể đi dạy. Còn nếu dạy bậc Trung học thì phải đào tạo thêm một thời gian nữa.
Hiện tại trường Mount Zion Primary Shool – nơi cô Hồng công tác chỉ có 3 khối lớp: mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2. Mỗi khối có 9 lớp. Vì đây là khu vực đông dân cư nên sẽ phân chia như vậy.
Còn đối với khu vực thưa dân thì hệ thống giáo dục Tiểu học sẽ từ mẫu giáo đến lớp 5.
Lịch học hàng ngày của học sinh Tiểu học ở Mỹ:
– Ăn sáng
– Làm bài buổi sáng: 15-20 phút.
– Học Toán/ Văn: 90 phút.
– Học Khoa học tự nhiên/ Khoa học xã hội: 45 phút.
– Ăn trưa: 30 – 40 phút.
– Giờ ra chơi: 10 phút.
– Học các môn phụ như tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Tây Ban Nha), giáo dục sức khỏe, vẽ, âm nhạc, thư viện, thể dục.
Cấu trúc và phương pháp dạy học của cô giáo Tiểu học:
– Giải khái niệm chung
– Theo trình độ học sinh và nhu cầu để giảng dạy sâu hơn.
– Khi soạn giáo án thì cùng lên kế hoạch với giáo viên các bộ môn khác để nắm bắt kiến thức cũng như khả năng nhận thức của học sinh. Thậm chí cùng lên kế hoạch với giáo viên liên khối, có thể những bài dạy lớp 2 cần tham khảo ý kiến của cô giáo lớp 1 hoặc lớp 3 nếu nội dung dạy liên quan đến khối lớp đó.
– Chỉ ra học sinh nào cũng đặc biệt và có tài (không nhất thiết trong học tập mà có thể những việc làm mà bản thân trẻ làm giỏi) để học sinh tự tin hơn. Ví như có thể học kém nhưng biết vẽ, tết tóc, đánh đàn…
Mô hình lớp học phổ biến:
– Sắp xếp bàn ghế và đồ đạc linh hoạt chủ yếu bố trí theo cấp độ hay nhóm nhỏ:
+ Theo nhóm: 3-4 học sinh
+ Hình chữ U
+ Dãy bàn
+ Ngồi riêng: ví dụ như học sinh cá biệt, học sinh quá nghịch (trường hợp này cần hỏi ý kiến phụ huynh học sinh hoặc do phụ huynh đề xuất).
+ Bàn cho cô giáo kèm nhóm nhỏ
Mô hình lớp học phổ biến tại Mỹ (Ảnh: Thùy Linh)
Hoạt động dạy và học không chỉ diễn ra ở khu vực bảng hoặc bàn học sinh mà diễn ra ở bất cứ đâu trong lớp, cô giáo đứng ở mọi vị trí.
Đặc biệt, khi kiểm tra, đối với những học sinh nhận thức kém, không làm kịp thời lượng tốc độ của cả lớp hơn thì giáo viên sẽ cho các em thời lượng thời gian nhiều hơn so với các bạn khác.
Yêu cầu đối với môn Tiếng Anh:
Về ngữ âm:
-Lớp mẫu giáo: giúp học sinh nhận diện mặt chữ cái.
-Lớp 1: ghép âm với chữ cái, từ, câu ngắn, những cụm từ, câu đơn giản, nguyên âm, phụ âm.
-Lớp 2: làm quen học nguyên âm, phụ âm (đơn, kép), từ ghép, phép so sánh, dạng từ (danh từ, động từ, tính từ…)
– Từ lớp 3 trở lên: học từ đồng nghĩa, sắc thái từ, cách sử dụng từ.
Đọc:
– Giờ đọc sách/ truyện: trong giờ dạy giáo viên có 15-20 phút đọc cho học sinh.
– Đọc hiểu
– Đọc thạo: đối với lớp 2 thì học sinh cần đọc được 80-100 từ. Khi về nhà bố mẹ bấm giờ để học sinh đọc đảm bảo thời gian và số lượng từ.
– “Chiến thuật” để học sinh đọc mà hiểu bởi dù nhiều học sinh đọc rất tốt nhưng không hiểu.
Viết:
– Theo thể loại.
– Giới thiệu về thể loại: nêu các đặc tính của thể loại đang dạy.
– Học sinh dựa trên tiêu chí đó để áp dụng và viết bài theo thể loại đó.
Dạy và học môn tiếng Anh:
Khi dạy học ngữ âm:
– Bài học chung của cả lớp (mini lesson)
– Dán từ lên bức tường trống (Word wall) rồi tạo trò chơi để trẻ đoán.
