13 cách chăm bé sơ sinh mẹ nào cũng áp dụng, còn bác sĩ lắc đầu nguầy nguậy
Dưới đây là những mẹo chăm con sơ sinh mà nhiều ông bà, bố mẹ vẫn áp dụng trong khi bác sĩ khuyến cáo cần phải bỏ ngay.
Nhiều mẹ đầu tư thời gian công sức để chuẩn bị chào đón con ra đời, nhưng lại mắc một số sai lầm trong việc chăm bé khiến con gặp các vấn đề về sức khỏe.
Chị Liên (nhân vật được đổi tên) mới sinh con đầu lòng. Từ khi mang thai chị chăm chỉ tham gia các diễn đàn, hội nhóm làm mẹ để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh. Chị cũng được bố mẹ hai bên truyền cho nhiều bí kíp chăm con, thành ra rất tự tin khi bước vào hành trình làm mẹ.
Nghe mẹ chồng hướng dẫn lấy mật ong rơ lưỡi cho em bé, chị làm theo. Cho đến khi con có dấu hiệu bỏ bú, quấy khóc, da nổi mẩn chị đưa bé đi bác sĩ thì mới biết con bị ngộ độc mật ong. Cũng may là lượng mật chị dùng cho bé không nhiều nên con chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng làm cả gia đình chị một phen hốt hoảng.
Không chỉ mình chị Liên, có nhiều mẹ cũng áp dụng những cách chăm con sơ sinh sai lầm và người gánh hậu quả không ai khác là chính đứa con mà mẹ cưng như cưng trứng. Nhiều mẹ còn cho rằng, cũng những điều này, mẹo này, ông bà đã chăm con biết bao đời, đâu có bé nào bị làm sao nên cứ vậy vô tư làm theo. Tuy nhiên, cũng có không ít mẹ biết sự nguy hại của những quan niệm sai lầm này nhưng vì không thể “thắng” nổi lý lẽ của mẹ chồng sau những cuộc xung đột triền miên về vấn đề chăm con nên đành phải thuận theo ý ông bà.
Dưới đây là những mẹo chăm con sơ sinh mà nhiều ông bà, bố mẹ vẫn áp dụng trong khi bác sĩ khuyến cáo cần phải bỏ ngay.
1/ Rơ lưỡi cho bé bằng mật ong
Theo quan niệm của các cụ, nhiều mẹ vẫn dùng mật ong rơ lưỡi cho con mà không biết bé có thể bị ngộ độc, thậm chí t.ử vong. Độc tố clostridium botulinum trong mật ong tuy không nguy hại với người lớn nhưng vô cùng nguy hiểm cho trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí có thể gây t.ử vong.
2/ Cắt tóc máu cho con
Nhiều bố mẹ cho rằng trẻ sơ sinh phải cắt tóc máu để tóc mọc dày hơn. Nhưng đây lại là việc làm không cần thiết. Việc cắt tóc máu, cạo đầu bé có thể làm ảnh hưởng đến da đầu còn non nớt của con cũng như làm mất đi lớp bảo vệ của vùng thóp khi thóp bé còn chưa đóng.
3/ Quấn khăn cho con quá chặt
Cho rằng nếu quấn khăn không chặt, con có thể bị giật mình và chân bị cong queo khi lớn lên nên nhiều bà nhiều mẹ cố quấn khăn cho con thật chặt. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhi khoa, việc quấn khăn quá chặt cho bé có thể khiến con bị loạn sản hông và tăng nguy cơ đột tử sơ sinh. Do đó, mẹ chỉ cần quấn khăn theo đúng kỹ thuật sao cho con thoải mái nhất hoặc nếu bé không hay giật mình khi ngủ thì không cần quấn khăn cho con, chỉ cần mặc đủ ấm cho bé là đủ.
4/ Nhiệt độ trong phòng con phải ấm thật ấm
Cho rằng nhiệt độ phòng con càng ấm càng tốt, nhiều mẹ tắt máy lạnh lại còn mặc cho bé 2, 3 lớp áo. Như vậy vừa khiến con khó thở vừa khiến bé dễ bị đổ mồi hôi và thấm ngược trở lại vào phổi gây nhiễm lạnh.
