1 nông sản chủ lực của Việt Nam thành hàng ‘hot’, thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nhất 20 năm qua

Hơn 3,5 tỷ người trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng thiếu gạo nặng nhất 20 năm qua.

1 nông sản chủ lực của Việt Nam thành hàng ‘hot’, thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nhất 20 năm qua - Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho biết từ Trung Quốc đến Mỹ và Châu Âu, sản lượng gạo đang liên tục giảm khiến giá nông sản này tăng vọt, gây ảnh hưởng đến hơn 3,5 tỷ người dân trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Á Thái Bình Dương, nơi tiêu thụ đến 90% gạo toàn cầu.

Báo cáo của Fitch Solutions thì cho thấy cuộc khủng hoảng thiếu gạo năm 2023 là nặng nề nhất trong hơn 20 năm qua, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến những nước nhập khẩu gạo chính trên thế giới. Dự đoán của Fitch cho thấy giá gạo sẽ giữ ở mức cao từ nay cho đến tận năm 2024.

Số liệu của tổ chức này cho thấy giá gạo bình quân trên toàn cầu từ đầu năm đến nay hiện ở mức 17,3 USD/CWT (tương đương 100 ,4kg). Bước sang năm 2024, con số này sẽ chỉ giảm nhẹ xuống 14,5 USD/CWT.

“Với việc lúa gạo là thực phẩm chính của nhiều thị trường Châu Á, việc giá gạo cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến tình hình lạm phát cũng như an ninh lương thực, nhất là tại các quốc gia nghèo”, chuyên gia phân tích Charles Hart của Fitch cảnh báo.

1 nông sản chủ lực của Việt Nam thành hàng ‘hot’, thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nhất 20 năm qua - Ảnh 2.

Cũng theo Fitch, tổng lượng gạo bị thiếu so với nhu cầu trong năm tài khóa 2022-2023 là vào khoảng 8,7 triệu tấn. Đây là mức thiếu hụt nặng nhất kể từ năm tài khóa 2003-2004. Tại thời điểm đó, thế giới bị thiếu hụt đến 18,6 triệu tấn gạo.

Thiếu cung

Hãng tin CNBC nhận định cuộc xung đột Ukraine cũng như tình hình thời tiết xấu cho canh tác tại Trung Quốc và Pakistan đã ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo trên toàn cầu.

Vào nửa cuối năm 2022, tình hình lũ lụt và mưa lớn tại Trung Quốc, nước sản xuất gạo lớn nhất toàn cầu, đã khiến sản lượng tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Số liệu của Gro Intelligence cho thấy tình hình mưa lũ tại các vựa lúa của Trung Quốc như Guangxi, Guangdong được đánh giá là nặng nề nhất trong hơn 20 năm qua.

Trong khi đó tại Pakistan, nước chiếm 7,6% thị phần giao dịch lúa gạo toàn cầu, lại đang chứng kiến sản lượng hàng năm giảm tới 31% so với cùng kỳ năm trước chỉ vì lũ lụt vào năm 2022. Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá tình hình thiệt hại vì lũ lụt tại Pakistan nghiêm trọng hơn so với dự đoán.

Nhiều nghiên cứu đã từng cảnh báo cây lúa là loài cây trồng dễ chịu tổn thương và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời kỳ El Nino.

1 nông sản chủ lực của Việt Nam thành hàng ‘hot’, thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nhất 20 năm qua - Ảnh 3.

Ngoài việc thiếu cung, tình hình lúa gạo trở thành lương thực thay thế cho các nông sản tăng giá như lúa mỳ vì xung đột Ukraine càng đẩy nhu cầu tăng cao và đưa giá ngũ cốc này đi lên.

Ai chịu thiệt?

Chuyên gia phân tích Oscar Tjakra của ngân hàng Rabobank nhận định những quốc gia nhập khẩu gạo chính như Indonesia, Philippines, Malaysia và khu vực Châu Phi sẽ chịu thiệt hại nặng nhất do tình hình thiếu gạo năm 2023.

Đồng quan điểm, chuyên gia Kelly Goughary của Gro Intelligence cũng cho rằng các nước sẽ phải sử dụng đến kho lương thực dự trữ của mình nếu tình hình thiếu gạo trở nên ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở các thị trường như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria.

Ngoài ra, việc Mỹ và Châu Âu hạ sản lượng lúa gạo trong khi Ấn Độ siết chặt xuất khẩu nông sản này cũng ảnh hưởng đến tình hình nói chung hiện nay.

Kể từ tháng 9/2022, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm.

(Soha)