Lam Phương: Người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh, suốt đời mong mỏi được trở về quê hương nhưng bất thành
Lam Phương (sinh năm 1937), tên thật là Lâm Đình Phùng, được biết đến là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng. Ông sinh ra tại một vùng quê nghèo thuộc làng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Nhạc sĩ Lam Phương được xem là một trong những tên t.uổi nổi bật nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Từ phòng trà sang trọng cho đến những xóm nghèo nhập cư, từ sân khấu kịch nghệ đến vùng hỏa tuyến khốc liệt đều vang lên những bài ca nổi tiếng của vị nhạc sĩ tài năng này. Ông cũng đồng thời được xem là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm.
Nhạc của Lam Phương không mang triết lý sâu xa, mà chứa đựng những cảm xúc chân thành từ tấm lòng đôn hậu, thật thà của một người được sinh ra trên đất miền Tây thân yêu.
Tuy là hậu duệ của một gia tộc danh tiếng nhưng đến đời của Lam Phương thì cuộc sống của ông lại rất khổ cực. Ông là con đầu lòng trong gia đình có 6 người con. Cha ông bỏ nhà đi biệt tăm nhiều năm, mẹ ông một tay nuôi dạy ông nên người. Hình ảnh người mẹ hiền thuở thơ ấu đó đã đi vào nhạc Lam Phương, những ca khúc nổi tiếng như Đèn Khuya và Kiếp Nghèo cũng được nam cố ca sĩ lấy cảm hứng từ cuộc sống đời thường của mình.
Được biết cuộc sống mưu sinh của gia đình Lam Phương rất khó khăn, dù vậy nhưng ông vẫn may mắn được đến trường học chữ nhờ sự giúp đỡ của người dượng bên ngoại. Những kiến thức căn bản đó đã hình thành nên một nhạc sĩ Lam Phương tài hoa sau này.
10 t.uổi nhạc sĩ Lam Phương bắt đầu lên Sài Gòn và chỉ 5 năm sau, tức năm 15 t.uổi, ông đã bắt đầu sáng tác bài “Chiều thu ấy”. Tuy nhiên, mãi đến năm 1954 ông mới nổi danh với hai bài “Kiếp nghèo” và “Chuyến đò vĩ tuyến”. Thời gian đầu sáng tác, nhạc sỹ gặp vô vàn khó khăn về tài chính, ông phải thường xuyên vay tiền bạn của mình để có kinh phí phát hành các tác phẩm âm nhạc.
Nhạc của ông chuộng điệu mambo nhưng đa dạng với rất nhiều đề tài. Nói lên cảm xúc về cuộc di cư năm 1954 có “Chuyến đò vĩ tuyến”, “Nhạc rừng khuya”, “Đoàn người lữ thứ” và “Nắng đẹp miền Nam”. Nói về tình quân nhân ông có “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”. Nói đến tình mẫu tử ông có “Đèn khuya”, “Tạ ơn mẹ”. Nói đến những kiếp sống lầm than ông có “Kiếp nghèo”, “Chiều tàn”. Riêng về tình ca, có thể nói ông là một suối nguồn trong nền âm nhạc miền Nam Việt Nam.
Năm 1958 ông nhập ngũ, đêm giã từ trung tâm huấn luyện, ông viết bài “Tình anh lính chiến”. Bài hát sau này trở nên nổi tiếng và hầu như người lính nào cũng hát. Trở về quê một thời gian, Lam Phương lại được lệnh tái ngũ. Ông gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng tham gia Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến năm 1975.
Song song với việc sáng tác và biểu diễn với các ban nhạc quân đội, Lam Phương còn cộng tác với trung tâm quốc gia điện ảnh, xuất hiện trong một số phim mang chủ đề vận động cải tiến xã hội như “Chân trời mới”, “Niềm tin mới”.
Sau khi lập gia đình, ông bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm tươi sáng hơn, điển hình nhất là tác phẩm “Ngày hạnh phúc”. Bài hát được phát hàng ngày như một nhạc hiệu của đài phát thanh quân đội và được nhân dân dùng rất nhiều trong các đám cưới. Bài hát nổi tiếng với câu hát “Đêm về nghe con khóc vui triền miên”. Tiếng con khóc ở đây là con gái đầu lòng của nhạc sĩ, cô Ánh Hằng.
