5 thói xấu xâm phạm lợi ích cộng đồng của nhiều người Việt
‘Không làm phiền người khác’ là cốt lõi của một xã hội văn minh, nhưng tiếc rằng, nguyên tắc ấy lại đang bị nhiều người Việt vi phạm thường xuyên.
(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Một xã hội văn minh với những hành vi ứng xử, lối sống, văn hóa là nơi người dân tuân thủ các quy tắc sống một cách nghiêm ngặt, thậm chí là rập khuôn, có thể kể đến như: luôn đúng giờ, tập trung cao độ trong công việc, xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng, không vứt rác bừa bãi, không nói năng bỗ bã, thường xuyên nói “cảm ơn” và “xin lỗi”… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, cái lõi của tất cả những hành vi trên đều xuất phát từ một nguyên tắc duy nhất, ngắn gọn, bao hàm tất cả các giá trị nêu trên của một xã hội mà người dân sống luôn biết cách tôn trọng cộng đồng xung quanh, đó là “không làm phiền người khác”.
Không khó để nhận ra những hành động xâm phạm quyền lợi của người khác ở ngay xung quanh ta, đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, lặp đi lặp lại, dai dẳng và chưa có thuốc chữa. Dưới đây là 5 hành động người Việt thường xuyên làm nhất, theo quan điểm cá nhân tôi:
1. ‘Tra tấn’ người khác bằng karaoke
Ô nhiễm tiếng ổn ở Việt Nam đang ngày một trở nên nghiêm trọng. Người ta không chỉ đau tai, nhức óc khi tham gia giao thông ngoài đường (tiếng còi xe, nhạc từ cửa hàng kinh doanh, chợ búa…) mà ngay cả không gian riêng tư tại gia đình cũng bị xâm phạm bởi nạn hát karaoke. Ở bất cứ khu phố, con ngõ nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp tình trạng người dân mở loa công suất lớn, hát karaoke từ sáng tới đêm, bất kể ngày thường hay cuối tuần.
Tôi ở nhà mặt đất, trong một con ngõ nhỏ, tọa lạc tại một khu dân cư không có mấy cửa hàng buôn bán. Lẽ ra với điều kiện sống như vậy, tôi có thể tận hưởng bầu không khí yên bình mỗi khi trở về nhà. Nhưng không, tôi đón bình mình bằng tiếng hát karaoke nhà hàng xóm, ra khỏi nhà đi làm trong tiếng karaoke nhà hàng xóm, trở về nhà lúc sẩm tối cũng tiếng karaoke nhà hàng xóm, rồi ăn tối, đi ngủ cũng song hành cùng tiếng karaoke nhà hàng xóm. Cái vòng lặp bất tận ấy nhiều lúc khiến tôi muốn bỏ cuộc, bán nhà và chuyển đi. Nhưng đó không phải là chuyện đơn giản ở thành phố và biết chạy đi đâu khi cả thành phố ngập tiếng karaoke. Vậy nên tôi cùng gia đình vẫn phải chịu đựng cho đến giờ, ít nhất là tới khi chúng tôi có đủ điều kiện chuyển nhà.
Từ nhà mặt đất tới chung cư cao tầng, nhiều người đã trở thành nạn nhân của màn “tra tấn” lỗ tai này. Nhưng nhiều người khác vẫn thản nhiên không cho rằng đó là hành vi xâm phạm, ảnh hưởng đến người khác. Chừng nào mà người Việt vẫn chỉ thỏa mãn nhu cầu, sở thích cá nhân của mình thay vì ý thức tôn trọng không gian riêng tư của người khác, chừng ấy vấn nạn karaoke còn lộng hành.
2. Vứt rác, khạc nhổ, tiểu bậy nơi công cộng
Xâm hại vệ sinh công cộng có lẽ không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam. Ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể bắt gặp những hành vi như xả rác, khạc khổ hay tiểu bậy trên đường. Đến mức, chúng trở thành thói quen của nhiều người, khiến những người khác mặc nhiên phải chịu đựng, tự tìm cách tránh né, thích nghi.
Đi một vòng thành phố, các bạn sẽ thấy đầy các quán lề đường xả rác lênh láng hai bên lề đường, thậm chí đổ thẳng xuống cống rãnh, sông ngòi. Vào quán ăn, có lẽ trừ nhà hàng sang trọng ra thì dưới sàn quán bình dân và lề đường tràn ngập giấy ăn. Chạy xe vài phút, tôi lại thấy mấy người đàn ông ngang nhiên quay người tiểu tiện lên tường, gốc gây, cột điện. Rồi ai trong chúng ta cũng từng bị ít nhất một lần “dính chưởng” vì thói khạc nhổ, xì mũi khi lái xe của những người kém lịch sự. Đi đằng sau, nhìn lên phía trước, cứ thấy ai khom khom người, mặt nghiêng nghiêng sang một bên là chắc chắn họ sắp phun ra một bãi nước bọt.
