Bí ẩn trong lòng ‘hồ ma’ tái sinh ở Mỹ

‘Hồ ma’ Tulare tái sinh ở California, Mỹ, đã nhấn chìm hàng ngàn mẫu đất nông nghiệp của khu vực này.

“Hồ ma” quay trở lại

Ánh nắng gay gắt phản chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng. Những con cá nhỏ chết nổi bên cạnh những ống dẫn nước. Chưa tới 2 mét dưới mặt nước là những chuồng gà bỏ hoang, chuồng bò sữa và các nhà kho đang dần mục nát, chỉ còn nhìn thấy mờ nhạt dưới làn nước xanh đục.

Cái nóng mùa hè của Thung lũng Trung tâm không hề giảm, ngay cả khi chèo thuyền qua “hồ ma” này. “Hồ ma” Tulare hồi sinh vào mùa xuân năm ngoái, sau những cơn bão mùa đông dữ dội và dòng chảy từ Sierra Nevada phủ đầy tuyết đã lấn át các hệ thống nhân tạo từ lâu đã làm cạn kiệt lưu vực Hồ Tulare.

Sở dĩ hồ Tulare được gọi là “hồ ma” bởi thỉnh thoảng hồ mới xuất hiện và khi hồ xuất hiện tức là đó là những năm lượng mưa cao bất thường.

Hồ Tulare tái sinh đã nhấn chìm hàng ngàn mẫu đất nông nghiệp được sử dụng để trồng quả hồ trăn, hạnh nhân, bông và cây rum tại một trong những vùng nông nghiệp năng suất cao nhất của Mỹ.

Mặc dù vậy, với sự trở lại của hồ Tulare, vịt, cò và các loại chim khác đã đổ xô tới địa điểm này. Khi hồ Tulare lấy lại được phần đất của mình, các hệ sinh thái đã bị lãng quên từ lâu được hồi sinh.

Tờ Los Angeles (LA) Times đã thực hiện một chuyến tham quan với Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Kings với mục đích tuần tra hồ nước tái sinh.

ca-times.brightspotcdn.webp

Mặt nước “hồ ma” Tulare. Ảnh: LA Times

Đất nông nghiệp bị nhấn chìm

“Khi hồ xuất hiện, nó đã cho chúng ta thấy một hình ảnh hoàn toàn choáng ngợp,” Cảnh sát trưởng Nate Ferrier đứng trên bờ hồ cho biết. Thậm chí nhiều tháng sau khi “hồ ma” Tulare xuất hiện, ông vẫn kinh ngạc về quy mô và sự hiện diện của nó.

“Tôi đã lái xe lên xuống tất cả những con đường này chỉ để chứng kiến nước bao phủ lấy toàn bộ vùng đất nông nghiệp. Nó giống như một khoảnh khắc chỉ có trong Kinh Thánh.”

Văn phòng cảnh sát trưởng cho biết, họ đã phải đầu tư chiếc thuyền máy để thu gom rác trên mặt hồ và đảm bảo chân vịt của thuyền không bị mắc kẹt vào những vật phẩm đang bị chìm dưới lòng hồ.

Hồ làm ngập đất nông nghiệp và là vùng đất tư nhân. Vì vậy, việc lội hoặc chèo thuyền trên mặt hồ là hành động xâm phạm đất. Phía bờ hồ có nhiều biển báo “Sở hữu tư nhân”, cảnh báo cấm săn bắn, câu cá hoặc xâm phạm phần đất.

Tuy nhiên, lúc này, những gì ẩn dưới mặt nước là mối quan tâm lớn hơn. Nước lũ đã “nuốt chửng” các kho chứa phân bón và các hóa chất khác. Cùng với thức ăn cho cây trồng, dòng nước đã nuốt luôn cả đường dây điện, máy móc nông nghiệp sắc nhọn.

Cảnh sát Ferrier cho biết, cho đến nay, phía cảnh sát chưa phải xử lý các tình huống người dân phản đối các thuyền di chuyển trên mặt nước. Chính điều này lại cũng là một bất lợi do dòng nước lũ không ngăn cản được mọi người tới gần. Vào tháng 8, cảnh sát đã bắt gặp một chiếc ô tô hiệu Nissan màu bạc bị bỏ lại dưới nước, ngập một nửa. Chiếc xe không xuất hiện tại địa điểm này trước đó.

Một số trường hợp khác, cảnh sát cũng phát hiện ra những người câu cá tại khu vực. Cảnh sát đã phải đưa ra cảnh báo rằng chưa chắc cá tại hồ đã an toàn để sử dụng.

“Nhiều người cho biết rằng nước hồ khá bẩn. Bởi vậy, cá ở đây không an toàn. Tôi khuyên mọi người không nên ăn cá vì sự ô nhiễm của hồ nước và chúng tôi thậm chí cũng không thực sự biết tất cả về những gì đang nằm dưới lòng hồ. Vì vậy, không đáng để mạo hiểm,” cảnh sát cho biết.

“Tuy nhiên, mọi người cần học cách chung sống với hồ nước”, ông Ferrier nói.

ca-times.brightspotcdn.webp

Chiếc thuyền tuần tra của cảnh sát. Ảnh: LA Times

Bí ẩn dưới lòng hồ

Trang trại đã bị hồ nước nhấn chìm trước đây cũng là nơi ở của những nông dân. Có thể nhìn thấy những chiếc mái che ô tô ở một số khu vực nước thấp. Những con đường bị “nuốt chửng” thời gian vừa qua đang dần xuất hiện trở lại, nhựa đường nứt toác. Các cột điện nhô lên khỏi mặt nước.

Gần khu vực nuôi gà, mùi hôi thối nồng nặc. Các biển báo tuyên bố vùng đất nông nghiệp là “khu vực an toàn sinh học” vẫn dựng thẳng đứng.

LA Times cho biết, lướt trên mặt hồ với chiếc thuyền máy, những dấu hiệu mới của sự sống hòa lẫn vào dấu hiệu của một sự sống khác đã bị nước lũ nhấn chìm. Những con cò làm tổ giữa những cành cao nhất của cây bị ngập úng. Vịt trời bơi ngang qua, lao đầu xuống nước tìm thức ăn. Bướm vàng bay lượn trên mặt nước.

Rose Mary Rahn, Giám đốc Sở Y tế Công cộng hạt Kings, cho biết chính xác những gì có trong nước, bao gồm thuốc trừ sâu, hóa chất và vi khuẩn, vẫn còn là một bí ẩn. Hạt Kings đã tiến hành xét nghiệm nước bề mặt và kết quả mới nhất vào tháng 7 đã xác định được mức độ cao của vi khuẩn coliform và E. coli.

Lần cuối cùng hồ quay trở lại là vào năm 1983, vào thời điểm này, “hồ ma” đã tồn tại được 2 năm sau đó trước khi biến mất. Các quan chức địa phương cũng nhận định rằng, sẽ lại mất nhiều năm trước khi nước trong “hồ ma” rút hoàn toàn.