ɴԍuʏ cơ hình thành cuộc κнủɴԍ нoảɴԍ lương thực tại Australia

Đang có một cuộc khủng hoảng về giá, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống, diễn ra tại Australia, gây khó khăn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào đầu tuần này, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC tại Australia đã thông báo sẽ thay thế rau xà lách bằng “hỗn hợp rau xà lách trộn với bắp cải” dùng trong các sản phẩm của công ty.

Lý do mà “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh đưa ra là hiện có “sự gián đoạn chuỗi cung ứng rau xà lách, do ảnh hưởng của lũ lụt tại bang Queensland và bang New South Wales trong thời gian gần đây”, gây tàn phá mùa màng ở những bang đó.

Thông báo của KFC lập tức trở thành chủ đề thảo luận trên các diễn đàn, báo chí và các kênh truyền thông. Nhiều người, bao gồm cả các quan chức của Australia, đã lên tiếng chỉ trích, coi đó là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, đang có một cuộc khủng hoảng về giá, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống, diễn ra tại Australia, gây khó khăn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.

Giá rau, củ, quả tăng cao đột biến

Thời tiết khắc nghiệt với các trận mưa lũ kéo dài tại hai bang Queensland, New South Wales đã gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động trồng trọt của các trang trại. Bên cạnh đó, với giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao, do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu thế giới, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp tươi sống tại “xứ chuột túi” đang ghi nhận mức tăng đột biến.

Tại siêu thị Woolworth, một trong hai chuỗi siêu thị lớn nhất của Australia, giá bán của một cây rau xà lách cuộn giòn đã tăng 6 lần, từ mức 2 AUD/cây lên đến 12 AUD/cây. Siêu thị này, vào tuần trước, đã phải phát đi thông báo cho biết thời tiết khắc nghiệt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến cho các kệ hàng rau củ quả của siêu thị có thể xuất hiện tình trạng không còn hàng để bán.

Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực trái cây và rau quả của Woolworth, Paul Turner, chia sẻ siêu thị đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp các loại rau xanh, quả mọng và một số loại cà chua. Ông Turner thừa nhận tình trạng thiếu hụt thực phẩm xanh có thể diễn ra trong nhiều tuần nữa. Tương tự, chuỗi siêu thị giá rẻ Aldi cũng thừa nhận họ đang phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung nông sản tươi, sau các trận mưa lớn diễn ra gần đây tại một số địa phương của Australia.

Phát ngôn viên của Aldi, Adrian Christie, cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để mang trái cây và rau quả Australia chất lượng tốt nhất đến các siêu thị của mình, đồng thời tiếp tục hỗ trợ người nông dân vượt qua các thử thách”. Tuy nhiên, mùa trồng trọt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão lũ và mưa đá, do đó “một số sản phẩm có thể trông hơi khác một chút về hình thức bên ngoài.”

Giám đốc điều hành của Coles, chuỗi siêu thị cạnh tranh trực tiếp với Woolworth, Steven Cain, tiết lộ các nhà cung cấp nông sản đang yêu cầu tăng giá rất lớn, để bù đắp chi phí tăng cao do các yếu tố địa phương và quốc tế gây ra.

Tại Diễn đàn Thực phẩm Toàn cầu của Australia, tổ chức từ ngày 1/6, ông Cain cho biết, Coles đã “nhận được số lượng yêu cầu tăng giá bán sản phẩm nhiều gấp 5 lần so với năm ngoái và chúng không phải là một số tiền nhỏ”. Ông nói các yêu cầu không chỉ là tăng 2% hay 3%, mà là lớn hơn đáng kể. Đây là một khó khăn mà Coles phải đối mặt, trong việc làm thế nào để cân bằng được giữa giá nhập hàng và giá bán ra cho người tiêu dùng.

Dữ liệu từ ngân hàng đầu tư UBS cho thấy, trong quý I/2022, gã khổng lồ bán lẻ Woolworths đã tăng 4,3% giá thực phẩm, trong khi Coles tăng 3,2%. Để không làm khách hàng cảm thấy bị chi tiêu nhiều hơn hay tốn tiền hơn cho các loại hàng hóa thực phẩm tiêu dùng hàng ngày, nhiều cửa hàng và siêu thị thực phẩm nhỏ lẻ đã tìm cách đóng gói thực phẩm nông sản đã qua sơ chế hay lựa chọn bó các mớ rau tươi với kích cỡ nhỏ hơn, nhằm giảm tổng giá niêm yết của sản phẩm ở mức tương đương trước kia.

Tác động của biến đối khí hậu

Theo Cơ quan Thống kê Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên Australia (ABARES), “cú sốc” tăng giá rau củ và trái cây của Australia hiện nay chủ yếu là do các hiện tượng khí hậu như lũ lụt.

ABARES đánh giá tình trạng thiếu hụt nông sản tươi sống của Australia sẽ còn trở nên trầm trọng hơn, bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Thêm vào đó, nước này còn đang gặp tình trạng thiếu hụt lao động và khả năng tiếp cận nguồn máy móc công nghệ nhập khẩu dùng trong nông nghiệp bị hạn chế.

