Chàng trai Việt “bỏ phố về rừng” với gái Tây, cùng nhau sinh con thuần tự nhiên nói không với bệnh viện khiến nhiều người ngỡ ngàng
Gặp gỡ từ lần casting phim, duyên phận đã đưa chàng trai 8X Nghệ An và cô gái Mỹ đến bên nhau, cuộc sống hôn nhân thú vị khi cả hai quyết định “bỏ phố về rừng”.
Câu chuyện tình yêu giữa cô gái Mỹ và chàng trai Việt là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: “Tình yêu vốn không phân biệt địa lý, văn hoá, ngôn ngữ… mà đôi khi lại càng tìm thấy nhau ở giữa những sự khác biệt đó”. Gặp được nhau lần đầu tiên có thể chỉ là tình cờ, nhưng để đến được với nhau thì giữa chị Hanna Larsen (quốc tịch Mỹ) và anh Thanh Đức (Nghệ An) hẳn phải có một mối lương duyên khó rời.
Việc có cùng lý tưởng sống đã khiến cả hai sau đó quyết định “bỏ phố về rừng”, bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình ở vùng quê thanh bình và nhiều cây xanh tại Ecuador (Nam Mỹ) – nơi nổi tiếng với không gian vô cùng gần gũi với thiên nhiên. Dù trên con đường thực hiện lý tưởng chung đó, cả hai đã vượt qua vô số chướng ngại vật, đặc biệt là khi Hanna mang thai em bé. Tuy vậy nhưng tình yêu của cả hai đã chiến thắng tất cả, để rồi bây giờ họ đang có những trải nghiệm cuộc sống thuần tự nhiên đầy thú vị, và hành trình nuôi dưỡng “kết tinh tình yêu” đáng nhớ ở vùng đất mình mơ ước.
Tổ ấm Việt – Mỹ của gia đình anh Thanh Đức và chị Hanna Larsen (Ảnh NVCC).
Hành trình sinh con đáng nhớ của cô gái Tây
Chị và anh Đức đã đến với nhau trong hoàn cảnh nào?
Hanna và anh Đức đã gặp nhau một cách tình cờ khi tham gia trong một bộ phim Canada tại đảo Cát Bà. Lúc đó, Hanna chưa nói tiếng Việt, và cả hai đã có người yêu rồi nên không có nói chuyện sâu hơn ngoài công việc. 2 năm sau, Hanna và anh Đức đã gặp lại nhau ở Miền Nam của Việt Nam.
Sau khi dành thời gian với nhau trong vài tuần, hai người quyết định đi du lịch với nhau để vừa khám phá Việt Nam, vừa tìm hiểu sâu hơn về nhau. Sau một thời gian cả 2 nhận thấy chúng mình đều có chung sở thích du lịch, học ngoại ngữ, giúp đỡ người khác, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên nên quyết định nên duyên cùng nhau.
Chị có gặp khó khăn gì từ phía gia đình khi quyết định đến với anh không?
Lúc đầu, gia đình Hanna lo lắng vì sợ Hanna sẽ không bao giờ về Mỹ khi tìm bạn trai ở nước xa lạ. Họ biết Hanna rất quý Việt Nam. Mẹ Hanna theo Chúa nên hơi lo vì Hanna mang thai trước khi cưới anh Đức, và mẹ cũng chưa có dịp gặp mặt nên không biết anh ấy là người như thế nào?
Nhưng gia đình Hanna tôn trọng sự tự do của Hanna nên không can thiệp. Sau một thời gian, gia đình Hanna thấy anh Đức là một người chân thành và chăm sóc hai mẹ con tốt nên cũng yên tâm hơn. Còn gia đình anh Đức đã thích Hanna từ đầu và cảm thấy thú vị vì có một con dâu từ nước Mỹ, lại giỏi tiếng Việt. Anh Đức không phải là con trai lớn nhất, nên việc anh không lấy một người Miền Bắc làm vợ cũng sẽ không làm ai khó chịu.
Hành trình con yêu đến với chị như thế nào?
Trong tháng 3 năm 2021, Hanna biết tin là mình mang thai. Nó là sự bất ngờ, và Hanna cảm thấy lo lắng vì mình chưa sẵn sàng để làm mẹ. Hanna đã từng làm công việc xã hội với trẻ con ở Mỹ, nên biết việc làm mẹ sẽ thay đổi cuộc sống của mình hoàn toàn.
Thời gian mang bầu cho đến lúc sinh em bé là khoảng thời gian khó khăn với chị Hanna (Ảnh NVCC).
