Ngư dân gốc Việt ở Mỹ bỏ nghề chài lưới

Nhiều người Mỹ gốc Việt ở Vịnh Mexico, bang Mississippi từng gắn bó với nghề chài lưới, nhưng dần từ bỏ khi tôm cá cạn kiệt, còn con cháu không muốn nối nghiệp.

Ông Sau Truong đưa chiếc thuyền cũ ra khơi tháng trước, nhưng không bắt được con tôm nào. Các bến cảng ở Bayou Caddy, nơi Sau Truong từng dạy con trai Elvis Ta kiến thức đi biển ở vùng Vịnh Mexico, mùa hè năm nay vô cùng yên tĩnh, khi chẳng có ngư dân nào ra khơi.

“Rất nhanh thôi, ngành đánh bắt tôm ở Vịnh Mexico sẽ biến mất”, Elvis Ta dự đoán. Là con một ngư dân nhưng Elvis Ta không biết cách đan lưới.

Thế hệ người Việt thứ hai, con cái của những ngư dân gốc Việt sinh sống ở vùng duyên hải Mississippi, đang lần lượt từ bỏ nghề từng nuôi sống cả gia đình.

Elvis Ta và bố, ông Sau Truong, trên thuyền câu tôm Miss Mimi tại bến cảng thành phố Bayou Caddy ở Vịnh St.Louis, bang Mississippi, ngày 29/6. Ảnh: Sun Herald

Elvis Ta và bố, ông Sau Truong, trên thuyền đánh bắt tôm Miss Mimi tại bến cảng thành phố Bayou Caddy ở Vịnh St.Louis, bang Mississippi, ngày 29/6. Ảnh: Sun Herald

Vùng biển ở Vịnh Mexico từng là cả thế giới với ông Truong, người tới Mỹ 40 năm trước. Ông cùng nhiều đồng hương định cư ở Mississippi, mua thuyền, đan lưới, vay tiền từ các nhà máy chế biến hải sản thay vì ngân hàng, bởi ngân hàng không cho người nước ngoài vay.

Họ trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế thủy sản vùng duyên hải Mississippi, làm việc trong các nhà máy chế biến hàu suốt nhiều giờ, chi tiêu tằn tiện cả đời. Nhiều người chưa từng học tiếng Anh, nhưng con cái của họ sinh ra trên nước Mỹ trở thành tương lai của họ trong một thế giới xa lạ, và họ thường đưa con đi đánh bắt tôm cá.

Đây là công việc vất vả, bởi những chuyến đi biển thường kéo dài nhiều ngày và họ sống xa bờ. Có những đứa trẻ một năm chỉ gặp mặt cha vài tuần, nhưng công việc này giúp họ nuôi sống bản thân và gia đình.

Thiên tai, bệnh dịch ập đến. Bão Katrina năm 2005 đánh chìm nhiều tàu cá. 5 năm sau, giàn khoan Horizon phát nổ, phun dầu khắp Vịnh Mexico và buộc hoạt động đánh bắt hải sản trong vùng dừng lại đột ngột.

Khi tình hình chưa kịp cải thiện, chính quyền bang Louisiana cho mở Đập tràn Bonnet Carret, cửa kiểm soát lũ ngoài New Orleans, trong 123 ngày năm 2019. Dòng nước ngọt tràn ra biển đã giết chết hàu và tôm ở eo biển Mississippi, buộc chính quyền bang phải kêu cứu.

Giới chức bang Mississippi ước tính những sự cố, thảm họa này đã khiến hơn 80% lượng tôm tại Vịnh Mexico chết trong những năm gần đây.

Giờ đây, con cháu của khoảng 10.000 ngư dân gốc Việt tại vùng duyên hải Mississippi đang rời bỏ vùng vịnh mãi mãi. “Thật buồn”, Ta nói.

Nhưng từ nhỏ anh đã hiểu mình sẽ không sống bằng nghề chài lưới. Bố mẹ muốn anh đi học để có được công việc tốt, được đóng bảo hiểm y tế. Sau khi tốt nghiệp, Ta làm việc tại Sở Nông nghiệp bang, làm thêm nghề bán điều hòa không khí và tấm pin năng lượng mặt trời.

Ông Truong dành cả đời đánh bắt tôm nuôi sống gia đình, nhưng giờ đây phải phụ thuộc vào hai con. Ta và chị gái khi xưa từng phụ bố đánh bắt tôm, nhưng bây giờ kiếm được nhiều tiền hơn ông.

“Truyền thống đang mất đi”, Jane Nguyen, giám đốc chi nhánh SOS, tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ người Việt ở Biloxi, nói.

Tháng trước, chính quyền liên bang tuyên bố tình trạng thảm họa ở Mississippi và Louisiana, nhằm giúp các ngư dân nhận được hỗ trợ từ ngân sách chính phủ khi tôm chết quá nhiều.

Vài chuyến ra khơi gần đây ông Truong đều lỗ vì lượng tôm thu được ngày càng ít, còn giá dầu diesel tăng vọt. Mỹ nhập khẩu hơn 8,1 tỷ tấn tôm năm ngoái, trong khi giá tôm đánh bắt tại các địa phương đều giảm xuống chưa tới 6,7 USD/kg.

“Rất nhiều người đang cố hết sức để sinh tồn”, Dave Do, điều phối viên chương trình của SOS tại Alabama, nói.

“Đi biển không còn hấp dẫn”, Jane Nguyen cho hay. “Tiền nhiên liệu giờ đây cao hơn so với lợi nhuận kiếm được từ hải sản”.

Con thuyền Miss Mimi của ông Truong tại bến cảng. Ảnh: Sun Herald

Con thuyền Miss Mimi của ông Truong tại bến cảng. Ảnh: Sun Herald

Một số ngư dân gốc Việt không ngạc nhiên trước sự thay đổi này. Jane Nguyen cho hay nhiều bậc cha mẹ vui khi thấy con cái theo đuổi nghề nghiệp mà chúng lựa chọn, thay vì theo nghề chài lưới mà họ cho là “cực chẳng đã” mới phải làm.

“Cha mẹ luôn muốn con cái có cuộc sống tốt hơn”, cô nói, cho biết nhiều người đã chấp nhận thực tế rằng con cháu họ tốt nhất là không theo nghề đánh bắt cá.

Trong số anh chị em của Ta không người nào có ý định trở thành ngư dân. Ông Truong là người cuối cùng giữ nghề. Tháng này, ông sẽ tiếp tục thử đưa chiếc thuyền cũ ra khơi, thử vận may xem có đánh bắt được chút tôm nào không.

Nhưng chẳng bao lâu nữa ông sẽ nghỉ hưu và quay lại Việt Nam sinh sống. Khi đó, “thế hệ chúng tôi sẽ không còn ai theo nghề”, Ta nói.