15 tuổi rời bản xuống phố và bước ngoặt giúp người phụ nữ Tày thay đổi cuộc đời

Sinh ra và lớn lên trong một bản làng nhỏ ở Lào Cai, nhưng nhờ sự mạnh mẽ, độc lập, cô gái Tày năm nào giờ đây có cuộc sống như mơ giữa trời Âu.

Rời bản làng với hành trang 10kg gạo và hành trình thay đổi cuộc đời

Hành trình tìm kiếm cho mình một con đường đi, hướng đến cuộc sống mới tươi sáng hơn của cô gái Tày năm ấy là một hành trình lâu dài và bền bỉ, không ít chông gai nhưng cũng là hành trình của niềm tin, hạnh phúc.

Vốn sinh ra, lớn lên ở một bản làng nhỏ tại Lào Cai, chị Ly David Thi Quang (39 tuổi, người dân tộc Tày, hiện đang sống và làm việc tại Pháp) luôn khao khát được học, được mở mang kiến thức vì sợ không biết chữ, sợ cái nghèo đeo bám.

Ngày ấy, hành trình kiếm con chữ của chị vô cùng vất vả, gian nan. Nhưng chị quyết không bỏ trường, bỏ lớp mà luôn nỗ lực học tập.

Cô gái Tày năm nào luôn tự hỏi, tại sao những người phụ nữ Tày cứ phải lên nương, lên rẫy, hay ở nhà trồng bông, dệt vải rồi lấy chồng?

15 tuổi rời bản làng về thành phố với hành trang 10kg gạo và bước ngoặt giúp người phụ nữ Tày thay đổi cuộc đời - Ảnh 1.

Chị Ly David Thi Quang là người phụ nữ Tày, quê ở một bản làng nhỏ trên vùng núi Lào Cai

Với mong muốn thoát nghèo, chống nạn tảo hôn, mới 15 tuổi, cô gái Tày năm ấy có một quyết định táo bạo, liều lĩnh: Một mình về Hà Nội học tập, làm việc, với hành trang là 300.000 đồng, 10kg gạo và 4 bộ áo quần.

“Từ nhỏ, mọi người con gái trong bản mình đều học hết lớp 9 xong sẽ ở nhà trồng bông, dệt vải làm chăn đệm, sau đó lấy chồng.

Mình luôn muốn thoát khỏi cuộc sống ấy. Ngày đó, ông nội có cái đài cát-xét, công nghệ đỉnh cao của những năm 1987-1988. Mình đã được cùng ông nghe nhạc, đọc truyện, tin tức thời báo và cả học tiếng Trung Quốc trên đài.

Lớn lên nhờ công nghệ “đỉnh cao” của chiếc đài, mình nhen nhóm ước mơ vượt ra khỏi dãy núi chắn mặt trời kia. Mình rất muốn biết sau rặng núi ấy thế giới có gì thú vị.” – Chị Ly nhớ lại.

Học hết cấp 3 nhưng chưa từng được biết đến chiếc máy tính, đến tivi, thế giới bên ngoài bản làng kia. Ấy vậy mà, cô gái Tày năm ấy vẫn tự tin, một thân một mình xuống Hà Nội.

Về thành phố, chị được tiếp cận với Internet, thế giới mạng. Từ đây, một thế giới mới, hoàn toàn khác biệt, hiện đại, văn minh mở ra trước mắt cô gái trẻ mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ.

Chị Ly David Thi Quang vừa đi làm, vừa tiết kiệm tiền để vào các quán Internet. Chị bắt đầu lên mạng, mày mò tự học ngoại ngữ, tìm kiếm những thông tin, kiến thức mình đang thiếu.

Từ tìm kiếm bạn bè, mở rộng các mối quan hệ, học ngoại ngữ, tin học… mọi việc đều diễn ra trên thế giới ảo. Mạng ảo, nhưng thành quả nhận được lại hoàn toàn có thật.

15 tuổi rời bản làng về thành phố với hành trang 10kg gạo và bước ngoặt giúp người phụ nữ Tày thay đổi cuộc đời - Ảnh 2.

