Cuộc sống tại Mỹ của người Việt: Góc khuất ở “thiên đường“
Được mệnh danh là xứ sở “thiên đường” và thu hút hàng chục triệu người nhập cư từ khắp năm châu, vậy trên thực tế, cuộc sống ở Mỹ của người Việt ra sao? Có thật sự hào nhoáng, lộng lẫy như trên phim ảnh?
Trên thực tế, sống ở xứ cờ hoa khó hay dễ phụ thuộc rất lớn vào hoàn cảnh và tâm thế của bạn khi đặt chân đến đây. Nếu đánh giá dựa trên các yếu tố khách quan thì môi trường ở đây không khó sống, tuy nhiên để “sống được”, cái chủ quan của bạn buộc phải vừa vặn để có thể thích hợp được. Cuộc sống ở Mỹ của người Việt cũng vậy, có người cảm thấy xứ Mỹ là thiên đường, cũng có người xem đây tựa địa ngục.
Bằng cấp Việt Nam không sử dụng được ở Mỹ
Hầu như tất cả những bằng cấp tại Việt Nam đều “không tương thích” với hệ thống giáo dục ở Mỹ, kể cả bằng lái xe, ngoại trừ một số ngành hiếm hoi như mỹ thuật, kỹ thuật công nghệ,… nói chung là những ngành mang “ngôn ngữ” chung toàn cầu. Do đó, khi quyết định sang Mỹ định cư, bạn phải chấp nhận mười mấy năm đèn sách của mình tại quê nhà xem như đổ sông đổ biển. Đây cũng chính là điều khó khăn khủng khiếp nhất, một cú sốc tâm lý trong cuộc sống ở Mỹ của người Việt mà bạn buộc phải đối mặt và vượt qua. Và trên thực tế, có không ít người đã bỏ cuộc, buông xuôi ngay từ bước đầu tiên này.
Cuộc sống ở Mỹ của người Việt: Rào cản ngôn ngữ
Sống mấy chục năm tại quê nhà, xem tiếng mẹ đẻ như “cái miệng” của mình, giờ đây bỗng dưng mọi giao tiếp hàng ngày đều phải sử dụng một ngôn ngữ xa lạ. Nếu bạn nghe nói được tiếng Anh thì còn đỡ, còn không thì đột nhiên trở thành người “khiếm thính”, từ việc hỏi đường cho đến việc đi siêu thị mua miếng thịt, bó rau, cũng thấy quá đỗi nhiêu khê.
Tài chính – tín dụng ở Mỹ
“Điểm tín dụng ngân hàng” là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với người Việt, tuy nhiên ở Mỹ thì đây lại là nền tảng cho mọi thứ. Bạn muốn mua nhà, mua xe, mùa đồ dùng trả góp ư? Bạn buộc phải có điểm tín dụng. Và để có một điểm tín dụng cao, bạn buộc phải tiêu tiền, phải trao đổi hàng hóa, phải chi trả mọi thứ đúng hạn. Nhưng khi mới đến Mỹ, với số điểm tín dụng bằng 0, bạn có thể làm được gì? Trừ khi bạn có một gia tài khá rủng rỉnh tại Việt Nam, còn nếu không thì số vốn liếng ít ỏi bạn tích cóp được ở quê nhà, khi quy sang đồng đô la Mỹ, chỉ như vài hạt cát trên sa mạc mênh mông.
Bằng lái & kỹ năng lái ô tô khi định cư Mỹ
Nếu như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và các quốc gia châu Âu, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm một phương tiện công cộng để di chuyển thì tại Hoa Kỳ hoàn toàn khác. Ngoại trừ ở các thành phố, tiểu bang có mật độ dân cư cao, còn lại hầu hết các địa phương đều không có hệ thống giao thông công cộng dễ dàng, tiện lợi. Mà như bạn cũng biết, ở Mỹ, kể cả việc đơn giản nhất là đi mua một lon bia, một chai nước, một hộp băng keo cá nhân thì bạn đều phải rời khu mình ở và đi ra hệ thống cửa hàng gần nhất cách vài km, hoặc thậm chí vài chục km. Vì thế, nếu không biết lái xe, chưa có bằng lái xe quốc tế thì coi như bạn… khiếm khuyết đôi chân. Chưa kể nếu tìm được việc làm mà nơi làm việc cách nhà hàng chục, hàng trăm cây số (điều phổ biến ở Mỹ) thì bạn phải xoay xở sao nếu không thể lái được ô tô đây?