Báo cáo triển vọng thị trường hàng quý do ABARES phát hành ngày 7/6 nêu rõ: “Do tính chất khó bảo quản dài ngày, giá trái cây và rau quả rất nhạy cảm với những cú sốc từ phía nguồn cung như lũ lụt. Trong thời gian bình thường, giá rau quả có xu hướng phục hồi tương đối nhanh và trở lại bình thường khi sản xuất ở các khu vực khác có sẵn, để lấp đầy thiếu hụt trong nguồn cung. Nhưng giai đoạn năm 2022-2023, hầu như mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng đều phải đối mặt với áp lực lạm phát”.

Tổ chức Nông dân Hành động vì Khí hậu của Australia khẳng định người tiêu dùng “xứ chuột túi” sẽ phải đối mặt với giá lương thực cao hơn và tình trạng thiếu lương thực thường xuyên hơn, do tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Báo cáo của tổ chức này cho biết: “Một số tác động đã được cảm nhận. Trong hai tháng đầu năm 2022, phần lớn miền Trung và miền Bắc của Australia đã trải qua tình trạng thiếu lương thực, do tác động tổng hợp của lũ lụt và đại dịch COVID-19”. Vấn đề không phải là thiếu thực phẩm, Australia có rất nhiều trang trại vẫn đang hoạt động rất tốt và lượng thực phẩm tồn kho phong phú. “Lỗ hổng” hiện nay chính là sự gián đoạn chuỗi cung ứng cần thiết cho việc phân phối các sản phẩm nông sản tươi.

Báo cáo do nhà kinh tế học, đồng thời là cựu Phó Thư ký Bộ Tài chính Australia, Stephen Bartos thực hiện. Trong báo cáo, chuyên gia Bartos nêu chi tiết về tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, khẳng định đây là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ thiếu lương thực và đẩy giá lương thực lên cao hơn tại Australia.

Những tác động được dự báo của biến đổi khí hậu đối với Australia, bao gồm tần suất gia tăng của hạn hán, cháy rừng và lũ lụt, có thể khiến các vùng sản xuất nông nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Báo cáo viết: “Một số nông dân đã phải bán và chuyển trang trại sang các khu vực có lượng mưa thấp hơn. Điều này làm nảy sinh vấn đề tài sản bị mắc kẹt, vì các nhà đóng gói và nhà chế biến thường được thiết lập ở các khu vực cụ thể, gần với các trang trại trồng trọt sản phẩm cung ứng cho nhà máy. Ví dụ như nhà máy chế biến sữa “.

Thông qua báo cáo, ABARES kêu gọi các chính phủ liên bang và tiểu bang cần tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cải thiện sự nóng lên của toàn cầu và đầu tư vào việc cải thiện khả năng phục hồi của ngành nông nghiệp Australia.

Các yếu tố toàn cầu gây ảnh hưởng

Bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, một số yếu tố khác, ảnh hưởng từ quốc tế, cũng đang gây tác động mạnh mẽ đến giá nông sản tươi của Australia.

Giáo sư Kadambot Siddique, Giám đốc Viện Nông nghiệp của Đại học Tây Australia, cho biết an ninh lương thực toàn cầu vốn đã bị suy yếu bởi đại dịch COVID-19, giờ đây càng trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.

Giáo sư nói mặc dù Australia dự báo sẽ có một mùa vụ lúa mỳ “bội thu” trong năm nay, nhưng một số yếu tố địa phương và quốc tế, bao gồm biến đổi khí hậu, nguồn cung ứng sản phẩm và các vấn đề hậu cần, cùng với xung đột địa chính trị, đã đẩy giá lương thực ở Australia lên cao. Về yếu tố nội địa, Giáo sư cho rằng ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, các trang trại của Australia đang thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt là lao động thời vụ để hái trái cây và rau quả.

Về yếu tố ngoại lai, Australia là nước xuất khẩu thực phẩm ròng. Điều đó có nghĩa là nước này sản xuất “đủ lương thực” để nuôi sống 25 triệu người dân trong nước, đồng thời cũng có khả năng cung cấp cho khoảng 40 đến 60 triệu người bên ngoài Australia. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến Australia, vì quốc gia lớn nhất châu Đại dương nhập khẩu rất nhiều phân bón và các hóa chất khác được sử dụng trong canh tác, như thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm.

Giáo sư Siddique nói: “Nhìn chung, chúng ta đang chứng kiến sự tăng giá đáng kể trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Australia, và đặc biệt đối với trái cây tươi, rau quả…”.

Tiến sỹ Kimberley Reis, nhà nghiên cứu chuyên về lập kế hoạch dự phòng lương thực địa phương tại Đại học Griffith bang Queensland, chung nhận định “tình trạng bất lợi về lương thực” đang gia tăng ở Australia, một phần đến từ chính cuộc xung đột Nga- Ukraine.

Tiến sỹ Reis nói: “Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý rằng tiền lương của người lao động tại Austrakia hiện không theo kịp với chi phí sinh hoạt thực tế và lạm phát. Tất cả những yếu tố này giao nhau, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn”./.

(bnews)