10
Th7
Trên thánh đường nghệ thuật sân khấu cải lương, có biết bao người ao ước được bước lên và được gọi bằng 2 mỹ từ “nghệ sĩ”. Đơn cử như “đệ nhất đào võ” NSƯT Diệu Hiền nhìn thấy cố nghệ sĩ Thanh Nga hát Tiếng trống Mê Linh mà nhất quyết theo đuổi cải lương cho bằng được. Song, khác với nhiều người đồng nghiệp khác, nghệ sĩ Tài Linh đến với nghệ thuật chỉ bằng sự tình cờ.
Nghệ sĩ Tài Linh tên thật là Huỳnh Thị Phú Nhuận, sở dĩ có cái tên đặc biệt như vậy bởi cha của bà muốn lưu giữ kỷ niệm về làng quê thôn Phú Nhuận, tổng Tài Lương, phủ Bồng Sơn, tỉnh Qui Nhơn. Trên bà còn có người chị tên Tài Lương, theo nghiệp ca hát khá sớm và hoạt động trong đoàn cải lương Saigon 3. Năm 1977, cha của bà qua đời nên mẹ dắt díu các chị em về quê ngoại ở Bến Tre để sống. Thương em gái, chị Tài Lương đưa em Phú Nhuận lên Sài Gòn và bắt đầu công việc bán vé cho đoàn hát.
Vào một lần đoàn cải lương Saigon 3 sinh hoạt thanh niên, tiếng hát của Phú Nhuận gây bất ngờ với các cô chú trong đoàn, trong đó có NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Kim Huệ dành lời khen ngợi, khuyên cô bé này nên đi theo chị Tài Lương ca hát. Từ đó, Phú Nhuận bước lên sân khấu và lấy nghệ danh là Ngọc Châu – tên tiệm may của người ba đã mất ở quê nhà. Tuy nhiên, khi diễn cùng đàn chị Thanh Kim Huệ, bà không thể nào bật lên được và cứ luôn ở đằng sau làm nền cho tiền bối.
Cho đến năm 1981, may mắn mỉm cười với Ngọc Châu khi bà nhận được lời mời về hát ở đoàn cải lương Nha Trang, đề xuất bà lên hàng đào chánh cho đoàn. Đây cũng là lúc cái tên Tài Linh ra đời, thay đổi hoàn toàn sự nghiệp nghệ thuật của bà và vụt sáng trên bầu trời cải lương tuồng cổ. Về sau, nữ nghệ sĩ bắt đầu có cơ duyên hợp tác với “ông hoàng cải lương Hồ Quảng” Vũ Linh, trở thành cặp đôi vàng của sân khấu thời điểm ấy cũng như đi vào huyền thoại trong lòng giới mộ điệu.