5/ Chèn gối xung quanh cho bé khỏi giật mình khi ngủ
Nhiều bà nhiều mẹ thường chèn gối xung quanh giường hay nôi của bé với lý do đê con đỡ giật mình và không lăn ra ngoài vùng nguy hiểm. Tuy nhiên đã từng có trường hợp bé đột t.ử khi ngủ do bị gối chèn lên mặt gây ngạt thở.
6/ Đắp chăn cho bé vì sợ con bị lạnh
Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, nếu sợ bé bị lạnh, bố mẹ có thể mặc thêm áo cho con nhưng tuyệt đối không đắp chăn cho bé, vì khi ngủ bé có thể vung tay, đạp chân và chăn có thể chèn lên mặt làm bé bị ngạt,
7/ Cho con nằm sấp
Nhiều mẹ cho con nằm sấp hoặc không sửa tư thế ngủ cho bé khi thấy con nằm sấp mà không biết điều này vô cùng nguy hiểm. Ngủ sấp có thể khiến bé bị tắc nghẽn đường thở, Nằm sấp cũng khiến bé bị nóng, gây áp lực lên cơ hoành, bụng và ngực. Các bác sĩ nhi khoa cho biết, nằm ngửa là tư thế tốt nhất cho con nhằm phòng tránh nguy cơ sơ sinh.
8/ Cho con ăn dặm quá sớm
Nhiều bố mẹ tưởng rằng cho bé ăn dặm sớm thì con sẽ cứng cáp nhanh biết đi, do đó ngay khi bé được 4, 5 tháng tuổi đã cho bé ăn dặm. Theo bác sĩ, việc cho con ăn dặm cần thực hiện đúng thời điểm, ngay khi bé tròn 6 tháng tuổi. Cho bé ăn dặm quá sớm trước thời điểm khuyến cáo có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non yếu của con. Ngược lại, cho bé ăn dặm quá muộn thì con không đủ dinh dưỡng để phát triển. Cả hai sai lầm này đều dẫn đến tình trạng bé bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não và thể chất.
9/ Thoa phấn rôm cho trẻ khi con có vấn đề về da
Thấy bé bị hăm, nổi mẩn, nhiều mẹ thoa phấn rôm thật nhiều với hy vọng tình trạng của bé sẽ thuyên giảm, vô tình gây bít lỗ chân lông, khiến con bị dị ứng, rôm sảy ngày càng nặng.
10/ Không tắm cho con
Một số mẹ cho rằng, trẻ sơ sinh thì không cần tắm mỗi ngày. Đặc biệt, khi bé bị bệnh, những ngày trời lạnh, nhiều mẹ còn ủ ấm mà không tắm bé. Điều này dễ khiến con mắc các bệnh về da như dị ứng, nổi mẩn… chưa kể việc không được vệ sinh sạch sẽ khiến bé dễ bị nhiễm khuẩn.
11/ Ủ ấm cho con khi bé bị sốt
Khi con bị sốt, nhiều bố mẹ vẫn mặc thêm áo ấm cho bé vì lo rằng con bị lạnh. Điều này có thể khiến con sốt cao hơn, gây co giật. Ngoài ra khi bé sốt cũng không nên chườm lạnh như cách mà nhiều phụ huynh vẫn làm vì nó có thể làm co mạch và bít lỗ thoát nhiệt dưới chân lông khiến bé sốt cao hơn.
12/ Cho con uống nước lọc
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn không cần uống thêm nước lọc. Tuy nhiên, nhiều bà nhiều mẹ vẫn cho bé uống thêm nước vì sợ con khát. Điều này có thể gây nguy hiểm cho bé, khiến con bị ngộ độc
13/ Nêm mắm muối vào thức ăn dặm của bé
Bé sơ sinh cần muối nhưng lượng muối này rất ít và chỉ cần cho bé ăn rau củ, trái cây là đã đủ cung cấp lượng natri cần thiết cho bé. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sợ con nhạt miệng nên luôn nêm thêm mắm, muối vào thức ăn dặm của bé dưới 1 tuổi. Điều này làm ảnh hưởng đến thận bé khi phải chịu quá nhiều áp lực, dẫn đến suy thận.
Theo WTT