Chính sự tự tin, mạnh mẽ, ham học hỏi đã giúp cô gái Tày năm xưa thay đổi cuộc đời

Người phụ nữ Tày nhớ lại: “Đó là năm 2001, mình bắt đầu bước chân vào thế giới công nghệ. Bạn bè cùng chơi ngày ấy dị nghị chuyện mình nghiền dùng internet. Nhưng mình đã tuyên bố: Tớ thích internet và sẽ tìm thấy những gì mình muốn ở đó.

Bố mình từng bán cây mít già để mua cho con gái chiếc xe đạp, chị họ và các bạn của chị ấy cho ở nhờ căn phòng để trống trên tòa nhà văn phòng của họ suốt năm đầu học chuyên nghiệp. 

Dù khó khăn vất vả, nhưng mình quyết tâm học hành để không phụ công mẹ và ông bà mong đợi.”

Nhờ kiên trì mày mò, tự học 100%, chị Ly giành được chứng chỉ giao tiếp tiếng Anh thành thạo, phát âm chuẩn giọng Mỹ.

Hiện nay, chị giao tiếp được 7 ngôn ngữ, trong đó 5 thứ tiếng là nhờ tự học trên Internet. Chị cũng trở nên tự tin, hoạt bát hơn và có nhiều mối quan hệ “chất lượng”.

Gặp được anh chồng ngoại quốc như ý nhờ Internet

Người phụ nữ quê Lào Cai chia sẻ, chính công nghệ đã mở ra cho chị một chân trời mới. Không chỉ tích lũy kiến thức, vốn ngoại ngữ qua mạng, chị cũng tìm luôn được cả một… anh chồng như ý trên Internet.

Được biết, chồng chị Ly là một chuyên gia IT người Pháp. Hiện anh đang làm công việc quản lý công nghệ thông tin tại vùng Polynesia French, cho một tập đoàn đa quốc gia.

Năm ấy, cảm thấy mình vốn chưa giỏi công nghệ một cách bài bản, chị quyết định làm quen với một chàng trai am hiểu công nghệ.

Kết quả, chị gặp gỡ một chàng trai người Pháp. Ban đầu, họ chỉ nói chuyện, tâm sự qua mạng. Nhưng dường như đã được “định mệnh sắp đặt”, vượt qua khoảng cách địa lý hơn 15.000km, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, họ vẫn gắn bó với nhau bền chặt suốt hơn 10 năm qua.

15 tuổi rời bản làng về thành phố với hành trang 10kg gạo và bước ngoặt giúp người phụ nữ Tày thay đổi cuộc đời - Ảnh 3.

Chị Ly và chồng quen nhau từ một lớp dạy dạy tiếng Việt online do chị đứng lớp, còn anh là học viên

Chị Ly David Thi Quang nhớ lại cơ duyên đưa chị đến với người bạn đời đến từ nước Pháp xa xôi:

“Mình từng là một cô gái có trách nhiệm với bản thân và khá kỹ tính, nên khi đi học không yêu ai, ra trường đi làm công việc ổn định mới yêu. Nhưng trải qua hơn 7 năm yêu đương thì mình và bạn trai chia tay. 

Sau chuyện tình cảm dang dở, mình cũng có hẹn hò thêm một vài người. Nhưng lúc này khó tính hơn thì phải. 

Nói chuyện hoặc mời tới nhà ăn cơm, mình đều để ý xem đối phương có biết xắn tay dọn mâm, giúp đỡ, chia sẻ việc vặt trong nhà? Có biết tôn trọng công việc của mình? Hoặc nếu có thái độ gia trưởng, đào hoa… mình dẹp hết. 

Có lẽ lúc ấy vừa quá yêu bản thân, vừa khó tính hơn, nên mình sống độc thân tận 29 tuổi. Nhưng số phận run rủi là năm 2012, mình và nhóm bạn có mở lớp dạy Tiếng Việt online cho người nước ngoài.

