Thách thức nào hàng không bay quốc tế trong mùa dịch Covid-19?
Ngành Hàng không – một lĩnh vực đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 dù hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra. Bởi vậy, nếu việc “mở cửa” bầu trời hàng không quốc tế không đồng bộ, thống nhất thì sẽ rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra. Do đó, sự thận trọng là cần thiết song cũng không được bỏ qua cơ hội trong bối cảnh đất nước vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Mở lại đường bay quốc tế là nhu cầu phát triển
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 diễn ra vào sáng 02/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian tới không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.
Ngày 25/9, những hành khách trên chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên của ngành Hàng không Việt Nam về đến Việt Nam sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
Về việc mở lại các đường bay quốc tế, Thủ tướng cho biết đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.
Liên quan đến việc tiếp tục mở rộng các chuyến bay quốc tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam tới các nước. Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam. Với chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với nhà chức trách hàng không của các nước. Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế) về việc mở lại các đường bay này.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc mở các đường bay sẽ theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên. Các nước được ưu tiên sẽ là các địa bàn kiểm soát dịch tốt, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia… để có thể trao đổi các chuyến bay trên cơ sở kiểm soát dịch tốt. Hiện tại, với các địa bàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Bộ GTVT có đưa ra phương án 1 – 2 chuyến bay/tuần, có sự thống nhất giữa các bộ, ngành đối với quy định về các đối tượng được bay, cách kiểm dịch cũng như cách ly giao về địa phương.
Theo sự phân công, Bộ GTVT có nhiệm vụ trao đổi với các nhà chức trách hàng không để kết nối các chuyến bay cũng như thảo luận hướng bay, hệ thống kiểm dịch của các chuyến bay đến – đi… Đối với một số vướng mắc nhất định hiện nay, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn lại việc cách ly vì hiện nay tần suất 1 – 2 chuyến/tuần đang là tương đối lớn đối với khả năng cách ly cũng như thống nhất về chi phí cách ly của các đơn vị lưu trú tại địa phương.
Như vậy, có thể thấy việc mở thành công các chuyến bay quốc tế đầu tiên sẽ là tiền đề để mở các chuyến bay tiếp theo cũng như thống nhất cách bay, công tác cách ly trong thời gian tới.
Thận trọng nhưng không được bỏ qua cơ hội
TS. Lương Hoài Nam – chuyên gia hàng không cho rằng, thận trọng có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội, thiếu những sự sáng tạo cũng như trách nhiệm xúc tiến công việc để tạo ra cơ hội trong bối cảnh hiện nay. Nếu chúng ta không tiếp cận lối du lịch theo khối du lịch an toàn trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương thì không khu vực nào trên thế giới hiện nay có thể mở cửa hàng không được.
Đối với những thách thức của ngành Hàng không hiện nay, PGS. TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng phối hợp ban hành nguyên tắc, quy trình kiểm soát phòng chống dịch song phương, đa phương để đón khách quốc tế, khôi phục hàng không, du lịch và phục hồi kinh tế. Điều này đòi hỏi trách nhiệm từ các bộ ngành, nhất là Bộ Y tế.
Theo đó, Bộ Y tế cần ra những quy định chặt chẽ để bảo vệ an toàn cho hành khách trong nước; sẵn sàng cả hai phía như tổ chức cách ly thế nào, các điều kiện xét nghiệm ra sao, sự cố xảy ra thì chữa bệnh như thế nào để huy động nguồn lực. Còn những bộ, ngành liên quan có tính chất phối hợp cần tăng tính an toàn. Bộ Y tế có đủ điều kiện để ra quyết định một cách tích cực nhất.
Nhấn mạnh vai trò của giao thương quốc tế đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, PGS. TS Trần Hữu Tuấn – Trưởng khoa Du lịch, Đại học Huế cho rằng, mở cửa đường bay quốc tế sẽ nâng cao hình ảnh Việt Nam về khả năng ứng phó với dịch bệnh, tạo điều kiện sớm cho du lịch phục hồi. Đây là cơ hội để phục hồi ngành Du lịch nói riêng, ngành Hàng không và nền kinh tế nói chung. Mặt khác, điều này thể hiện Việt Nam là một trong số điểm đến an toàn mở cửa đón khách quốc tế trong giai đoạn hiện nay trong khi nhiều quốc gia đang phải gồng mình chống dịch.
Nguồn: tapchigiaothong.vn