Những khách Việt khiến nhà hàng “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Mang theo túi nilon để lấy đồ buffet về, “quên không thanh toán” là những hành động của khách khiến nhiều nhà hàng bức xúc.
“Thế bây giờ để tao ngồi ăn cố, xong về nôn ra cho chó nhà tao ăn”, đó là những gì Duy Kiên, 21 tuổi, nhân viên một nhà hàng buffet nướng ở Hà Nội nhận được khi giải thích với khách về việc không được lấy đồ thừa về.
Thực khách luôn được nhắc lấy vừa đủ ăn nhưng nhiều người lấy thừa gây lãng phí. Ảnh: White Tangerine.
Kiên kể lại, hôm đó anh là người đón và phục vụ trực tiếp một bàn khoảng 15 khách, gồm người lớn và trẻ em. Gần cuối bữa ăn, một khách nữ khoảng 40 tuổi chủ động gọi thêm 4 – 5 đĩa thịt và nướng hết. Một lúc sau, vị khách nhờ anh lấy giúp vài chiếc hộp để mang đồ về do không ăn hết.
Làm theo quy định của nhà hàng, Kiên giải thích rằng khách chỉ được mang về đồ uống đã thanh toán, còn đồ ăn thừa thì không. Sau vài câu thuyết phục với lý lẽ “mang về cho khỏi phí, đằng nào nhà hàng cũng đổ đi” không được, vị khách liền đổi xưng hô từ cô – cháu sang mày – tao và quát tháo.
Kiên cho biết anh thấy bức xúc nhưng vẫn phải điềm tĩnh giải thích với khách và nhờ quản lý ra giải quyết. “Đó là quy tắc của nghề dịch vụ và mình gặp khách như vậy cũng không ít”, anh nói thêm.
Hay An Giang, bồi bàn ở một nhà hàng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, có những lúc đông khách, nhân viên vừa phải chạy đồ, vừa để ý nhiều bàn một lúc. Vì thế, sự cố “khách quên trả tiền” không hiếm.
Nhiều lần khách ra về mà chưa thanh toán, Giang vội hớt hải chạy theo để đưa hóa đơn. Khi được hỏi, có khách bảo do có việc nên vội về, có khách nói “tưởng người này, người kia (bạn đi cùng) đã trả tiền rồi”.
Vài lần, khách đã về nhưng do để lại số điện thoại đặt bàn nên nhà hàng gọi được và xin lại số tiền chưa thanh toán qua chuyển khoản. Tuy nhiên cũng có người chối là đã đưa, cho đến khi nhân viên phải nói có camera trong nhà hàng họ mới chịu gửi, sau đó khoảng 3 – 4 tuần.
Cô cho biết, khi không tìm được số điện thoại khách, nhân viên phục vụ trực tiếp của bàn đó sẽ phải đền. “Có lần khách không thanh toán hóa đơn 600.000 đồng mình cũng không dám nói với sếp vì sợ bị đánh giá năng lực, nên chỉ biết âm thầm để lại tiền và nhờ chị quản lý”, Giang nói.
Là quản lý nhà hàng buffet, Thanh Thanh cũng gặp nhiều sự cố “khó đỡ” từ khách hàng. Một lần đang trong ca, có khách đã nói với Thanh rằng bàn kế bên đang lấy đồ buffet vào túi nilon để mang về. Sau khi ra tận nơi và lịch sự mời khách ra nói chuyện, cô mới tá hỏa khi họ mang theo 4, 5 chiếc túi đen, chia từng loại đồ ăn vào trong. Bị phát hiện, họ đã xin lỗi và gửi lại đồ.
Túi đồ ăn mà khách trả lại cho nhà hàng. Ảnh: Thanh Thanh.
Thanh cho biết, việc khách mang đồ ăn về xảy ra khá thường xuyên. Nhưng Thanh bức xúc nhất là những người tranh thủ lúc nhà hàng đông khách mà “quên” thanh toán. “Không những không có thiện ý xin lỗi, họ còn quay ra trách nhà hàng làm ăn bất cẩn, thậm chí đổ cho đồ ăn không ngon nhưng lần sau vẫn đến. Lúc đó, mình cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt chứ không thể tranh cãi, đôi co với khách”, cô kể.
Điều mong muốn nhất của Thanh là khách có thể thông cảm cho nhân viên, quản lý nhà hàng, tôn trọng văn hóa ăn buffet, ăn đến đâu lấy tới đó cho đỡ thừa thãi, lãng phí.