Phi Thanh Vân 6 năm làm mẹ đơn thân nuôi con trai, nay được đại học Mỹ trao bằng Tiến sĩ danh dự
Nữ diễn viên từng chia sẻ con trai chính là “một sản phẩm tâm lý học của tôi”.
Bố mẹ là những “người thầy” đầu tiên, đồng thời là tấm gương để trẻ soi chiếu và học tập trong quá trình trưởng thành. Có lẽ vì vậy mà các bậc phụ huynh ngày nay không đơn thuần dừng ở việc cùng học và chơi với con, mà còn trau dồi những kiến thức tâm lý để áp dụng vào quá trình nuôi dạy trẻ.
Từ khi có thêm con trai Tấn Đức, Phi Thanh Vân dành sự quan tâm đặc biệt vào lĩnh vực này, vừa để phát triển sự nghiệp vừa giáo dục con. Cách đây không lâu, cô xuất sắc đạt được danh hiệu Tiến sĩ Danh dự Chuyên gia Tâm lý – Nghệ Sĩ Phi Thanh Vân của Trường Đại Học California. Trong cuộc sống đời thường, con trai Phi Thanh Vân nổi tiếng là một cậu bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện và có thành tích học tập rất tốt.
Phi Thanh Vân đạt bằng Tiến sĩ Danh dự Chuyên gia Tâm lý.
Trải qua 2 cuộc hôn nhân không trọn vẹn, Phi Thanh Vân làm mẹ đơn thân một cậu con trai 7 tuổi – Tấn Đức (sinh năm 2016) khi con chỉ mới 1 tuổi. Có thể nói, một tay Phi Thanh Vân vừa làm cha vừa làm mẹ, cáng đáng kinh tế chăm lo cho con hết mực.
Như bao người mẹ khác, Phi Thanh Vân cũng có những bước đầu chập chững làm quen với vai trò mới. Còn nhớ thời điểm mới sinh con, nữ diễn viên đã gặp phải tranh cãi bế con sai cách. Trong một bài phỏng vấn, bà mẹ một con tâm sự: “Tôi đọc rất nhiều sách của mẹ Nhật, mẹ Mỹ, mẹ Do Thái dạy con để lấy được những kinh nghiệm và định hướng rõ ràng cho con. Chẳng có một người mẹ nào sinh ra để trở thành một người mẹ thật giỏi cả. Mang bầu sinh con là thiên chức nhưng để nuôi dạy một đứa trẻ giỏi giang, con thành tài thì người mẹ cần phải luôn trau dồi, nỗ lực và học tập để tốt hơn”.
Áp dụng tâm lý học vào cách nuôi dạy con, Phi Thanh Vân gặt hái được một số thành tựu. Cô cho biết con trai Tấn Đức được mọi người khen ngợi là “Thần đồng tiếng Anh”, hiện là học sinh xuất sắc tại lớp giỏi nhất của một trường quốc tế. Ngoài ra con còn có năng khiếu Toán học, kỹ năng mềm xuất sắc, chơi giỏi thể thao như bơi lội và bóng chuyền,…
Mỗi khi xuất hiện cùng mẹ trên livestream, Tấn Đức đều vô cùng ngoan ngoãn, hiểu chuyện, có cách ứng xử chững chạc so với độ tuổi lên 7. Bà mẹ đơn thân chia sẻ: “Đức là một sản phẩm tâm lý học của tôi”. Cô đã áp dụng phương pháp thai giáo, nói chuyện với con bằng tiếng Anh và tiếng Việt ngay khi cậu bé chưa biết nói, áp dụng khen trước và góp ý sau cho con,…
Hiện tại, dù con mới học tiểu học, Phi Thanh Vân đã có những định hướng phát triển rất rõ ràng cho con. Cô bật mí: “Trước tiên, tôi sẽ để con học thật tốt tiếng Anh và tiếng Việt. Sau đó học thêm một ngôn ngữ thứ 3 dưới sự tham vấn cố vấn của mẹ, cô chủ nhiệm cũng như chuyên gia ngôn ngữ của trường để phù hợp với nền kinh tế sau này. Hướng nghiệp cho con là rất quan trọng, tuy nhiên ở độ tuổi này, các con chưa thể chọn chính xác định hướng phù hợp nên tôi luôn phải theo sát để trò chuyện, định hướng cùng con theo từng độ tuổi. Tôi làm sinh trắc vân tay cho cả hai mẹ con, ủng hộ con làm việc, học tập trên thế mạnh. Cùng con học tập và vui chơi các môn thể thao cũng giúp hiểu con hơn, để con thoải mái tư duy và đưa ra ý kiến,…”
Bà mẹ một con cho biết thêm: “Tôi có kế hoạch cho con đến hết lớp 12 và sau đó là vào đại học, học thạc sĩ và tiến sĩ. Bên cạnh đó là những khoản ngân sách tài chính để hỗ trợ việc học tập và tu nghiệp ở nước ngoài nếu con mong muốn. Tôi thích lên kế hoạch và chuẩn bị ngân sách tài chính để không bị nhiễu sóng”.
Để cùng con định hướng tương lai, Phi Thanh Vân đưa ra một số nguyên tắc:
– Không bao giờ dập tắt ước mơ của con. Chỉ đơn giản lắng nghe và chia sẻ cùng con. Vì ước mơ của trẻ sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian khi sự nhận thức lớn dần.
– Khi con chia sẻ về các việc con muốn làm. Tôi thường ủng hộ tuyệt đối và nói: “Con thích những công việc ấy là rất tốt vì đều là người giỏi làm nghề giỏi. Tuy nhiên con cần học thật xuất sắc để đạt được ước mơ. Và mẹ tin con sẽ học xuất sắc. Cố gắng lên nhé con trai yêu của mẹ”. Đây là tâm lý học ứng dụng vào dạy con.
– Việc định hướng con càng sớm càng tốt. Ngay từ khi con mới 2-3 tuổi, tôi đã có thể bắt đầu quá trình định hướng cho con thông qua việc dạy, kèm làm đến khi thành thạo và tiếp tục giao làm, để tập thói quen chuyên cần cũng như tìm hiểu tính cánh, khả năng của con.
– Dù đã là một chuyên gia tâm lý nhưng vẫn không ngừng tham khảo thêm từ các vị chuyên gia tâm lý nổi tiếng thế giới qua các tài liệu nước ngoài, hoặc những vị giáo sư tiến sĩ hàng đầu ở Việt Nam. Cầu thị luôn là kim chỉ nam thành công của tôi.
– Luôn đóng vai trò là người hướng dẫn, chia sẻ và đồng hành để tư vấn chứ không áp đặt, ràng buộc, tránh tạo áp lực, và không kỳ vọng quá lớn cho con với những việc vượt quá khả năng. Tất cả cần chậm và chắc, đúng thời điểm.