Nếu Việt Nam mua tiêm kích tàng hình Su-57 Nga: Bao giờ sẽ nhận được h.à.n.g?

Theo Trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí Nga (TSAMTO), Không quân Việt Nam có thể sẽ đặt mua khoảng 24 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.

Tiêm kích tàng hình Su-57 “át chủ bài” của Không quân Nga

Cách đây ít ngày, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố thêm một đoạn video đáng kinh ngạc về hoạt động của tiêm kích tàng hình Su-57 ở Syria hồi tháng 2 năm nay.

Biên đội 2 chiếc Su-57 được cho là cất cánh từ căn cứ không quân Khmeimim thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Có tất cả 10 chuyến bay đã được tiến hành ở Syria nhằm đánh giá hệ thống khí động học cũng như hệ thống kiểm soát hỏa lực của Su-57 trong thực chiến.

Việc Nga đưa tiêm kích tàng hình Su-57 sang thử nghiệm ở chiến trường Syria cho thấy dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 đang hoàn tất những bước cuối cùng trong giai đoạn nghiên cứu chế tạo để chuẩn bị đưa vào sản xuất hàng loạt.

Và trên thực tế, ngày 30/6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng đầu tiên để mua 12 tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ thứ 5 và những chiến đấu cơ thế hệ 5 này sẽ được trang bị cho Trung tâm huấn luyện nhằm tiếp tục đánh giá để tối ưu thiết kế đồng thời bước đầu xây dựng chiến thuật sử dụng.

Tuy vậy, đánh giá khách quan mà nói thì dường như Không quân Nga cũng chưa mặn mà lắm với tiêm kích tàng hình Su-57 bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, chi phí để chế tạo và sản xuất Su-57 khá đắt đỏ, ước tính có thể lên tới chừng 100 thậm chí 150 triệu USD mỗi chiếc, đến ngay quốc gia có tiềm lực tương đối như Nga cũng phải mua với số lượng hạn chế, dù là với giá nội bộ của họ rẻ hơn nhiều so với giá xuất khẩu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham quan buồng lái tiêm kích tàng hình Su-57 khi máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên. Ảnh: AP.

Thứ hai, nhu cầu về Su-57 của Nga chưa phải quá cấp thiết bởi trong tương lai gần họ chưa phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc chiến toàn diện mang tính tổng lực. Với những cuộc xung đột cục bộ hay can thiệp quân sự ở nước ngoài thì các chiến đấu cơ thế hệ 4+ như Su-30SM, Su-34 và Su-35 đã là quá đủ để đè bẹp bất cứ địch thủ nào.

Thứ ba, bản thân Không quân Nga hiện cũng mới chỉ đang trong quá trình xây dựng phương thức tác chiến, chiến thuật sử dụng dòng tiêm kích thế hệ 5 này. Chừng nào còn chưa rõ sẽ dùng chúng như thế nào thì chừng đó Nga sẽ chưa mua với số lượng lớn để trang bị ồ ạt.

Việt Nam có nên và có thể mua Su-57 của Nga hay không?

Có thể nhận định rằng thời điểm này còn quá sớm để nói tiêm kích tàng hình Su-57 Nga sẽ được ồ ạt xuất khẩu trong tương lai gần cho dù bên cạnh việc đưa dòng tiêm kích tàng hình này tới Syria để thử nghiệm và răn đe thì một trong những mục đích là quảng bá nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Vì thế một câu hỏi kép được đặt ra là liệu Việt Nam có nên và có thể mua Su-57 của Nga hay không?

Tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ được Nga xuất khẩu. Đó là điều chắc chắn, tuy nhiên phiên bản xuất khẩu sẽ có những điều chỉnh khác biệt đáng kể so với hàng “nhà dùng” của Nga. Do vậy, Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào khác hoàn toàn có thể đặt mua Su-57 để trang bị cho không quân của mình.

Tiêm kích tàng hình Su-57 bay trình diễn.

Tiêm kích Su-57 sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng tàng hình tương đối tốt, radar và hệ thống phòng hộ mạnh, mang được lượng vũ khí lớn và đa dạng, giá lại hợp lý hơn so với những dòng tiêm kích tàng hình cùng loại của phương Tây. Thế nên, Su-57 xứng đáng được coi là niềm mơ ước của Không quân nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Đã có những phân tích cho thấy Việt Nam có thể sẽ đặt mua tiêm kích tàng hình Su-57 trong tương lai, mà cụ thể nhất là Dự báo triển vọng của dòng máy bay này do Trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí Nga (TSAMTO) ấn hành.

Theo đó, Không quân Việt Nam có thể sẽ mua khoảng 12-24 chiếc tiêm kích Su-57 trong giai đoạn 2030-2035.

Dự báo số lượng và thời điểm Việt Nam có thể mua tiêm kích Su-57.

Dường như dự báo này khá sát với triển vọng thực tế bởi trong tương lai 10-20 năm nữa, Việt Nam dù sẽ đa dạng hóa nguồn cung từ các nguồn phương Tây, nhưng vũ khí Nga vẫn sẽ đóng vai trò là nòng cốt, xương sống của QĐND Việt Nam nên nếu có nhu cầu mua tiêm kích tàng hình thế hệ 5 thì Su-57 sẽ có nhiều lợi thế.

Số lượng tiêm kích Su-57 mà Việt Nam có thể sẽ mua chỉ từ 12-24 chiếc là hợp lý bởi khả năng kinh tế nước ta có hạn trong khi có nhiều mục tiêu khác cần phải ưu tiên hơn, có lẽ cũng phải tới giai đoạn 2030-2035 mới đủ lực để sở hữu dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 hiện đại nhưng khá đắt đỏ này.

Bên cạnh đó, Việt Nam mua vũ khí hiện đại với số lượng vừa đủ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Và con số 24 hay thậm chí chỉ là 12 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 thôi thì cũng đã là quá đủ để Việt Nam nắm trong một con “át chủ bài” có tác dụng răn đe cũng như phòng thủ đất nước một khi có tình huống xảy ra.

Có điều, vẫn còn quá sớm để nói về triển vọng Su-57 sẽ có mặt trong biên chế Không quân Việt Nam, bởi tới thời điểm này Nga vẫn chưa sản xuất hàng loạt và Su-57 vẫn chưa sẵn sàng để bán.

Hơn nữa, chính Nga còn đang loay hoay nghiên cứu chiến thuật sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả của dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này thì các khách hàng cứ hãy chờ đã, đi đâu mà vội!

Theo Bình Nguyên/ Thời đại