– Thẻ chính tả (Flash card/ spelling card): thuận tiện trong việc di chuyển, có thể mang đi bất cứ chỗ nào giúp trẻ học một cách chính xác.
– Sử dụng sách đánh vần.
Khi dạy đọc:
– Đọc theo thứ tự hoặc không theo thứ tự, tùy thuộc vào loại sách để lựa chọn hình thức đọc. Ví dụ, sách thiên văn học thì học sinh có thể tự chọn trang về mùa, châu lục… để đọc mà vẫn hiểu được nội dung trẻ muốn tìm kiếm.
Nhưng nếu là truyện “Cô bé lọ lem” hay “Công chúa ngủ trong rừng” thì bắt buộc trẻ phải đọc theo trình tự số trang thì mới hiểu toàn bộ câu chuyện.
– Đọc hiểu
– Đọc thông: học sinh lớp 2 cần đạt 80-100 từ/phút.
– Tham gia đóng kịch
Viết:
– Thể loại: Trong 3 tuần đầu tiên thì cho trẻ kể về những gì mà bản thân đã làm, gia đình trẻ đã làm.
– Tương tác thể loại với nhau.
– Chia sẻ cách viết cùng cô giáo và các bạn.
– Để trẻ viết thư cho chính bạn của mình
– Tính thời gian viết là bao lâu.
Cách kiểm tra và chấm bài:
Không chính thức:
– Quan sát của giáo viên
– Cách đánh vần của học sinh
– Trò chơi
– Bài tập về nhà
– Không nhất thiết cứ chấm bài là cho điểm có thể qua hình ảnh (mặt cười, mặt mếu…)
– Nếu 4 tuần kiểm tra thì sẽ đánh giá qua 8 đầu điểm cho một môn chính. Còn 9 tuần kiểm tra thì tương ứng với 15-16 đầu điểm.
– Sử dụng phiếu đánh giá.
Chính thức:
– Dấu tích (x)
– Kiểm tra viết qua câu hỏi Đúng – Sai
– Cách thiết kế của học sinh
Đặc biệt, trong quá trình học, mỗi khi học sinh mệt mỏi hoặc trước giờ kiểm tra, cô giáo sẽ cho học sinh vận động khoảng 2-3 phút theo một bài tập nào đó giúp các em thư giãn, thoải mái hơn.
Các chủ đề chính trong Toán tiểu học ở Mỹ:
– Số học: Tính nhanh; Cộng trừ trong phạm vi 20, 100, 1000; Cộng trừ số có một, hai, ba chữ số; Phép nhớ và không nhớ.
– Giá trị các chữ số
– Hình học
– Đo lường: Đếm tiền, xem giờ, đo lường
Vài dạng bài kiểm tra Toán điển hình:
– Đếm số, nhận diện số, phân loại số, số kế tiếp, số bị thiếu, các phép tính
Phương pháp học Toán: Đếm số kế tiếp, gấp đôi, gần gấp đôi, cộng-trừ với số 0, cộng –trừ với tất cả các số, trò chuyện bằng số, làm phép tính ngược, suy theo chiều dọc, chia thành nhiều phần nhỏ để thực hiện phép tính.
– Cách cha mẹ hỗ trợ con trong việc học Toán tại nhà: Thực tập giá trị hàng chữ số; tự tạo ra bài toán như: cộng – trừ với 1, 10, 100; tạo số với giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất; so sánh các số; số thứ tự; làm tròn số…
– Áp dụng Toán học vào mọi hoạt động trong đời sống để trẻ có cơ hội học mọi lúc mọi nơi như: Khi đi mua hàng thì cho trẻ tính tiền, đồng xu; Tìm sự khác biệt hoặc tổng số về số lượng của các vật thể; Làm sao để phân chia, chia sẻ bằng nhau; Sắp xếp hình học; Đo lường…
Cách cha mẹ học tiếng Anh cùng con:
– Đọc truyện cùng con (kể cả truyện bằng tiếng Việt) vì khi hiểu và nắm rõ tiếng mẹ đẻ thì trẻ sẽ học ngoại ngữ khác rất tốt, rất logic.
– Để trẻ tóm tắt (kể lại một sự kiện hay câu chuyện bằng ngôn ngữ của con)
– Hỏi trẻ những câu hỏi mở (Tại sao, thế nào…)
– Giúp trẻ liên hệ với chính bản thân chúng trong câu chuyện vừa kể.
– Gom những kiến thức đã biết theo chủ đề
– Tìm hiểu sâu
– Tập luyện để cùng con nói lưu loát, trôi chảy.
– Phát huy khả năng sáng tạo của con như chơi vẽ tên, tạo từ…
– Học từ và đánh vần ngày càng nhiều
(Giáo Dục)