NSND Bạch Tuyết: ‘Tôi học ké Ngọc Giàu hơn 60 năm qua’
‘Phải đọc rất nhiều, tôi mới hiểu vì sao trong tiếng ca nhung lụa của Ngọc Giàu lại đậm chất cung đình’, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
Mới đây, tại chương trình Chân dung nghệ sĩ, NSND Bạch Tuyết đã chia sẻ đôi điều về tài năng của NSND Ngọc Giàu.
Tôi học ké Ngọc Giàu hơn 60 năm qua
Tôi từng phải mày mò trong tủ sách gia đình những dữ liệu, gốc gác của người bạn nghề, để phần nào tự lý giải cho mình cái “phong vị” Ngọc Giàu mà tôi đã cảm, đã say. Tôi đã học ké Ngọc Giàu hơn 60 năm qua. Phải đọc rất nhiều, tôi mới hiểu vì sao trong tiếng ca nhung lụa của Ngọc Giàu lại đậm chất cung đình.
Ở những tiếng ngân nguyên âm, NSND Ngọc Giàu thiên về hơi ngự, tức là bộ bát ngự trong nhã nhạc, vốn dành cho vua nghe. Bởi vậy nên nghe Ngọc Giàu hát rất rõ hơi hướng âm nhạc miền Trung.
Cái trác tuyệt trong hơi, giọng của Ngọc Giàu là quãng rộng, chất đồng ngân vang cùng chất mộc đầm, ấm, thêm hơi ngự sang nhã, nên cất giọng là không thể lẫn vào đâu được.
Ngọc Giàu có kỹ thuật điêu luyện được rèn dũa cả một đời ca sĩ nên ca bài bản nào cũng đúng chất, trúng được làn điệu từ Bắc vào Nam. Ngọc Giàu có thể ca đúng chuẩn ca Bắc, giòn, chắc, ngân.
Nhắc tới đây, tôi nhớ về chuyện cũ. Trước khi nhận học trò, má bảy Phùng Há không yêu cầu hát vọng cổ mà yêu cầu nói lối, ca một vài bài bản. Nếu nói lối thiếu cảm xúc và ca bài bản không nắm được chủ âm trong hai thang âm bắc quán và ba cột hơi bắc hai quán thì má Phùng Há khuyên nên chọn con đường khác.
Ngọc Giàu ca vọng cổ đầy, chín, mùi và ca bài bản chắc, dày, tạo nên sắc thái chuyển hơi rất điệu nghệ. Tư chất Ngọc Giàu rất thông minh nên ngay cả khi tuổi tác lấy đi làn hơi khỏe thì trong một câu vọng cổ, Ngọc Giàu vẫn biết cách ca sao cho đầy đặn dù phải ngắt làm ba, bốn đoạn. Người nghe vẫn thấy hồn vía của câu hát và tiếng ca ấy cứ đẹp theo thời gian.
Cuộc đời nghệ sĩ của Ngọc Giàu là hành trình biến cái tưởng chừng nghịch lý thành hợp lý
Vào khoàng 1979, trước khi bắt tay dựng vở Kiều Nguyệt Nga, đạo diễn Lưu Chi Lăng đã nói với tôi, để xây dựng một lúc nhiều Lục Vân Tiên, ông nghĩ tới Thanh Sang, Minh Thiện. Nhưng tôi lại đưa ra một gợi ý khác cho vai Lục Vân Tiên, đó là Ngọc Giàu.
Vị đạo diễn tài ba ấy tròn xoe mắt nhìn tôi. Tôi nói rằng, với Ngọc Giàu, không điều gì là không thể. Tới ngày công diễn chính thức với vai Lục Vân Tiên là Ngọc Giàu, đạo diễn Lưu Chi Lăng đã dành lời khen tặng cho tôi. Còn tôi lại thêm một lần biết ơn ông vì đã trao cho tôi cơ hội được thăng hoa cùng người bạn diễn kỳ tài Ngọc Giàu.
“Lục Vân Tiên” Ngọc Giàu là bạn diễn tôi quý nhất vì sự hòa hợp tuyệt vời nhất trên sân khấu.
Ngọc Giàu được học võ, học vũ nên từ bộ đến điệu đều chuẩn mực, tinh xảo. Quan trọng là Ngọc Giàu luôn tự học, chọn lọc để trau chuốt lại thành bộ. Ở Ngọc Giàu thuần Việt Nam, không rồng bay phượng múa, dù học cả Hồ Quảng.
Cái đẹp và tài tình của Ngọc Giàu là các bộ đều nghiêm cẩn nhưng được giản lược một cách khúc triết, tinh tế. Đó là chất hào hoa trong sự tài hoa của người nghệ sĩ.
Trong quan sát hời hợt của mình, tôi tự nghiệm ra, cuộc đời nghệ sĩ của Ngọc Giàu là hành trình biến cái tưởng chừng nghịch lý thành hợp lý và hóa những biến cố thăng trầm thành khoảnh khắc thăng hoa. Ngọc Giàu đang từ đào hát trở thành kép hát, từ kép đẹp tới kép lão, kép độc. Ở vai Đổng Trác, chỉ một tiếng cười thôi Ngọc Giàu cũng lột tả hết được bản chất nhân vật.
Năm 1984, để đem vở diễn Đời cô Lựu đi Paris biểu diễn, đoàn đã tinh giảm nhân sự, yêu cầu Ngọc Giàu một lúc đóng hai vai. Màn trước, Ngọc Giàu vào vai đào mụ, với lối diễn mùi, bẻ giọng tinh tế. Màn sau, Ngọc Giàu lại là cây hài cực phách, bẻ cả tay lẫn tiếng. Trong kịch bản chỉ có một dòng cho nhân vật nhưng Ngọc Giàu đã làm nên sự độc đáo, độc bản. Chỉ Ngọc Giàu mới quái kiệt đến như thế.