Có thẻ xanh 2 năm, khi ly dị có được xin thẻ xanh 10 năm?
Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này.
*Hỏi: Tôi được chồng bảo lãnh và có thẻ xanh hai năm. Tôi cần cù đi làm kiếm tiền để phụ giúp chồng và gửi tiền về Việt Nam lo cho cha mẹ già. Năm đầu chung sống với nhau thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Sang năm thứ hai thì chúng tôi có nhiều chuyện bất đồng ý kiến. Nếu tôi ly dị chồng hoặc chồng tôi ly dị tôi thì tôi có được xin thẻ xanh 10 năm không?
-Đáp: Trong trường hợp hai vợ chồng ly dị thì “người được bảo lãnh” có thể tự mình làm đơn I-751 để xin thẻ xanh 10 năm và xin miễn sự đòi hỏi phải làm chung với “người bảo lãnh.”
Trước khi Đạo Luật Di Trú năm 1990 ban hành, điều luật miễn trừ có sự đòi hỏi ly dị phải có lý do chính đáng và “người được bảo lãnh” phải là người đưa đơn ly dị. Nhưng sau khi Đạo Luật Di Trú năm 1990 ban hành, những điều kiện đó được loại trừ.
“Người được bảo lãnh” hoặc “người bảo lãnh” đưa đơn ly dị đều không có ảnh hưởng xấu cho hồ sơ xin miễn trừ. “Người được bảo lãnh” phải chứng minh họ đi vào cuộc hôn nhân với ý định chân thành.
Sở Di Trú USCIS sẽ nhìn vào sự cam kết của hai người bằng cách xem xét các tài liệu, xem xét những bằng chứng về tài chánh khi hai người còn sống chung với nhau, thời gian hai người chung sống sau khi lập hôn thú và thời gian sau khi hồ sơ thẻ xanh 2 năm được chấp thuận, và bao lâu sau họ mới ly dị hoặc ly thân; hoặc với bất cứ bằng chứng nào khác. “Người thừa hưởng” phải chứng minh họ đã ly dị hoặc hôn thú đã bị tòa hủy bỏ.
*Hỏi: Tôi được một vị hôn phu bảo lãnh sang Hoa Kỳ theo diện fiancé. Sau khi nhập cảnh Hoa Kỳ thì chúng tôi lập hôn thú và anh ta làm đơn xin thẻ xanh cho tôi. Trong khi chờ đợi Sở Di Trú xét hồ sơ thì chúng tôi có chuyện xích mích và anh ta gửi đơn lên Sở Di Trú xin hủy hồ sơ. Khoảng ba năm sau tôi quen và lập hôn thú với một người khác. Tôi có thể làm thẻ xanh với người chồng mới không?
-Đáp: Một đặc điểm của diện vị hôn phu vị hôn thê là khi người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ, người được bảo lãnh phải lập hôn thú với người bảo lãnh và làm đơn thay đổi tình trạng di trú.
Nếu người được bảo lãnh thay đổi ý kiến và không lập hôn thú với người bảo lãnh, người được bảo lãnh sẽ không được thay đổi tình trạng di trú dù là lập hôn thú với một người công dân Hoa Kỳ khác hoặc được những thân nhân khác như cha mẹ anh chị em bảo lãnh.
Nếu người được bảo lãnh muốn sống hợp pháp ở Hoa Kỳ, người được bảo lãnh phải trở về nước của họ và chờ đợi người bảo lãnh khác làm đơn bảo lãnh.
Trong trường hợp người bảo lãnh thay đổi ý kiến không lập hôn thú với người được bảo lãnh hoặc đã lập hôn thú nhưng người bảo lãnh không chịu tiếp tục bảo lãnh cho người được bảo lãnh, người được bảo lãnh sẽ không được thay đổi tình trạng di trú y như trường hợp người được bảo lãnh thay đổi ý kiến vừa nêu trên.
Có nhiều trường hợp người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh thay đổi ý kiến, và người được bảo lãnh lập hôn thú với người công dân Hoa Kỳ khác và đinh ninh rằng họ sẽ được thay đổi tình trạng di trú với hồ sơ mới.
Sau khi đi phỏng vấn, hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sẽ bị từ chối và từ ngày bị từ chối, người được bảo lãnh trở thành người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Nếu người được bảo lãnh muốn ở Hoa Kỳ hợp pháp, họ phải trở ra ngoài Hoa Kỳ và chờ hồ sơ bảo lãnh mới.
Nếu người được bảo lãnh ở Hoa Kỳ quá 6 tháng hoặc 1 năm sau khi hồ sơ bị từ chối và rời khỏi Hoa Kỳ, người được bảo lãnh sẽ không được nhập cảnh Hoa Kỳ 3 năm hoặc 10 năm. (Khi một người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp 180 ngày hoặc lâu hơn, khi rời Hoa Kỳ sẽ không được vào lại Hoa Kỳ trong 3 năm tới. Nếu ở Hoa Kỳ bất hợp pháp 1 năm trở lên, sẽ không được vào Hoa Kỳ trong 10 năm tới).
Nếu đương đơn phạm phải điều luật cấm 3 năm hoặc 10 năm, nếu muốn nhập cảnh Hoa Kỳ trước thời hạn 3 năm hoặc 10 năm, phải làm đơn yêu cầu Sở Di Trú miễn điều luật đó nếu hội đủ điều kiện.