Lý do duy nhất để giải thích cho những hành động này chỉ là một chữ “tiện”. Vì muốn tiện cho bản thân mà họ sẵn sàng mặc kệ người khác không có lỗi đi bộ trên vỉa hè ngập rác; mặc kệ người đi đường vô tình dính trọn bãi nước bọt mà họ vừa nhổ ra; mặc kệ phụ nữ hay trẻ em phải nhắm mắt, bịt mũi khi thấy họ tiểu bậy trên đường… Cứ thế, sự xâm phạm lớn dần lên trong lòng xã hội Việt.
Tại sao không có những luật dân sự nghiêm khắc để bảo vệ mỹ quan đô thị của thành phố? Dần dà, những thói xấu này sẽ ăn sâu vào trình độ văn hóa của chúng ta, con em chúng ta khi lớn lên trong những hình ảnh nhếch nhác này thì chúng cũng coi như là bình thường. Tiếc rằng, câu chuyện đáng buồn về ý thức vệ sinh công cộng tại Việt Nam vẫn chưa thể bị dẹp bỏ do vẫn chưa được quan tâm đúng mực, chưa có những chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe.
3. Chen ngang, không chịu xếp hàng
Thói quen xếp hàng mua hàng, mua vé xe hay vào cửa nơi công cộng dường như rất ít người Việt có. Hình ảnh người Việt chen lấn, giẫm đạp lên nhau để tranh giành Ấn Đền Trần, giành mua khẩu trang làm nhiều người trong số chúng ta phải xấu hổ.
Tôi từng tận mắt chứng kiến cảnh người ta chen lấn, xô đẩy nhau trong siêu thị để tranh cướp hàng đợt dịch Covid-19 vừa qua, hay giành giật nhau từng chiếc khẩu trang được bán ở hiệu thuốc. Là một người không thích xô bồ, tôi chọn cách nhường cho một vài thành phần vồ vập lên trước, trong đầu nghĩ rằng sớm muộn gì mình cũng đến lượt. Nhưng chờ mãi, nhường mãi, rốt cuộc tôi chẳng có cơ hội để mua trong khi nhiều người đến sau đã nhanh chân giành hết đồ. Chuyện tương tự cũng xảy ra khi tôi đi xe buýt vào giờ cao điểm. Cuộc chạy đua, giành giật một chỗ lên xe buýt đã không ít lần hất văng tôi ra ngoài, tốn cả tiếng đồng hồ mới tìm được xe để lên.
Nhiều người sẽ hả hê vì có được điều họ muốn. Nhưng sẽ còn không ít người khác như tôi ngậm ngùi chịu thua thiệt dù lẽ ra không đáng phải thế. Giá như con người ta biết tôn trọng thứ tự, tôn trọng người khác, thì xã hội này sẽ văn minh, dễ thở hơn biết mấy.
>> Tôi thà chịu giá cao còn hơn chen lấn mua đồ tích trữ
4. Nói to, nói tục nơi đông người
Những chuyến tàu yên tĩnh khi người dân chỉ đọc sách, xem điện thoại, những chuyến xe buýt bình lặng khi người ta chỉ ngồi nhìn đường phố hay ngủ thiếp đi… đó có lẽ là điều mà chẳng mấy người Việt dám mơ tới khi di chuyển bằng những phương tiện công cộng.
Bất kỳ chỗ đông người nào, người ta cũng sẽ phải căng tai gánh chịu hàng tá những thứ âm thanh hỗn tạp từ người xung quanh: kẻ rút điện thoại nói chuyện như muốn gào lên cho cả thế giới nghe thấy, người mắng chửi nhau như chỗ không người, vài vị phụ huynh xổ cả tràng nhiếc móc con mặc kệ những ánh mắt nhóm ngó, đám bạn trẻ khoác vai bá cổ nhau trêu đùa khi miệng vẫn oang oang những câu chuyện trên trời dưới đất… Chúng ta đã và đang phải nghe quá nhiều thứ âm thành vô bổ, chẳng có chút giá trị nào một cách bị động. Nạn ô nhiễm tiếng ồn sẽ không thể hạn chế nếu con người ta vẫn cứ góp phần xả vào không gian thêm những âm thanh như vậy.
Đến khi nào người Việt mới ý tứ hơn khi đến nơi công cộng, nói nhỏ nhẹ chỉ vừa đủ cho nhau nghe, cất những câu chuyện riêng từ về nhà giải quyết, lịch sự trong từng câu chữ mình phát ra, để tôn trọng người khác, tôn trọng xã hội? Đó có lẽ sẽ còn là mật câu chuyện rất dài.
