“Chị già tuổi 30” ư? Khoa học nói rằng đó mới là tháng năm rực rỡ nhất của phụ nữ
Nghiên cứu về phụ nữ tuổi 30: thời gian lấy đi nhiều thứ nhưng cũng bù đắp cho bạn rất xứng đáng.
Chưa cần đến bộ phim “Chị đẹp mua cơm cho tôi” với cặp đôi chị em Son Ye Jin và Jung Hae In gây sốt màn ảnh nhỏ thì phụ nữ tuổi 30 đã là một đề tài khá “nhạy cảm” với phái đẹp rồi. Có người nói 30 chỉ là những năm 20 nhưng chín chắn hơn, chẳng có gì phải lo. Nhưng cách nói đó cũng ẩn dụ khao khát níu kéo “thời thanh xuân đã qua” còn gì! Liệu phụ nữ 30 có hạnh phúc được không đây, hay cứ phải lo lắng tủi thân suốt vì đã biến thành một “bà chị già”?
Cho những đứa dám chê chị già
Mười năm, rồi lại mười năm
Bạn có nhớ mình đã bước qua tuổi 19 như thế nào không? Những tháng năm ngấp nghé 20 tràn ngập cảm xúc tuổi trẻ không thể nào quên. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu từ trường kinh doanh NYU Stern và ĐH California thì tin rằng, bất kỳ lúc nào độ tuổi có con số hàng đơn vị là 9 thì chúng ta luôn dễ “bùng nổ” cảm xúc.
Khi bạn nhận ra mình sắp bước sang “hàng ba”
Sau mỗi cái “mười năm”, ta lại giật mình tìm kiếm ý nghĩa sống đích thực cho bản thân, cũng như tưởng tượng về một “kỉ nguyên mới” đang mở ra phía trước. Nhưng dẫu có nhiều lần ở ngưỡng 9 như vậy thì đối với phụ nữ, từ 29 qua 30 vẫn là một cột mốc khó quên. Đây là lúc bạn sẽ đưa ra những quyết định quan trọng (và đôi khi kỳ lạ) về nhiều mặt như: nỗ lực trong sự nghiệp, bước qua thành phố lạ, tham gia chạy marathon hay kể cả bắt đầu mối tình mới theo cách mà chính bạn cũng không ngờ tới! Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: Liệu bạn có hạnh phúc? Hãy tìm câu trả lời đến cuối bài viết nhé.
Trước tiên, điều chắc chắn là phụ nữ 30 tìm thấy “đỉnh cao” trong chuyện… chăn gối
Bạn có thể đang chuẩn bị phản đối, một phần là do phim ảnh đã cho chúng ta quá nhiều “quý cô nổi loạn” ở trường đại học hay lúc mới bắt đầu đi làm trong những năm 20. Nhiều người nghĩ đó mới là độ tuổi táo bạo nhất trong chuyện “yêu” của phái nữ. Nhưng không! Nhà tâm lý học David Buss từ trường ĐH Texas đã đưa ra một kết quả thống kê bất ngờ.
Mặt khác, vì phụ nữ sau 30 đã không còn quá phiền lòng về những khuyết điểm nhỏ nhặt trên cơ thể, họ tập trung nhiều hơn về cảm xúc nên cũng dễ đạt đến độ hài lòng, mãn nguyện. Phụ nữ trong độ tuổi 27-45 ở Mỹ được báo cáo là không chỉ nghĩ đến sex nhiều hơn độ tuổi 18-26, mà họ cũng “thực hành” nhiều hơn. Các lần “yêu không hẹn trước” cũng có tần suất tăng lên. Tại sao lại như vậy? Một giả thuyết đưa ra là ở tuổi 30, phụ nữ nghe tiếng “tích tắc đếm ngược” của chiếc đồng hồ sinh học ngày càng rõ ràng. Vậy nên động lực và hành vi trong “chuyện ấy” của họ cũng thay đổi theo chiều hướng tăng lên, như một đóa hoa rực rỡ nhất trước khi phai màu.
Cá tính bước vào giai đoạn ổn định, mối quan hệ bớt mệt mỏi hơn.
Nhà tâm lý học tiên phong của Mỹ vào thế kỉ 20 – William James từ trường ĐH Havard cho rằng sau tuổi 30, cá tính của con người – nhất là phụ nữ – đã định hình chắc chắn “như thạch cao”.
James tin rằng tính cách ở độ tuổi này đã thực sự ổn định sau một thời gian dài bước qua ngưỡng trưởng thành. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng ủng hộ quan điểm của William James. Họ giải thích tính cách được hình thành một phần bởi gene di truyền. Nhưng từ lúc nhỏ đến những năm 20, tính cách có thể thay đổi rất rõ rệt. Một tính cách “bình tĩnh sống” giữ cho bạn không còn cảm thấy bốc hỏa và làm loạn lên nữa. Bạn ít stress vì những thứ nhỏ nhặt, ví dụ như drama trong mối quan hệ. Bạn cảm thấy thoải mái khi là chính mình và để cho đối phương là chính họ. Bạn tự tin về bản thân nên cũng cảm thấy an toàn khi ở bên người mình yêu. Chuyện tình tuổi 30 gắn liền với sự chấp nhận và dung hòa. Nó đã chảy qua thời thác ghềnh ầm ĩ và giờ là một con sông êm ả, mềm mại. Nhưng điều đó cũng biến bạn thành một người tình hoàn hảo hơn.