Năm 1975 gia đình nhạc sĩ Lam Phương sang Mỹ sinh sống. Cố nhạc sĩ khi đó gặp không ít khó khăn – ở nơi đất khách, ông phải kiếm tiền bằng những công việc chân tay nặng nhọc để nuôi gia đình. Ông vô cùng đau xót và viết hàng loạt ca khúc mà tiêu đề chỉ có 1 chữ như “Điên”, “Say”, “Tiếc”… Trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài “Lầm” với câu hát “Anh đã lầm đưa em sang đây”.
Đầu năm 1999, trong một lần đi thăm một người bạn, nhạc sĩ Lam Phương bị tai biến mạch m.áu não và liệt nửa người. Thời gian này ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm. Từ chuyện người em gái bỏ cả cửa hàng ăn bên Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc cho anh, đến chuyện một người yêu nhạc từ bên Úc mua cho ông một căn nhà và ngày nào cũng gọi điện để bắt ông phải nói chuyện. Bà còn đến tận nơi, vứt chiếc xe lăn ra xa để bắt ông tự đi. Những tình cảm đó giúp nhạc sĩ Lam Phương đã dần bình phục, tuy nhiên không thể được như xưa.
Sinh thời, Lam Phương luôn mong mỏi một lần được trở lại Việt Nam song cho đến khi qua đời, ông vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện ấy.
Tháng 12.2020, Lam Phương trút hơi thở cuối cùng tại Mỹ sau thời gian điều trị tích cực vì chứng bệnh tim và tai biến mạch m.áu não trở nặng. Cha đẻ ca khúc Tình bơ vơ qua đời ngay thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên gia đình không thể đưa nhạc sĩ về Việt Nam như điều ông hằng mong ước. Lam Phương được hỏa táng tại Mỹ. Tháng 11.2022 – hơn hai năm sau khi nhạc sĩ tài hoa ra đi, gia đình quyết định đưa tro cốt của ông về lại quê hương, để ông yên nghỉ nơi đất mẹ.
Hơn 40 năm xa xứ là chừng ấy thời gian ông mang nỗi nhớ khắc khoải về quê hương, xứ sở, mong mỏi được trở về quê nhà sau hơn nửa đời người phiêu bạt nơi đất khách. Cố nhạc sĩ từng chia sẻ giai đoạn buồn khổ nhất của ông là sau năm 1979, thời điểm mẹ qua đời ở Việt Nam mà ông không thể về nước gặp lần cuối, thắp cho bà nén nhang và hoàn thành bổn phận cuối cùng của một người con.
Nỗi day dứt ấy đã thôi thúc Lam Phương sáng tác bài Khóc mẹ, Tạ ơn mẹ để tưởng nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng của bà. Những lời thủ thỉ đầy da diết: “Mẹ ơi con mơ một ngày, nằm im trong cánh tay mẹ, cho con đi vào trong giấc ngủ thiên thu” của ca khúc Khóc mẹ từng gắn liền với tiếng hát của Hương Lan – Như Quỳnh và chạm đến trái tim của biết bao khán giả yêu nhạc.
Cùng với tâm nguyện viếng mẹ, Lam Phương cũng khao khát trở lại Việt Nam để gặp gỡ khán thính giả vẫn luôn ủng hộ và yêu mến những nhạc phẩm của mình. Đáng tiếc là từ trước đến nay, những người yêu nhạc Lam Phương chỉ có thể gặp ông ở một số nước như: Mỹ, Pháp, Úc, Canada… và một lần ở Singapore hồi tháng 8.2016, khi cố nhạc sĩ cùng Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương in Singapore.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí năm 2018, nhạc sĩ tài hoa này từng bộc bạch nỗi mong mỏi được về thăm quê hương: “Đúng là tâm nguyện lớn của tôi vẫn là được một lần về thăm quê, ‘gom góp yêu thương quê nhà…’ (lời bài hát Tình bơ vơ). Nhưng giờ sức khỏe tôi yếu đi nhiều, di chuyển khó khăn, mọi người đỡ lên xuống rất vất vả. Tôi bay đi xa là tim hay bị mệt, khó thở nên giờ muốn lắm mà không dám đi”.