Yêu đến dại khờ
Phụ nữ vốn dại dột – cứ phải đến khi đau đớn tột cùng mới chịu buông bỏ. Lẽ nào nỗi đau Thắm đã trải qua còn chưa đủ hay sao?
Mẹ ở quê gọi điện cho tôi, nói: “Con Thắm nó vào Sài Gòn rồi đó”. Tôi ngạc nhiên hỏi vào làm gì? Mẹ trả lời thì vào với thằng đó. Tôi lại hỏi: “Thế không ai cản à?”, mẹ rầu rĩ: “Cản mà có được đâu”.
Thắm là chị họ của tôi. Thắm bị ngắn lưỡi nên nói ngọng, chỉ học hết lớp Bốn là nghỉ, ở nhà phụ mẹ làm ruộng. Càng lớn Thắm càng xấu – mập, lùn và đen. Bù lại, Thắm tốt tính, ai nhờ gì cũng giúp, ai xin gì là cho… 18 tuổi, Thắm theo người bà con vào Sài Gòn, làm công nhân ở khu chế xuất Linh Trung. Vốn chăm chỉ, thường xuyên tăng ca nên thu nhập của Thắm cũng khá. Đã vậy, Thắm lại chi tiêu rất dè xẻn nên tiền tiết kiệm được cũng nhiều. Cùng thời điểm đó, Thắm quen với một nhóm bạn làm cùng công ty, thường rủ nhau đi ăn uống, đi chơi và lần nào cô cũng tự nguyện móc tiền ra trả. Người bà con khuyên Thắm hạn chế đi chơi với đám bạn đó, nhưng cô bỏ ngoài tai. Khi Thắm hết tiền, đám bạn cũng biến mất.
Bảy năm trước, khi Thắm 35 tuổi, cô gặp hắn. Hắn hơn cô 4 tuổi, làm bảo vệ cho một công ty cũng trong khu chế xuất. Hắn nói với cô là vợ hắn bỏ theo trai, hắn phải một mình nuôi ba đứa con nhỏ và mẹ già. Vì vậy, để tiết kiệm, hắn muốn dọn về phòng trọ của cô, hai đứa sống chung – hắn sẽ là chồng và cô là vợ. Bởi ngoại hình xấu, lại còn nói ngọng nên lâu nay đàn ông đến với Thắm chỉ để làm “chuyện ấy”. Bây giờ, có người nói muốn cô làm vợ, Thắm không suy nghĩ gì thêm nữa, đồng ý ngay.
Hắn về sống chung với cô. Thời gian đầu, hắn vẫn đi làm và tỏ ra rất tử tế. Nhưng hạnh phúc nhanh chóng vỡ tan, hắn hiện nguyên hình là một kẻ chẳng ra gì. Hắn nói công việc bảo vệ quá vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao, nên nghỉ. Hắn bảo Thắm mua xe máy cho hắn chạy xe ôm. Nghe cũng hợp lý, Thắm lấy hết số tiền dành dụm đưa hắn mua xe. Đáng trách là dù Thắm có bà con có hộ khẩu Sài Gòn, cô không nhờ người này đứng tên xe mà lại nghe lời hắn, để cho anh trai hắn đứng tên chủ xe. Chiếc xe nghiễm nhiên là của hắn, Thắm không có quyền gì đối với tài sản của mình. Khổ, chỉ học hết lớp Bốn, Thắm đâu có nghĩ được nhiều…
Rồi Thắm có thai. Ban đầu thì hắn còn chở cô đi làm vào buổi sáng, chiều đón cô về. Sau thì hắn nói là chạy xe, nhưng thực ra hắn về nhà ngủ, rồi đi nhậu nhẹt, cả gái gú nữa. Hắn không bao giờ đưa cho Thắm một đồng, trái lại mỗi cuối tháng còn bắt cô đi rút tiền, để gửi về cho mẹ và con ở quê. Khi cái thai lớn hơn, Thắm nói cần dành tiền để nuôi con, không đưa tiền cho hắn thì bắt đầu bị chửi bới và đánh đập. Những người ở khu nhà trọ, ai cũng ngán ngẩm cho hoàn cảnh của cô. Nhiều người khuyên cô nên bỏ hắn đi, chỉ cần đứa con là đủ. Tiền bạc bấy lâu cô đưa cho hắn, coi như tiền mua đứa con.
Nghe vậy, Thắm dọn đồ, thuê phòng trọ khác ở. Hắn ở một mình, không có tiền ăn, tiền trả phòng trọ nên lại mò đến chỗ Thắm xin lỗi, hứa hẹn đủ điều. Phụ nữ mà, dẫu cố tỏ ra mạnh mẽ, chỉ cần vài lời đường mật là gục ngã liền. Thắm lại quay về sống chung với hắn. Cô sinh con, không đi làm được nên không có tiền đưa cho hắn và lại bị đòn. Có lần, hắn đánh cô đến nỗi phải nhập viện. Mấy người anh của Thắm ở quê đòi vào Sài Gòn tính sổ với hắn, rồi đưa em gái về quê. Nhưng có lẽ Thắm mắc nợ hắn từ kiếp trước nên kiếp này cô cứ phải trả. Cô không những không cho các anh đụng vào hắn mà cũng chẳng chịu về quê.
Khi con lớn vừa lên 4 tuổi thì Thắm có thai lần nữa. Gã “chồng” hờ ở nhà trông con, Thắm bụng to vượt mặt vẫn phải ì ạch đạp xe đi làm. Cô làm để nuôi thân, nuôi con và cả hắn lẫn 4 cái tàu há mồm ở quê nhà hắn. Đến ngày Thắm sinh, do vất vả, lại ăn uống kham khổ nên con sinh ra bé tẹo. Đúng lúc đó, Thắm phát bệnh – cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Các anh đem Thắm về quê. Đứa con lớn, hắn đòi giữ, đứa nhỏ thì “chẳng biết sống chết thế nào”, mẹ tôi nói.
Khoảng nửa năm sau Thắm khỏi bệnh, đi làm cho một công ty may gần nhà. Sáng sáng, Thắm cùng mấy người trong làng chở nhau tới công ty, chiều lại cùng nhau về. Thắm vui vẻ, hoạt bát hẳn lên, ai thấy cũng mừng. Chừng một năm trước, bác tôi xây cho Thắm căn nhà cấp 4. Họ hàng mỗi người mua cho Thắm một món đồ, để cô ở riêng. Tết vừa rồi, về quê, tôi ghé thăm Thắm, nghĩ Thắm sống như vậy cũng ổn rồi. Tôi mong cô sẽ quên những tháng ngày khốn khổ bên gã đàn ông đó. Nào ngờ, giờ cô lại bỏ cha bỏ mẹ để đi theo hắn.
Phụ nữ vốn dại dột – cứ phải đến khi đau đớn tột cùng mới chịu buông bỏ. Lẽ nào nỗi đau Thắm đã trải qua còn chưa đủ hay sao?
Triều An