Thanh Thanh Tâm: ‘Tôi làm nail, bưng phở ở Mỹ nuôi hai con’
Nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Tâm nói làm nhiều nghề ở Mỹ, như kỹ thuật viên facial, nail, thu ngân và bưng phở, một mình nuôi hai con khôn lớn.
Đầu tháng 7, Thanh Thanh Tâm làm giám khảo giải thưởng Út Trong – cuộc thi trực tuyến tìm tài năng ca cổ trong và ngoài nước, do nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức. Dịp này, chị nói về 10 năm mưu sinh ở Mỹ nuôi hai con, cùng tâm huyết với cải lương dù sống xa quê.
– Nhiều năm kín tiếng, vì sao chị trở lại làm giám khảo cải lương?
– Ban đầu tôi đắn đo vì lâu không xuất hiện trước công chúng. Nhưng sau khi nghe ca sĩ Quang Thành – đàn em thân thiết, người tham gia trong ban giám khảo – nói về ý nghĩa của cuộc thi, tôi đồng ý. Nghệ sĩ Út Trong cũng là người thầy từng dẫn dắt tôi vào nghề. Tôi chưa bao giờ vơi “lửa nghề”, mong góp một phần sức mọn để tình yêu ca cổ được tiếp nối qua các thế hệ.
Việc sắp xếp trở lại với tôi khá khó khăn. Từ lâu, tôi không mưu sinh bằng nghề hát, có khi vài ba tháng mới đi diễn một lần, chủ yếu cho đỡ nhớ. Tôi làm một lúc nhiều việc, như kỹ thuật viên facial (làm mặt), làm nail. Tôi thường dậy từ 5h30, chuẩn bị cơm nước cho hai con và mình mang theo, vừa vệ sinh lại vừa rẻ hơn ăn ngoài. 21h, tôi mới về đến nhà. Hơn 10 năm qua từ khi sang Mỹ, gần như ngày nào tôi cũng như thế.
– Chị nhớ gì về giai đoạn chật vật nơi đất khách?
– Tôi qua Mỹ năm 2012 sau khi ly hôn, phải tự lực cánh sinh trong mọi chuyện. Trong nước, tôi là cô đào được các bầu show săn đón. Sang đây, tôi chấp nhận làm lại từ đầu. Tiếng Anh không rành, tôi xin vào làm cho các cơ sở spa của người Việt. Mới đầu, môi trường làm việc không phù hợp, tôi chuyển hết tiệm này sang tiệm khác.
Có thời gian, đi dọn bàn, thu ngân cho một tiệm phở, tôi bị một quản lý nhỏ hơn tôi nhiều tuổi quát mắng. Tối về nhà, tôi tủi thân, ngồi khóc, nhưng vực dậy bản thân bằng cách tự nhủ lặp đi lặp lại: Phải cố lên. Nơi đây không thoải mái như lúc còn ở quê nhà, tôi không cho phép bản thân đau ốm. Tôi quan niệm: Nghề nào cũng là nghề, tư cách con người mới quan trọng. Miệt mài vừa học vừa làm, đến nay, tôi có hai bằng chuyên về facial và nail, do trung tâm đào tạo nghề của Mỹ cấp.
– Động lực nào giúp chị vượt qua giai đoạn đó?
– Hai con là lý do khiến tôi cố gắng từng giây từng phút. Thâm tâm, tôi thấy có lỗi với các con vì đã không thể giữ cho con một mái ấm có mẹ và có cha. Ca Dao – con gái đầu, 38 tuổi – tốt nghiệp đại học về chuyên ngành thông tin, đã đi làm. Con trai Kim Tuyền, 25 tuổi, cũng đã trưởng thành, hiện quản lý một tiệm bánh trong khi đang học năm thứ hai ngành y tá. Tôi thích chăm sóc các con, xem đó là niềm vui. Hàng ngày, tôi vẫn lái xe chở Ca Dao đi làm vì con lái chưa vững dù đã có bằng.
Tôi cũng nhận được tình cảm đong đầy của người Việt ở hải ngoại. Thời gian tôi làm việc ở tiệm phở, nhiều khán giả nhận ra, thương cho hoàn cảnh nên dúi tặng vài trăm USD. Vài người thủ thỉ động viên: “Cố lên nha cưng, công việc nào cũng như nhau”. Thỉnh thoảng vài ngày, có khán giả gửi bó hoa đến nơi tôi làm, rồi đồng nghiệp hay tin, đến ăn ủng hộ.
– Sau đổ vỡ, chị nghĩ gì về việc kết hôn lần nữa?
– Nhiều người thấy tôi cực quá, ngỏ ý: “Lấy anh đi, khỏi phải đi làm cực khổ”. Tôi từ chối vì không tự tin việc đi thêm bước nữa. Ngoài ra, tôi đã quen tự lập một mình từ lâu. Xe bể bánh khi đang chạy, tôi cũng tự thay được. Người quen hay khuyên tôi nên nhận lời yêu một người nào đó để đỡ đần phần nào, nhưng nhiều năm qua, tôi vượt qua tất cả bằng nghị lực. Tôi tự thấy cuộc sống bên các con đã quá yên ổn nên không muốn xáo trộn.
– Chị lên kế hoạch cho tuổi xế chiều ra sao?
– Tôi dành dụm tiết kiệm đủ lo cho tương lai sau này. Tôi không có nhu cầu tiêu xài nhiều vì vốn quen dè sẻn. Chiếc xe cũ bị móp một bên cửa, tôi vẫn chưa sửa vì thấy sử dụng bình thường. Lâu lâu, tôi mới tự mua chiếc áo cho mình, mà giá cũng chỉ năm, sáu USD, không biết đến đồ hiệu.
Tôi vẫn muốn sống bên các con đến khi nào chúng lập gia đình, dọn ra ở riêng. Ca sĩ Quang Thành khuyên tôi nên chuyển lên khu Dallas – nơi cậu ấy sống – vì mức thu nhập ở đây cao hơn. Nhưng tôi không muốn vì sợ thay đổi nơi chốn, ảnh hưởng đến việc học, việc làm của các con. Ca Dao lo tôi đi làm vất vả, nói mẹ cứ ở nhà nghỉ ngơi, để các con lo. Nhưng tôi không làm vậy được vì tiền thuê nhà là cả một vấn đề. Nếu tôi gặp chuyện, để các con gánh hết thì tội nghiệp.
Còn sức, tôi sẽ còn lao động. Sau này, dựng vợ gả chồng cho con xong, tôi sẽ tìm một viện dưỡng lão để tận hưởng tuổi già.
– Chị còn ấp ủ tâm nguyện nào cho nghề hát?
– Dù thỉnh thoảng mới đi diễn, tôi vẫn thường tự tập hát, luyện thanh ở nhà để tránh bị tù hơi, quên tuồng. Tôi từng rơi vào giai đoạn tuyệt vọng khi chứng kiến nhiều mất mát. Những người thân yêu như nghệ sĩ Ngọc Đáng, Vũ Linh lần lượt qua đời, động lực ca hát trong tôi cũng vơi đi phần nào. Nhưng tôi biết chỉ cần khoác bộ đồ diễn, lửa nghề sẽ “cháy” trở lại trong tôi.
Sau này, tôi muốn mở lớp truyền nghề cho nghệ sĩ trẻ, hướng dẫn kỹ thuật hát Hồ Quảng, tuồng sử, cải lương xã hội. Đó là cách tôi trả ơn tổ nghiệp khi không còn được đứng trên sân khấu.