Nghe phi công 9X kể về chuyện ném bom trên tiêm kích Su-30MK2
Là một trong những phi công đầu tiên đang học chuyển loại đã được chọn tham gia bay bắn ném bom, đạn thật ở đất liền và trên biển, thượng úy Lê Bá Sáng là một trong các gương mặt trẻ có nhiều triển vọng ở trung đoàn không quân tiêm kích 935.
Đối với nhiều phi công phản lực, được bay trên chiến đấu cơ Su- 30MK2 là mơ ước. Lê Bá Sáng cũng vậy. Hơn ba năm trước, ở tuổi 23, anh đã chạm tới giấc mơ của mình: được ngồi trong buồng lái của tiêm kích Su-30MK2 và bay lượn trên trời xanh. Thượng úy Lê Bá Sáng hiện là phi công phi đội 1 thuộc trung đoàn không quân 935 (sư đoàn 370 – Quân chủng Phòng không không quân), một trong những phi công trẻ nhất hiện nay đang học chuyển loại lái máy bay Su-30MK2 tại trung đoàn 935.
Thượng úy Lê Bá Sáng
Tài sản tuổi 26
26 tuổi, tài sản của Lê Bá Sáng là gần 400 giờ bay tích lũy trên ba loại máy bay: máy bay cánh quạt Yak-52, máy bay phản lực cận âm L-39 và chiến đấu cơ tiêm kích đa năng siêu âm Su-30MK2. Lê Bá Sáng là một trong 10 phi công trẻ nhất đang học chuyển loại lái Su-30MK2 ở trung đoàn 935. Anh cũng là năm phi công đầu tiên chưa hoàn thành khóa học chuyển loại vẫn được tin tưởng cho tham gia hai đợt thực hành bay bắn ném bom, đạn thật tại trường bắn trên đất liền và trên biển tháng 3 và tháng 5-2018.
Nhớ lại sự kiện đặc biệt đó, thượng úy Lê Bá Sáng nói mới ra trường chưa lâu lại đang học chuyển loại mà lần đầu tiên được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ném bom nên hồi hộp lắm. Hôm bay bắn ném bom, anh ngồi phía trước, là lái chính. Trung tá Ngô Quốc Tiến, phi đội phó phi đội 2, ngồi buồng sau bay kèm.
“Hôm đó thời tiết không tốt. Khi bay vào trường bia lẽ ra phải thực hiện bài bay ném bom bổ nhào nhưng vì điều kiện khí tượng phải chuyển sang bài ném bom bay bằng. Hai anh em tập trung thực hiện nhiệm vụ. Sau khi cắt bom xong, thoát ly thì nghe qua thông thoại thấy chỉ huy trường bắn hô trúng bia. Khi hạ cánh, mình nhận được lời chúc mừng của các anh kỹ thuật dưới mặt đất. Cảm giác lúc đó sướng lắm, không tả được” – anh Sáng kể. Phi công Lê Bá Sáng được xếp loại giỏi đợt bắn này.
Gần hai tháng sau, tháng 5-2018, khi quân chủng tổ chức bắn ném bom, rocket tại trường bắn TV5, Lê Bá Sáng tiếp tục là một trong năm phi công trẻ được chọn. “Lần này ném bom trên biển, phi công trẻ bọn mình ném bom, còn những anh lâu năm thì được bắn rocket” – thượng úy Lê Bá Sáng cho biết. Bốn phi công đang học chuyển loại đạt loại giỏi, riêng Lê Bá Sáng đạt kết quả xuất sắc, được Quân chủng Phòng không không quân tặng bằng khen. Đây là thành tích đáng để tự hào với một phi công trẻ chưa hoàn thành xong khóa học chuyển loại trên chiến đấu cơ Su- 30MK2.
Đại tá Phan Xuân Tình (phải) hướng dẫn một số thao tác quan trọng trong bài bay cho học trò – phi công 9X Bùi Văn Lập – trước khi lên máy bay – Ảnh: My Lăng
Ước mơ gieo mầm từ chuyến bay tuổi thơ
Quê Sáng ở Thanh Hóa nhưng từ nhỏ đã lớn lên gần sân bay Nha Trang. Bố anh là giáo viên dạy chuyên ngành kỹ thuật của Trường Sĩ quan không quân ở Nha Trang. “Tết năm mình học lớp 2 và lớp 3, được bố cho đi cùng hai lần về quê trên máy bay vận tải An-26. Cảm giác ngồi trên cao nhìn xuống mọi thứ rất lạ, thích lắm. Mình lớn lên đã quen với âm thanh của tiếng máy bay hằng ngày vì nhà sát sân bay. Khi nhìn thấy máy bay L-29 là loại máy bay phản lực cận âm huấn luyện trong nhà trường rồi sau này thấy máy bay Yak-52, mình cứ ước lớn lên được tự điều khiển một chiếc máy bay như các chú” – Sáng kể.