Trong thời gian Hanna mang bầu cũng là lúc dịch Covid đang diễn ra, chúng mình đã phải tự di chuyển rất nhiều nơi để Hanna có thể quay về Mỹ, đi xe máy từ Mũi Né ra Nghệ An rồi từ Nghệ An ra Hà Nội. Hanna phải một mình bay từ Việt Nam về Mỹ, rồi từ Mỹ sang Ecuador. Hành trình Anh Đức từ Việt Nam sang Ecuador đoàn tụ với Hanna và con cũng vô cùng khó khăn, nhưng với tình yêu và niềm tin sẽ bên nhau để chăm sóc con khôn lớn nên chúng mình đã vượt qua tất cả.
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất của chị vào ngày “thiên thần nhí” chào đời?
Hanna đã sinh con vào tháng 12 năm 2021 lúc 4:32 sáng. Lúc đó, anh Đức chưa đến được nước Ecuador với Hanna vì đa số gặp không ít khó khăn với visa. Hanna sinh con ở nhà và đã có sự hỗ trợ của một người bạn, với nhiều trải nghiệm sinh con không thuốc tây. Hanna muốn ngày sinh là một ngày bình an, an toàn, và đáng nhớ nên Hanna đã sinh con ở bên ngoài, dưới bầu trời đầy sao. Hanna đã dùng cái võng để hỗ trợ cơ thể và để có tư thế thoải mái. Hanna thấy việc bị ép nằm xuống ở bệnh viện không tự nhiên và sẽ khiến nhiều mẹ bị đau và khó chịu.
Hanna không biết giới tính của bé cho đến khi bé chào đời. Hanna cũng không cắt dây rốn vì muốn con nhận được hết máu trong nó. Bé sinh ra và ti mẹ ngay lập tức. Vì không dùng thuốc tây nên Hanna cảm thấy vô cùng vui trong vài tuần, những hóc môn trong cơ thể luôn trong trạng thái cân bằng. Có nhiều lần Hanna khóc vì biết ơn em bé đã đến với mình. Anh Đức muốn con giống cả hai bố mẹ vì như vậy sẽ thú vị hơn, Hanna cũng đồng ý với điều đó.
Trải nghiệm sống và nuôi dạy con thú vị khi “bỏ phố về rừng”
Sau khi có em bé, vợ chồng chị có san sẻ với nhau trong vấn đề nuôi dạy con?
Hanna rất quan tâm đến con, nhất là việc cho con ti. Hanna muốn con ti lấy sữa mẹ nhiều nhất có thể. Hanna còn biết làm các món ăn thô và chay rất ngon và bổ dưỡng. Lúc đầu thì Hanna chăm con nhiều hơn, mà bây giờ thì hai người chia ra việc chăm con.
Hanna và anh Đức cùng nhau chia sẻ việc chăm con, chơi cùng con (Ảnh NVCC).
Anh Đức sẽ đưa con đi chơi ở công viên vào buổi sáng cho Hanna có hai tiếng tập yoga, đọc sách, hay thiền. Sau đó, anh Đức có thời gian riêng, hay cả nhà sẽ lên trung tâm mua đồ. Anh Đức cũng giúp nấu súp cho con bữa tối và rất thích cho con ăn. Hanna sẽ giặt đồ em bé và thay bỉm nhiều hơn, mà bây giờ thì anh Đức cũng giúp Hanna dạy cho con đi vệ sinh như người lớn. Hanna rất biết ơn vì anh Đức là một người bố tuyệt vời, luôn luôn cho con sự chú ý 100% và luôn luôn nói một cách rất tử tế với con.
Hanna đã học về phương pháp “Elimination communication” để bớt đi nhu cầu mua hay giặt bỉm (Hanna chọn bỉm vải, và sau 1,5 năm con chưa dùng bỉm giấy). Hanna nghĩ ngày xưa ở Việt Nam và các nhóm dân tộc cũng nuôi con như vậy.
Trong cuộc sống hôn nhân và quá trình nuôi dạy con, anh chị có gặp những bất đồng vì khác biệt văn hoá không?
Dĩ nhiên là Hanna và anh Đức sẽ gặp những bất đồng vì khác biệt văn hóa, mà trên hết thì cả hai muốn con vui và tự do. Khi hai người bắt đầu cãi nhau về chuyện nhỏ, chúng tôi sẽ cố gắng nhớ điều gì quan trọng nhất, đó là sự vui vẻ và sức khỏe của con. Vì vậy, Hanna và anh Đức cùng thống nhất với nhau nhiều hơn về vấn đề nuôi dạy con.
Mỗi buổi tối sau khi con ngủ, Hanna và anh Đức sẽ nói lời biết ơn cho nhau để thể hiện lòng biết ơn, dù có lúc cãi nhau. Mỗi người sẽ nói một câu, xong rồi đến lượt người khác. Ví dụ anh bắt đầu với “cảm ơn em đã chăm con buổi tối và cho con ti ban đêm” hay “cảm ơn em đã kiên nhẫn khi con khóc”, và Hanna sẽ nói “cảm ơn anh đã đưa con đi chơi ở công viên” hay “cảm ơn anh đã luộc rau cho con ăn”.
