Vẻ đẹp hút hồn của Việt Nam hiện lên qua tranh của du khách Mỹ: Tuyển tập những điều không thể bỏ qua trừ 1 trải nghiệm ‘dựng tóc gáy’
Trải nghiệm tại Việt Nam đã được ghi lại một cách độc đáo và thú vị. Nhiều người nước ngoài cũng có cùng góc nhìn với tác giả của bài viết trên tờ báo Mỹ.
Tác giả Margaret Flatley đã có bài chia sẻ trên trang Washington Post về hành trình tới Việt Nam của mình bằng hình thức kể chuyện độc đáo: vẽ kết hợp với những chú thích như truyện tranh.
Theo Flatley, sau khi cô tốt nghiệp đại học, mẹ cô hứa rằng hai người sẽ đi du lịch cùng nhau tại bất cứ đâu trên thế giới. Tám năm sau, sau một vài lần trì hoãn bất đắc dĩ, cuối cùng hai mẹ con cô đã có thể thực hiện chuyến đi tới Việt Nam và Campuchia – một trải nghiệm của sự học hỏi, thưởng thức ẩm thực và ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ trên từng chặng đường.
Vào tháng 9, tôi và mẹ đã có chuyến đi tới Việt Nam và Campuchia – những nơi mà chúng tôi chưa bao giờ tới nhưng luôn muốn tới thăm. Chúng tôi đã thuê hướng dẫn viên địa phương để có trải nghiệm tốt nhất ở những vùng đất mới. – “Việt Nam mới chỉ mở cửa vài tháng trước. Đây là tour thứ 2 tôi nhận kể từ đợt phong tỏa. Tôi học về du lịch ở đại học tại Hà Nội. Du lịch là một trong những ngành lớn nhất ở đây,” hướng dẫn viên tên Bac chia sẻ.
Từ lúc tới Hà Nội, chúng tôi liên tục nghe những tiếng còi xe máy tràn ngập đường phố ở mọi nẻo đường. Những người dân địa phương là bậc thầy điều khiển xe hai bánh. Anh Bac nói: “Thuế xe ô tô nhập khẩu rất cao nên mọi người hầu như đều phụ thuộc vào xe máy”.
“Các món ăn đường phố Việt Nam len lỏi ở khắp vỉa hè”. Những món ăn đặc trưng tại nhà hàng được ghi lại dưới con mắt của tác giả một cách sống động. “Phở ở Hà Nội rất khác phở ở Sài Gòn. Ở đó, phở được phục vụ cùng bạc hà, giá đỗ và gia vị, giống như phở nấu tại Mỹ. Còn ở đây, phở đơn giản hơn nhiều,” Duong, một đầu bếp địa phương và là hướng dẫn viên du lịch ban đêm, chia sẻ.
Cả ngôi làng nổi dọc bờ sông, với những ngôi nhà ở gần trang trại cá. Một cặp đôi chèo thuyền tre đi qua cho chúng tôi cơ hội quăng chiếc lưới to mà họ dùng để bắt cá. Họ vắt lưới qua lưng và đan nó vào ngón tay tôi, và vỗ tay ủng hộ mặc dù tôi chỉ quăng được vài mét. “Có 3 ngành chính đối với người lao động: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ngành nông nghiệp, bao gồm ngư dân, chiếm khoảng 30%, một phần rất lớn trong cơ cấu dân cư,” hướng dẫn viên ở Hội An tên Xuan, Hue cho hay.
Tại Việt Nam, nơi Phật giáo thịnh hành, mỗi nơi chúng tôi đến đều có vài ngôi đền. Hướng dẫn viên nói với chúng tôi rằng những con hổ ngồi bên ngoài mỗi ngôi đền đang “canh giữ lối vào” còn biểu tượng rồng thể hiện cho sức mạnh. “Đừng chỉ tay khi ở trong đền thờ. Đó là điều bất lịch sự,” Xuan nói.
Chuyến bay ngắn tới cố đô Huế cho cái nhìn về kinh thành được xây dựng bởi nhà Nguyễn vào thế kỷ 19. Một vài công trình bên trong khu vực bị thiệt hại nặng trong kháng chiến chống Mỹ. “Mọi người có thể thấy những vết đen do bom nổ. Chúng đang được trùng tu lại,” Xuan nói.
Thành phố Hồ Chí Minh, hay còn được biết đến là Sài Gòn, là địa điểm cuối cùng chúng tôi đến. Sự phát triển thần tốc và hiện đại trái ngược với những vết sẹo chiến tranh. “Thành phố này hiện có 9 triệu người đang sinh sống. Nó đang phát triển rất nhanh,” hướng dẫn viên Nguyen nói.
Chúng tôi chỉ dành 1 ngày ở Campuchia, khi mùa mưa theo chân chúng tôi đến những di tích cổ của Angkor Thom và Angkor Wat.
Tôi sẽ nhớ những người tụ tập quanh quầy đồ ăn trên đường phố, tiếng vỗ tay khi lưới cá chạm mặt nước, nhịp điệu của tiếng còi xe, mùi hương từ những nén nhang đang cháy và nhiều thứ nữa. Tôi rất biết ơn vì đã được học về Việt Nam và Campuchia qua những người dân địa phương. “Hãy quay trở lại Việt Nam với gia đình và bạn bè của mình,” những hướng dẫn viên nhắn nhủ.
Bài viết trên Washington Post đã nhận được nhiều lời đồng tình từ người đọc. Nhiều người đã để lại bình luận về trải nghiệm của cá nhân trong các hành trình tới Việt Nam.
Một người viết: “Tôi đã may mắn được đến thăm Việt Nam hai lần cùng với một tổ chức phi chính phủ do bạn tôi thành lập. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là đến thăm thành phố Huế và uống bia Huda; nghe một cụ già thổi sáo trong thư viện bên trong Kinh thành Huế; và gặp một nhà sư rất tốt bụng tại một ngôi chùa ở thành phố Huế trên sông Hương, ông đã chào đón tôi và hỏi thăm sức khỏe của tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt của ông đối với tôi.
Trái ngược với những hình ảnh về chiến tranh, những gì tôi tìm thấy trong các chuyến thăm của mình là những người dân Việt Nam đẹp, thân thiện, thông minh và thú vị.”
Một người khác chia sẻ: “Tôi đã sống ở Đông Nam Á khoảng 7 năm trong 2 thập kỷ ở châu Á, bao gồm một năm ở Hà Nội vào cuối những năm 1990 và nhiều chuyến công tác khác đến Việt Nam, Campuchia và Lào.
Tôi đồng cảm với tác giả của bài viết khi nhận được sự ấm áp và chào đón từ những người Việt Nam tôi gặp, những con đường đông đúc xe máy và xe tay ga, cũng như vẻ đẹp ngoạn mục của phong cảnh. Thức ăn thật tuyệt vời.
Dù vậy, tôi nghĩ du khách nước ngoài KHÔNG nên tự tin thái quá và tự lái xe máy. Đó là trải nghiệm “dựng tóc gáy” và bạn rất dễ bị thương nếu không quen lái. Các con tôi đôi khi không tránh được xe máy khi chúng đạp xe trong thành phố, đặc biệt là ở các giao lộ”.
(Cafef)