Từ Cộng hòa Séc về quê, nông dân 7X tỉnh Thanh Hóa “ném” 3 tỷ xuống ruộng bỏ hoang và cái kết bất ngờ
Hơn 10 năm học tập, lao động tại Cộng hòa Séc, anh Trần Văn Thảo (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã về quê bỏ 3 tỷ đồng thuê ruộng trũng bỏ hoang làm trang trại VietGAP. Trang trại của anh có khu nhà màng trồng rau xanh VietGAP, khu nuôi giun quế, nuôi gà ta và khu ao nuôi cá…
Trở quê hương sau nhiều năm học tập, làm việc bên Cộng hòa Séc, anh Trần Văn Thảo với ước mơ sẽ tự tay sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch. Anh Thảo tìm thuê những vùng đất trũng thấp, không ai muốn đầu tư, nhiều diện tích bị bỏ hoang bởi người dân không còn mặn mà canh tác.
Với nguồn vốn có được khi lao động bên Cộng hòa Séc, anh Trần Văn Thảo đã bỏ tiền làm đường bê tông, lắp đặt nhà màng, đào ao nuôi cá, làm chuồng trại chăn nuôi…với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng. Mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP rộng 2 ha nhanh chóng đi vào sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Trần Văn Thảo tâm sự: “Thời gian học tập, lao động bên Cộng hòa Séc tôi đã học được rất nhiều kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến của nước bạn. So với Việt Nam, bên Cộng hòa Séc làm nông nghiệp gặp rất nhiều bất lợi về thời tiết, nhưng nhờ áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao cùng với cơ giới hóa nên năng xuất, sản lượng, chất lượng nông sản đạt rất cao…”.
Với diện tích 2 ha đất, anh Trần Văn Thảo đã bố trí, phân khu rất khoa học. Cụ thể, anh cho xây lắp gần 8.000 m2 nhà màng, trong đó anh Thảo để 6.000 trồng hoa, dưa kim Hoàng hậu, dưa chuột; 2.000 m2 còn lại trồng rau thơm, rau cải, rau ngót cứ thay nhau gối lứa.
Một sự khác biệt nữa là các loại rau anh trồng ở đây gần như không bón phân hóa học, đa phần chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục.
Tại trang trại tổng hợp của anh Thảo còn nuôi 1.500 con gà, 1.000 con vịt, nuôi hàng ngàn con cá rô đầu vuông…Toàn bộ chất thải khu chuồng chăn nuôi gà, vịt được anh thu gom lại để trộn với các loại men vi sinh ủ hoai mục. Đây là nguồn phân hữu cơ rất tốt để trồng rau, củ, quả thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tất cả từ chăn nuôi, trồng trọt dường như được anh Thảo tính toán để tạo thành tính liên hoàn trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, các thân rau, cây dưa, củ, quả thực phẩm thải ra sau thu hoạch, cỏ dại xung quanh vườn…được trang trại thu gom ủ mục để nuôi giun quế. Hiện anh Thảo đang có diện tích nuôi giun quế rộng 150 m2.
Anh Trần Văn Thảo bật mí với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về bí quyết đưa trang trại chăn nuôi, trồng trọt của gia đình đi theo hướng sinh thái bền vững như sau:
“Việc nuôi giun quế rất cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Đầu tiên giun quế sẽ giúp chúng ta xử lý các chất thải từ động và các phế phẩm trong trồng rau. Thứ hai phân giun quế dùng để bón cho cây rau, trồng hoa rất hiệu quả và bền vững. Thứ ba, giun quế còn là thức ăn nhiều chất đạm đối với việc nuôi ngan, gà, cá…”.
Để có được mô hình chăn nuôi, trồng trọt kép kín, anh Thảo ngoài việc học hỏi kiến thức hiểu biết về công nghệ, tích lũy kinh nghiệm hồi còn làm bên Cộng hòa Séc, anh đã đi các tỉnh thành khác ở Việt Nam để học tập, nhờ chuyển giao kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật nuôi giun quế.
Cũng theo anh Trần Văn Thảo: “Việc trồng rau, củ, quả thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP nếu nóng vội, chạy theo kinh tế sẽ khiến sản phẩm chất lượng không cao, đánh mất đi niềm tin của người tiêu dùng, lúc đó tự mình đánh mấy cơ hội, tự khắc phá hoại ước mơ của mình”.
Hiện tại, các loại rau, củ, quả thực phẩm trồng ở trang trại của anh Thảo đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Và hằng ngày anh cung cấp cho các siêu thị rau, củ, quả an toàn tại thành phố Thanh Hóa. Ngoài ra còn nhiều gia đình mua quen thường đến tận nơi lấy để đưa ra Hà Nội sử dụng.
Với mô hình sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP rộng 2 ha, anh Thảo đang tạo công việc chính cho 4 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, khi vào dịp thời vụ trang trại nông nghiệp sạch của gia đình luôn có khoảng 10 người lao động. Theo ghi chép của anh Trần Văn Thảo thu nhập từ việc trồng rau, củ, quả thực phẩm khoảng 700 triệu đồng/năm.
(Danviet)