“Thiên thần nhỏ” trong mắt bố mẹ là một em bé có tính cách ra sao?
Trong mắt anh Đức và Hanna, em bé là một cô gái vui tính, thích cười và rất thích ăn, đặc biệt trái bơ, lựu và sắn. Em bé rất độc lập nhưng vẫn mê ti. Hanna cảm thấy em bé vô cùng dễ thương, tự tin, hoang dã, thông minh và có khả năng học nhanh (con có thể hiểu tiếng Anh, tiếng Việt, và tiếng Tây Ban Nha).
Em bé trong mắt bố mẹ là một đứa trẻ dễ thương, vui vẻ và hoà đồng (Ảnh NVCC).
Thời gian vui nhất của Hanna và anh Đức là khi ở với con. Con rất thích chơi với bố mẹ mà cũng có thể chơi một mình không chán, đặc biệt khi nghịch nước. Bé luôn luôn khám phá, và không sợ gì. Hanna nghĩ khi trẻ con được tôn trọng từ phía bố mẹ, chúng sẽ khá là dễ nuôi, dù trẻ nhỏ nào cũng sẽ có lúc quấy.
Điều gì đã khiến gia đình nhỏ của mình quyết định “bỏ phố về rừng”?
Gia đình nhỏ thấy cuộc sống ở thành phố mệt lắm dù có nhiều cơ hội làm việc hơn. Mà khi biết Hanna mang thai thì gia đình đã ưu tiên sức khỏe trên hết. Hanna thích thiên nhiên nên muốn sống trong rừng luôn, mà sau khi trải nghiệm cuộc sống ở rừng Ecuador thì đôi lúc Hanna cũng thấy nhớ những thứ hiện đại ở phố hơn. Có lúc Hanna nhớ sự thuận lợi của xã hội tiêu dùng Mỹ, mà Hanna biết lối sống đó không tốt cho môi trường hay tâm hồn nên Hanna tìm sự bình an trong thiên nhiên.
Từ khi Hanna đã thanh lọc cơ thể bằng việc ăn thô, Hanna càng nhạy cảm với mùi, tiếng ồn, và năng lượng của người khác, nên muốn sống gần cây cỏ, núi, sông. Anh Đức cũng cảm thấy cuộc sống ở thành phố quá phức tạp và không mang lại niềm vui, vì khi người ta quá bận rộn thì họ sẽ không có thời gian tận hưởng những điều nho nhỏ trong cuộc sống như chim hót, hoa cỏ…
Cả gia đình có gặp trắc trở gì khi sinh sống ở vùng đất mới Ecuador không?
Anh Đức đã phải học tiếng Tây Ban Nha từ đầu khi đến đây. Ngôn ngữ là một rào cản, mà vùng núi cũng có nhiều người Tây nói tiếng Anh nên cả hai không bị sốc nặng. Hanna cũng nói được tiếng Tây Ban Nha nên có thể giao tiếp được với người dân. Hanna thích anh Đức nói tiếng Việt với mình, mà nếu anh ấy nói tiếng Tây Ban Nha rành thì quá tốt vì nó là ngôn ngữ rất lãng mạn.
Nam Mỹ là nơi không an toàn như Châu Á nên Hanna và anh Đức nghe nhiều chuyện về ăn cắp, bạo lực, nhưng cũng không lo lắng lắm vì gia đình Hanna không có nhiều đồ để lấy (cười). Tài sản quý giá nhất của Hanna và anh Đức là em bé.
Hiện tại cuộc sống của gia đình tại Ecuador đang như thế nào, và gia đình chị có dự định trở về Việt Nam không?
Cuộc sống ở Ecuador vẫn thú vị, anh Đức và Hanna có nhiều bạn bè và hoạt động ở đây nên thấy khá là thoải mái. Ecuador cũng là một nước khá là đa dạng và cả hai đều muốn khám phá thêm, dù việc đi du lịch với một em bé nhỏ là việc không hề dễ dàng.
Cuộc sống ở Ecuador là một trải nghiệm thú vị của gia đình nhỏ của anh Đức và chị Hanna (Ảnh NVCC).
Hanna muốn về Việt Nam sống và nuôi con, mà anh Đức đã sống ở Việt Nam quá lâu rồi nên muốn khám phá thêm nhiều về thế giới. Hanna cũng thích phiêu lưu mà thấy không có nước nào bằng Việt Nam cả. Chúng mình sẽ khám phá thêm vài nước ở Nam Mỹ trước khi quay trở lại Việt Nam.
Cảm ơn Hanna đã chia sẻ!