5. Vi phạm luật giao thông
Người ta sẵn sàng phóng xe vượt đèn đỏ vô tư khi giao lộ không có cảnh sát giao thông, thậm chí nối đuôi nhau chạy lấn làn, ngược chiều, leo vỉa hè khi thấy đường tắc. Chuyện tuân thủ tuyệt đối luật giao thông dường như là số le trong hàng tá những vi phạm diễn ra nhan nhản khắp các cung đường.
Mỗi lần đi qua ngã tư, tôi lại thấy bức xúc khi các xe máy, ôtô chen nhau rẽ trước khi đến giao lộ, rồi cứ vậy nối đuôi nhau đi lần làn ngược chiều, làm kẹt cả con đường. Nhiều giao lộ có CSGT đứng hẳn hoi nhưng người ta đi vẫn cứ ngang nhiên rẽ kiểu “cắt mặt” vậy rồi đi ngược chiều cực kỳ khó chịu. Tương tự là lấn làn, vượt đèn đỏ, từ trong đường nhỏ ra đường ưu tiên mà cứ phóng ào ào không giảm tốc độ để quan sát, bật xi nhan bên phải nhưng rẻ trái, không có bằng lái xe nhưng vẫn chạy xe… xảy ra như cơm bữa. Lâu ngày chúng thành thói quen xấu khó sửa.
Có thể nhiều người vi phạm sẽ biện minh rằng việc họ phạm luật chỉ là vì lợi ích của họ, chẳng ảnh hưởng tới ai. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi bạn vượt đèn đỏ, những người đi theo hướng cắt ngang sẽ bị cản trở dù lẽ ra họ mới là người được đi khi đèn xanh; khi bạn đỗ xe ở phần đường dành cho các phương tiện rẽ phải, rất nhiều người khác xe phải chờ theo bạn dù theo luật họ được ưu tiên chuyển hướng; khi bạn không bật xi nhan khi rẽ hoặc bật lệch hướng, biết đâu đó sẽ có người phía sau không kịp phanh hoặc đánh lái đột ngột, tai nạn là điều khó tránh… Rất rất nhiều những hành động phạm luật tương tự khi tham gia giao thông vô tình khiến người khác phải lãnh hậu quả. Nhẹ thì bị cản trở di chuyển, nặng hơn thì có thể gặp tai nạn, thậm chí là mất cả mạng sống.
Nếu ở các nước phát triển, vỉa hè luôn được đảm bảo dành cho người đi bộ thì người Việt lại phải san sẻ không gian này cho đủ loại phương tiện giao thông, người kinh doanh, bán hàng, trông giữ xe… Những ai sống ở thành phố lớn như tôi có lẽ sẽ hiểu rõ nhất thực trạng này. Tôi có con nhỏ và cũng muốn đưa con đi dạo, đến trường bằng cách đi bộ vì trường chỉ cách nhà tôi có chưa đầy 1 km. Nhưng tôi nhanh chóng phải từ bỏ ý định này bởi vỉa hè có đâu mà đi. Vỉa hè giờ bị lấn chiếm, “xẻ thịt” tan nát bởi xe máy leo lề, xe đậu trên vạch kẻ dành cho người đi bộ, hàng quán bên đường giành chỗ bán…
Vậy là quyền lợi cơ bản nhất của một người đi bộ như tôi là được đi trên vỉa hè cũng đã bị xâm phạm ngang nhiên, trắng trợn. Muốn đi, tôi không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường (một sự xâm phạm ngược lại với những người điều khiển phương tiện giao thông). Và để không biến mình thành một người thiếu tôn trọng lợi ích hợp pháp của người khác, tôi chọn đi xe.
Nhật Bản là một nước như thế. Xã hội Nhật Bản khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ vì với những hành vi ứng xử, lối sống văn minh bậc nhất. Người dân của họ luôn biết cách tôn trọng cộng đồng xung quanh, không làm bất kỳ một cá nhân nào khác phải cảm thấy phiền phức về hành vi của mình, kể cả khi đó là một người xa lạ hay chính thành viên trong gia đình.
Nhưng đáng buồn, đó lại là điều tương đối “xa xỉ” hoặc ít nhất là hiếm thấy ở xã hội Việt Nam. Và còn rất nhiều những thói quen xấu khác của người Việt đang diễn ra thường xuyên trong cuộc sống. Tất nhiên, đất nước nào cũng có cái hay, cái đẹp nhưng cũng có những cái xấu, cái chưa hợp lý… Vấn đề quan trọng là chúng ta cần biết sai thì sửa, biết xấu thì điều chỉnh cho đẹp hơn. Văn minh không tự nhiên mà có, nó phải trải qua một quá trình thay đổi dài, thay thế dần những thói quen xấu thành những hành động đẹp. Bởi thế, chúng ta cần bắt đầu ngay từ bây giờ.
Hãy sống không làm phiền xã hội, không làm tội người thân.
(VnExpress)