Học lớp 12 xong, Sáng giám định sức khỏe, thi văn hóa thì đủ điều kiện vào Trường Sĩ quan không quân. Sáng chia sẻ: “Lúc đó mình còn quá trẻ, chưa có đam mê như sau này mà chỉ thấy thích thôi. Học lý thuyết cơ bản rất nặng vì khối lượng kiến thức rất lớn ở tất cả chuyên ngành. Một phi công muốn được lên máy bay thực hành bay thì điểm kiểm tra lý thuyết phải 7 điểm trở lên. Tùy từng loại máy bay thì lượng kiến thức chuyên ngành khác nhau. Ngoài ra còn có kiến thức riêng về quy chế sân bay, điều lệ bay, điều lệ bảo đảm an toàn bay, dẫn đường…”.
Sau hai năm học, qua quá trình rèn luyện, đợt giám định sức khỏe, Lê Bá Sáng đủ điều kiện nên được chọn học trên máy bay Yak-52. Sau rất nhiều chuyến bay kèm, ngày 11-4-2013 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với Lê Bá Sáng: đó là ngày lần đầu tiên Sáng được bay đơn trên máy bay Yak-52. Sáng kể: “Đợt đó có hai bạn nữa cùng được thả đơn. Lúc ở dưới mặt đất mình rất lo lắng nhưng khi lên nổ máy thì không còn lo nữa. Hôm đó bay đơn bài 3, tức bay đơn vòng kín. Bố mình cũng sang xem ngày con trai được bay đơn. Bay lên trời rồi, mình sung sướng nghĩ cuối cùng cũng có thể tự điều khiển một chiếc máy bay. Khi máy bay hạ cánh an toàn, mình tự tin hơn vào khả năng làm chủ máy bay, sướng và tự hào lắm”. Sau khi học xong Yak-52, Lê Bá Sáng tiếp tục được chọn học chuyển loại lái máy bay phản lực cận âm L-39 một năm.
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân, trung úy Lê Bá Sáng là một trong 10 phi công trẻ nhận nhiệm vụ về trung đoàn 935. “Đã là phi công phản lực thì ai cũng thích được lái máy bay Su-30MK2 – thượng úy Lê Bá Sáng nói – Học lái Su-30MK2 khó hơn Yak-52 và L-39 rất nhiều lần, nhưng do hai loại trước mình đã có một số giờ bay tích lũy nhất định nên khả năng làm quen nhanh hơn so với thời chưa biết gì. Su-30MK2 là máy bay tiêm kích đa năng, máy bay chiến đấu hiện đại nhất hiện nay của không quân Việt Nam nên yêu cầu về kỹ thuật và sự hiểu biết cực kỳ cao. Đây là máy bay chiến đấu bảo vệ đất nước nên tầm hoạt động dài, xa và vũ khí trang thiết bị đi kèm rất nhiều, đòi hỏi phi công ngoài việc bay an toàn phải biết cách sử dụng các thiết bị vũ khí, hiệp đồng các quân binh chủng nên lượng kiến thức về Su-30MK2 rất nhiều”.
Nụ cười tỏa nắng của phi công trẻ Trần Thanh Luân – Ảnh: Thuận Thắng.
Ham học hỏi
Ngoài thời gian học theo quy định, buổi tối khi nhiều vấn đề chưa rõ, Sáng đi gõ cửa hỏi các anh, các chú. Dần dần kiến thức được củng cố. Sau thời gian học chuyển loại, lần đầu tiên phi công Lê Bá Sáng chính thức được bay trên tiêm kích đa năng siêu âm Su-30MK2.
Sáng nhớ lại: “Cảm giác đó rất tuyệt vời. Su- 30MK2 là máy bay chiến đấu nên mức độ nguy hiểm cao, đòi hỏi sự tập trung cao. Mình lại là phi công mới ra trường, chưa trải qua bất cứ loại chiến đấu cơ nào trước đó đã lên thẳng Su-30MK2 luôn nên chuyến bay đầu tiên hồi hộp lắm. Nhưng bay xong rồi thấy rất tự hào. Mình rất thích những bài bay ứng dụng chiến đấu, các bài bay nhào lộn, bài bay tập sử dụng bom, tên lửa”. Đến giờ buổi tối dù là giờ nghỉ ngủ, chàng phi công trẻ vẫn học, chăm chỉ nghiên cứu tài liệu.
“Lúc có hứng thì học đến 22h, 23h, còn không thì khoảng nửa tiếng. Với phi công, học là quá trình cả đời chứ không phải một vài năm. Nghề bay là nghề rất nguy hiểm. Sơ suất một chút là ảnh hưởng tính mạng nên việc học và củng cố kiến thức là việc cả đời. Mình còn rất trẻ, còn quá ít kinh nghiệm nên càng phải rèn luyện, tập trung học hơn nữa” – Sáng cho biết.
Nguồn: Tuổi Trẻ