“Cú sốc” văn hóa ứng xử
Quan hệ bạn bè, hàng xóm láng giềng ở Mỹ chắc chắn cũng sẽ mang đến cho bạn một cú sốc không hề nhỏ. Cuộc sống ở Mỹ của người Việt cũng có thể ví von là cuộc sống của một thanh niên chân ướt chân ráo từ vùng quê hẻo lánh đến vùng thị thành bao la, thậm chí còn gay gắt hơn gấp bội.
Những người bạn tại Mỹ có thể sẽ rất vui tính, tốt bụng, tuy nhiên để gặp được họ thường xuyên, hay hơn nữa là nhờ họ giúp đỡ, thì có thể nói khá khó khăn. Bởi một điều đơn giản, công dân Mỹ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tư bản, xây dựng trên nguyên tắc ai cũng phải nỗ lực hết mình, sau đó sẽ hỗ tương nhau qua lại để tất cả cùng giàu, chứ họ, phần lớn sẽ không giúp bạn những cái lặt vặt. Ví dụ như khi bạn hỏi vay 100 đô trên đất Mỹ, nếu bị bạn bè, thậm chí anh chị em của mình từ chối, bạn cũng đừng lấy làm ngạc nhiên. Vì thế, để sống được trên đất Mỹ, bạn không thể ỷ lại vào ai mà phải tự đứng vũng trên đôi chân của mình.
Cuộc sống ở Mỹ của người Việt và nạn p.h..â.n b.i.ệ.t c.h.ủ.n.g t.ộ.c
Một trong những cú sốc văn hóa lớn nhất khi đến Mỹ chính là đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Thực tế là người Việt nói riêng và người châu Á nói chung có sự khác biệt khá lớn với người Mỹ từ bề ngoài, dân tộc tính, tập tục sống, cách ứng xử,… Do đó, để được chấp nhận trong một cộng đồng hoàn toàn mới, hoàn toàn xa lạ là điều rất khó khăn.
Tuy nhiên, theo nhiều chia sẻ từ những người Việt định cư tại Mỹ lâu năm, việc được người Mỹ “gốc” chấp nhận đã khó, để được một người nhập cư chấp nhận nhiều khi còn khó hơn. Lý do có thể là vì: Người Mỹ gốc ít nhiều họ đã có một cuộc sống ổn định, thoải mái, nên tâm lý của họ cũng dễ chịu hơn. Còn với những người nhập cư, có thể xem như một cô con dâu về nhà chồng, sau một thời gian chịu đựng hằng hà sa số các vấn đề thì nay đã được lên hàng “mẹ chồng”, do đó họ thường có tâm lý “chứng tỏ” bản thân để bù đắp lại những thiệt thòi trong quá khứ.
Ví dụ như khi đi thi bằng lái xe ở Mỹ, người Việt thường “chuộng” giám khảo “Mỹ trắng” hơn, còn giám khảo “Mỹ màu” thì thường làm gắt và đánh rớt nhiều hơn. Đi làm ở Mỹ cũng vậy, nếu làm cho một doanh nghiệp Mỹ, bạn sẽ được đảm bảo quyền lợi theo pháp luật, được thưởng nếu làm tốt; còn nếu làm cho một ông chủ nhập cư, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để… bị đì, bị bớt xén tiền công, ép tăng giờ làm,… bằng đủ thứ mánh lới bi hài.
Tất nhiên cuộc sống ở Mỹ của người Việt không phải 100% là gặp phải những tình huống bi thương như thế vì dù gì cũng có người này người khác. Tuy nhiên, để có thể tự bảo vệ mình, ngay khi đặt chân đến xứ cờ hoa, bạn cần tìm hiểu cặn kẽ “Luật chống p.h.â.n b.i.ệ.t đ.ố.i x.ử”. Khi bạn biết luật, bạn sẽ có thể sống thoải mái, tự tin hơn.
Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn sẽ có một cái nhìn chính xác và sâu sắc hơn về cuộc sống của tại Mỹ. Tuy không thật sự là “xứ thiên đường” như mọi người vẫn thường đồn đoán như chúng tôi tin nếu bạn có một nền tảng kiến thức tốt và tinh thần chăm chỉ, kiên cường thì bạn sẽ sớm vượt qua những rào cản trên đây để sớm hòa nhập và có một cuộc sống tốt hơn tại xứ cờ hoa.
PV