Lưu Hữu Phước: sáng tác nhạc thấm đẫm chất thời đại,”khí thế dân tộc” khiến người Việt “nổi da gà”
Lưu Hữu Phước (SN 1921) được biết đến là một Nhạc sĩ lớn, tác giả của những bản hùng ca một thời. Các tác phẩm của ông luôn gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Từ đây, ông được rất nhiều khán thính giả yêu mến.
Lưu Hữu Phước là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bản hùng ca, giải phóng, gắn liền với sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ngoài nghệ danh Lưu Hữu Phước, ông còn sử dụng một số tên khác như: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu hay Hồng Chí. Cố nhạc sĩ sinh ngày 12 tháng 9 năm 1921 tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc thành phố Cần Thơ).
Thuở bé ông được cha cho học đàn kìm, về sau có chơi cả mandoline, guitare và tự học lý thuyết âm nhạc. Cuối những năm 1930, ông lên Sài Gòn học tại trường Petrus Ký. Tại đây, ông cùng Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, thành lập Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club). Đây được xem là nơi hội tụ của những học sinh, sinh viên yêu nước.
Cuối năm 1939, ông sáng tác ca khúc “La Marche des Étudiants” và cùng Mai Văn Bộ đặt lời tiếng Pháp để làm bài hát chính thức của Câu lạc bộ.
Sau khi đỗ tú tài, từ năm 1940 – 1944, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học trường Y – Dược, thuộc Viện Đại học Đông Dương. Tại đây, ông tiếp tục trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên Đông Dương.
Trong những đợt tổ chức các hoạt động về nguồn của sinh viên, Lưu Hữu Phước đã sáng tác được nhiều ca khúc nổi tiếng, như: “Non sông gấm vóc”, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát giang trường hận (sau đổi tên là Hồn tử sĩ), Hờn sông Gianh, Người xưa đâu tá và Hội nghị Diên Hồng. Những bài hát trên được xem là đỉnh cao của thể loại bài hát về đề tài lịch sử, nhằm hun đúc tinh thần dân tộc cho thanh niên Việt Nam.
Năm 1944, Lưu Hữu Phước được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vào Nam tham gia vận động cách mạng. Bấy giờ cũng đồng thời nổ ra phong trào của đông đảo sinh viên ba miền Bắc – Trung – Nam – rủ nhau bỏ học để trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng.
Nhóm bộ tứ gồm Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Đặng Ngọc Tốt trong một đêm đã tập trung soạn ba bài hát: Xếp bút nghiên, Mau về Nam và Gieo ánh sáng để kịp thời cổ vũ cho phong trào này. Phong trào sau đó được đặt tên là Xếp bút nghiên, rầm rộ kéo dài đến tận ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Tháng 5 năm 1946, Lưu Hữu Phước được điều động ra Hà Nội, nhận nhiệm vụ thành lập Trung ương Nhạc viện (thành lập tháng 9 năm 1946), sau đó ông cùng tập thể Hội Văn hoá Cứu quốc tản cư đi kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc.
Vở ca kịch “Tục lụy” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác được trình diễn vào ngày 21 tháng 3 năm 1943, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở ca kịch Hái hoa dâng Bác được trình diễn trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn sáng tác một số vở ca kịch khác như: Con thỏ ngọc, Diệt sói lang, Phá mưu bù nhìn, Hai chàng lưng gù..
Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng nhất năm 1987, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.
Sau năm 1975, ông được phong học hàm Giáo sư và Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức. Tên ông được đặt cho một Công viên tại Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ; Trường Trung học Phổ thông tại Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ cũng mang tên ông.
Lưu Hữu Phước được xem là một trong những nhạc sĩ “đầu tàu” của giới nhạc sĩ Việt Nam. Ông đại diện cho phái âm nhạc Nam Bộ trong thời điểm khởi đầu của nền tân nhạc. Ông đã trở thành tác giả của những chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật rất cao và có giá trị lịch sử.
Bên cạnh vai trò “người viết sử bằng âm nhạc”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn có những cống hiến to lớn khác cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã tham gia thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Múa, Trường Sân khấu – Điện ảnh, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam…
Từ tháng 2/1965, ông làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin – Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau giải phóng, ông tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc (1978 – 1989), Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Quốc gia, Thành viên Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội,… Trong giai đoạn này, ông cùng các cộng sự nghiên cứu và giới thiệu đàn đá Khánh Sơn – nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc Raglai ở Khánh Hòa.
Về cuộc sống cá nhân, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng họa sĩ Trịnh Kim Vinh đã được đoàn Thanh niên và Trường Mỹ thuật (nơi bà Trịnh Kim Theo học lúc bấy giờ) tổ chức hôn nhân. Trong lễ thành hôn của Lưu Hữu Phước, Nhà thơ Tố Hữu ứng khẩu 4 câu thơ tặng vợ chồng ông:
Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ cùng nhau tiến bước, anh Phước chị Vinh/ bây giờ tình đã gặp tình/ chung lòng bảo vệ hòa bình mạnh hơn.
Bà Trịnh Kim Vinh từng gửi ba con trai cho ông bà ngoại và theo đoàn xuyên Trường Sơn vào chung sống với chồng ở địa đạo Củ Chi, cùng hoạt động trong Mặt trận Giải phóng miền Nam. Bà bị thương và được đưa ra Bắc, khi thống nhất đất nước mới đoàn tụ gia đình.
Bà Vinh vốn là họa sĩ, Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú. Trước đây, bà từng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ trần vào ngày 8/6/1989, đã để lại nhiều sự tiếc nuối trong lòng người hâm mộ Việt. Đến nay, nét đặc trưng âm nhạc “thấm đẫm chất thời đại”, thể hiện “hào khí dân tộc” trong những ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vẫn giữ vẹn nguyên giá trị lịch sử.
“Cả đời anh gắn bó với đấu tranh giải phóng dân tộc, âm nhạc của anh đã có mặt trong những bước ngoặt quyết định của vận mệnh dân tộc” như nhận xét của nhạc sĩ Trọng Bằng, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong bài Lưu Hữu Phước: Người viết sử cách mạng bằng âm nhạc đăng trên Tin tức Thông tấn xã Việt Nam ngày 8/9/2012.