Vô tình một lần lang thang trên mạng để tuyển học viên thì thấy hồ sơ của bố bọn trẻ. Ảnh hồ sơ là một người cha ngồi cạnh đứa con nhỏ khiến mình tò mò vì cậu bé rất đẹp trai. Vậy là mình làm quen và hỏi: Anh có muốn học tiếng Việt không?

Câu trả lời mình nhận được là: Tôi muốn học Tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam! Đó là cơ duyên giúp mình và chồng gặp nhau. 

Quen nhau 6 tháng, thư qua thư lại bằng email thì anh về Việt Nam thăm mình. Nhưng trong thâm tâm mình cũng không mảy may hy vọng nhiều về mối quan hệ này, chỉ nghĩ làm bạn với nhau.

Tối hôm anh đến sân bay Tân Sơn Nhất, ngỡ được bạn mặc áo dài, ôm hoa ra sân bay đón, ai ngờ chẳng thấy bóng dáng ai đón mình hết, gọi điện không ai nghe máy. Ở đầu này, tối đó mình mải đi bát phố với đám bạn thân, về mệt ngủ quên luôn ở phòng trọ.”

Sau chuyến thăm “bão táp” đó, người đàn ông Pháp trở về quê hương, nhưng vẫn không từ bỏ ý định theo đuổi cô gái Tày cá tính, mạnh mẽ.

Anh mời chị qua thăm nhà. Sau đó, khi kết thúc chuyến thăm, anh ngỏ lời cầu hôn và bí mật đặt  tiệc cưới chiêu đãi bạn bè, đồng nghiệp tại Hotel Intercontineltal.

Hiện tại, chị Ly đang sống và định cư tại Tahiti French Polynesie – Hòn đảo lớn nhất của Polynesie thuộc Pháp, nằm ở phía nam Thái Bình Dương.

15 tuổi rời bản làng về thành phố với hành trang 10kg gạo và bước ngoặt giúp người phụ nữ Tày thay đổi cuộc đời - Ảnh 5.

Sau khi lập gia đình, vì không muốn “sống mòn” với công việc làm công ăn lương nhàn hạ, chị quyết định khởi nghiệp.

Vốn tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật, chị Ly David Thi Quang lập công ty kinh doanh trang sức ngọc trai đen Tahiti.

Công ty của chị Ly David Thi Quang chỉ bán hàng online qua website chính thức và các nền tảng xã hội. Khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, người phụ nữ quê Lào Cai nhận thấy gian hàng online của mình là một quyết định vô cùng đúng đắn.

Hiện tại, công việc kinh doanh tự do giúp người chị có thể chủ động sắp xếp thời gian, lịch trình của mình một cách dễ dàng hơn.

Sống giữa trời Âu, chị vẫn thường xuyên trồng, chăm sóc rau sạch và nấu nhiều món ăn Việt Nam để chiêu đãi chồng và các con.

15 tuổi rời bản làng về thành phố với hành trang 10kg gạo và bước ngoặt giúp người phụ nữ Tày thay đổi cuộc đời - Ảnh 6.

Chồng và các con là hậu phương vững chắc của chị Ly

Dù có xuất phát điểm thấp với nhiều thiếu thốn, thiệt thòi, nhưng chị Ly cho hay, chị đã biến cuộc sống mà mình hằng ước ao trở thành hiện thực.

Tất cả những quả ngọt có được hôm nay là thành quả của sự nỗ lực chắt chiu qua mỗi ngày. Cộng với bản lĩnh, sự tự tin của một người phụ nữ người đồng bào thiểu số vùng cao kiên cường, mạnh mẽ.

Ngoài ra, không thể không kể đến sự đồng hành của người bạn đời. Chị Ly khẳng định: “Mình phải nói lời cảm ơn chồng, anh là một người không nói, không hứa hẹn nhưng luôn đứng sau làm hậu phương cho mình.

Anh và mình có chút khắc khẩu ấy, do văn hóa, lối sống hai người khác nhau mà, nhưng sau đó anh luôn luôn cố gắng làm hài lòng vợ bằng việc làm thiết thực. Anh tôn trọng, thấu hiểu và với anh mình được là chính mình, được làm điều mình thích”