Dĩ nhiên giai đoạn nào cũng có sóng gió, với tuổi 30 là khủng hoảng “1/4 cuộc đời”
Nếu bạn sống đến 100 tuổi thì 25 là đúng chuẩn 1/4 cuộc đời. Đó cũng là dấu mốc bắt đầu cho một cuộc khủng hoảng mà hầu hết mọi người đều trải qua, kéo dài đến tận những năm 34, 35. Nhiều nhà tâm lý học gọi đó là “quarter-life crisis” – khủng hoảng ¼ cuộc đời. Điều này diễn ra một phần nhờ vào văn hóa đại chúng: quá nhiều tác phẩm đã cho thấy những mối trăn trở vào độ tuổi ngay trước trung niên. Một nguyên nhân khác chính là do tâm lý của chúng ta. Ở tuổi này, ta không ngừng lo lắng và tự đặt câu hỏi khi gặp trắc trở trong công việc hay chuyện tình cảm.
Những con số vô hình liên tục hiện ra trong đầu: Tuổi 26 – trả dứt nợ/có tài sản, 27 – kết hôn, 29 – lên chức, 30 – có con. Dẫu hiện giờ các con số này đã bớt “ám ảnh” hơn nhưng người ta vẫn còn cảm nhận rõ sức nặng của chúng. Các nhà khoa học đã quan sát và dựa vào chính tâm lý chung đó để xây dựng nên 5 bước của cuộc khủng hoảng ¼ cuộc đời như sau:
Bước 1: Cảm thấy “mắc bẫy” bởi những sự lựa chọn của cuộc đời. Cảm thấy đang sống cuộc đời của một kẻ khác, theo kịch bản có sẵn.
Bước 2: “Tôi phải thoát ra khỏi đây” – quyết định “làm chủ” chính mình.
Bước 3: Buông bỏ công việc, mối quan hệ hay thứ gì đó đã khiến bạn quá bế tắc, đánh dấu những trải nghiệm mới trong việc tìm kiếm bản thân
Bước 4: Làm lại cuộc đời, đón nhận thử thách.
Bước 5: Phát triển các cam kết mới phù hợp hơn với sở thích và nguyện vọng bản thân.
Khung thời gian trên do nhà tâm lý học Oliver Robison từ ĐH Greenwich, London đề ra. Ông cũng khuyên mọi người đừng quá lo lắng về khủng hoảng tuổi 30, bởi 80% người tham gia trong cuộc thử nghiệm cho biết họ cảm thấy tích cực khi nhìn lại về giai đoạn này.
Và đây điều quan trọng nhất với phụ nữ 30, hạnh phúc thực sự chỉ mới bắt đầu
Khi bạn đã vượt qua khủng hoảng ¼ cuộc đời, đây chính là lúc tận hưởng niềm hạnh phúc đích thực. Một khảo sát năm 2012 cho biết 70% người Anh từ 40 tuổi trở lên – khi nhìn lại những quãng thời gian đã qua nói rằng họ chưa biết “mùi” hạnh phúc đích thực cho đến khi 33 tuổi. Dĩ nhiên đây là một khảo sát đã khá lâu ở phương Tây, nhưng lời nhận định sau đây rất đáng để bạn tham khảo.
Cô Donna Dawson – một nhà tâm lý học tham gia vào nghiên cứu trên cho biết: “33 năm cuộc đời đủ lâu để chúng ta đánh mất sự ngây thơ trẻ con và những âm mưu rồ dại thời thanh xuân, nhưng vẫn chưa đánh mất năng lượng và bầu nhiệt huyết tươi trẻ. Bạn không còn nhẹ dạ cả tin nữa, nhưng nhận thức thực tế sẽ đi kèm với niềm hi vọng mạnh mẽ, một tinh thần ‘tôi có thể’ và niềm tin có căn cứ vào khả năng của mình”. Nhìn một cách tích cực thì phụ nữ có nhiều thứ để hạnh phúc ở cái tuổi ba-mươi-mấy đấy chứ: thỏa mãn trong “chuyện ấy”, tính cách mạnh mẽ và ổn định hơn, biết mình mất gì và có gì, sẵn sàng tìm kiếm công việc và tình yêu mới bất chấp mọi ý kiến tiêu cực bên ngoài.
Một nghiên cứu khác cũng ở Anh, thực hiện bởi báo HuffPost và công ty nghiên cứu thị trường YouGov cho biết, phụ nữ đạt đến sự cân bằng nhất về công việc – đời sống riêng (work-life balance) là vào năm 34 tuổi. Thu nhập của phái nữ “đến ngưỡng” khi họ 39 tuổi.
“Người đàn bà đẹp” Julia Roberts xưa và nay
Và biết tin gì chưa, theo Telegraph, những người phụ nữ đẹp nhất thế giới có độ tuổi trung bình là 38 (năm 2017) thay vì tuổi 33 vào năm 1990. Khảo sát này dựa trên danh sách những người đẹp nhất thế giới do tạp chí People bình chọn. Đó là nhờ những “người đàn bà đẹp”, biểu tượng nhan sắc vượt thời gian vẫn trụ vững trong danh sách như Sharon Stone, Michelle Pfeiffer hay Julia Roberts. Rốt cuộc thì những con số chỉ là… những con số mà thôi. Có người gắn cho nó những ám ảnh, những dấu mốc “đến tuổi lại… than”! Nhưng cũng không thiếu các bằng chứng khoa học cho thấy mỗi người phụ nữ sẽ đạt đến độ viên mãn nhất theo nhiều khía cạnh khác nhau ở những quãng đời khác nhau. Quan trọng nhất là hãy sống hết mình để dù bạn 20, 30 hay 40 tuổi thì khi nhìn lại mười năm trước, bạn không hề hối hận về những “tháng năm rực rỡ” của ngày xưa.
Nguồn: HuffPost, The Telegraph
ĐẠT LÊ, THEO HELINO