Người dân Australia thắt chặt chi tiêu khi ԍιá cả тăɴԍ cᴀo
Lạm phát tăng cao ở mức kỷ lục đang ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của người dân Australia. Trước thực tế này, chi tiêu của các gia đình được thắt chặt để dành ngân sách cho những khoản chi thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu.
Ngân sách của các gia đình tại Australia đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá cả mọi mặt hàng và dịch vụ liên tục tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Chị Vanessa McDonald, một người mẹ đơn thân sống tại thành phố Sydney, Australia cho biết, trước kia, mỗi tuần chị thường chi 130 AUD để mua thực phẩm song đến nay, số tiền này đã lên đến 280 AUD trong khi lượng hàng hóa chị mua không được nhiều như trước kia.
“Rõ ràng là lạm phát ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống. Giá rau quả tăng. Tôi phải giảm chi tiêu rất nhiều, không mua nhiều thịt nữa vì đắt đỏ quá. Thật sự là rất khó khăn. Các kỳ nghỉ, ăn ở ngoài, các hoạt động bên ngoài trường học cho trẻ cũng bị cắt giảm. Tôi phải cắt giảm mọi thứ” – chị Vanessa McDonald nói.
Chị Vanessa McDonald đang gặp nhiều khó khăn khi giá cả sinh hoạt tăng cao tại Sydney.
Chị Vanessa McDonald không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều gia đình tại Australia cũng ở trong tình trạng tương tự khi giá cả các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày đều tăng mạnh và điều này được thể hiện rõ qua chỉ số lạm phát vừa đạt kỷ lục mới là 6,1%. Trong đó, đáng lưu ý là mặt hàng rau quả, thực phẩm tăng 7,3% trong quý 2 năm 2022 vừa qua song trước đó đã tăng tới 14,6% trong năm qua. Giá xăng dầu cũng tăng 4,2% sau khi tăng 11% vào quý 1 năm 2022. Ngay cả các mặt hàng thực phẩm cơ bản như trứng, sữa, bánh mì, tiền điện, tiền gas cũng đều gia tăng.
Nguyên nhân của việc giá cả tăng là do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự thiếu hụt lao động tại Australia và lụt lội liên tiếp diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng của nước này khiến cho hàng hóa khan hiếm, việc vận chuyển trở nên khó khăn và đắt đỏ.
Trước thực trạng này, đa số các gia đình đều phải cắt giảm các khoản chi không thiết yếu như mua sắm quần áo, giày dép, ăn uống ở bên ngoài, đi chơi, đi xem phim với bạn bè và ngay cả việc đi lại.
Ớt chuông là một trong những mặt hàng rau tăng giá mạnh trong những ngày qua.
Từ ngày giá cả liên tục leo thang, anh Arshad Ahmed và gia đình không chỉ giảm số lượng hàng hóa tiêu dùng hàng tháng mà còn hình thành một thói quen đó là kiểm tra, so sánh giá cả hàng hóa trên mạng để tìm chỗ bán giá rẻ nhất, không chỉ với xăng mà với cả hàng hóa tiêu dùng hàng ngày gia đình anh cũng đều so sánh như vậy để hạn chế chi tiêu.
“Hàng hóa ngày càng trở nên đắt đỏ. Giá cả rau quả cũng tăng rất nhiều. Điều đó có nghĩa là mọi người cần quản lý ngân sách chặt chẽ hơn, cần phải để ý đến việc mua gì, mua bao nhiêu. Trước khi đi siêu thị thì nên mở ứng dụng uinprice để có thể so sánh giá cả xem chỗ nào giá tốt hơn cũng như tương tự với xăng, tôi cũng phải so sánh để tiết kiệm chi tiêu” – anh Arshad Ahmed chia sẻ.
Lạm phát tại Australia hiện đang ở mức kỷ lục song từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng và có thể lên tới 7,75% vào cuối năm nay. Vì thế giá cả sinh hoạt cũng sẽ vẫn tiếp tục leo thang mà chưa thể dừng lại. Người dân Australia đang cố gắng thắt chặt chi tiêu để tồn tại trong giai đoạn khó khăn song nhiều người như anh Arshad Ahmed chỉ mong tình trạng này sẽ nhanh chóng đi qua để cuộc sống được trở lại như trước kia.
“Việc phải cắt giảm các chi phí không phải là dễ dàng song điều này không phải là không thể, tuy vậy tôi vẫn hy vọng là nó sẽ không kéo dài quá lâu” – anh Arshad Ahmed nói./.
(VOV)