2 sai lầm trong bữa sáng khiến cơ thể mệt mỏi, dễ bệnh, chuyên gia tiết lộ loại nước “lợi đủ đường” khi uống buổi sáng
Dù nhiều người nhận thức được bữa sáng rất quan trọng với cơ thể nhưng vì nhiều lý do sẵn sàng nhịn ăn sáng hoặc ăn kiểu thiếu lành mạnh, gây nguy hiểm với sức khỏe.
Ngày nay dù kinh tế phát triển, không còn tình trạng thiếu ăn như xưa nhưng trong cuộc sống lại có một thực tế đáng buồn, đó là nhiều người vẫn nhịn ăn sáng vì mục đích giảm cân hay bởi quá bận. Ngoài thói quen nhịn ăn sáng, một thói quen khác cũng có hại cho sức khỏe không kém đó là ăn sáng quá muộn.
TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, không phải ngẫu nhiên mà các nhà dinh dưỡng khuyên mọi người nên ăn 3 bữa/ngày và tính phần trăm năng lượng nạp vào qua từng bữa ăn, đó là bữa sáng, bữa trưa và bữa tối.
Bác sĩ Sơn cho biết dù là trẻ nhỏ hay người già, bữa sáng luôn có vai trò rất quan trọng, kể cả những người đang có bệnh mãn tính vẫn cần ăn sáng theo hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, việc bỏ bữa sáng với bất kể lý do gì cũng là một sai lầm.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định việc bỏ ăn sáng là thói quen sai lầm mà nhiều người đang thực hiện. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Sơn, qua một đêm dù nghỉ ngơi nhưng dạ dày vẫn hoạt động, nên lượng thức ăn sẽ bị co bóp hết và sáng dậy dạ dày đã trống rỗng. Do vậy, việc không ăn sáng sẽ khiến cho dạ dày co bóp “chay”, dịch vị tiết ra nhiều sẽ gây cồn cào, đau dạ dày.
Không chỉ vậy, việc không cung cấp năng lượng vào buổi sáng sẽ khiến cho cơ thể không nhận đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết, lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng mất tập trung, thậm chí mất trí nhớ tạm thời, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, học tập. Nguy hiểm hơn với nhóm người già, trẻ nhỏ, người có bệnh lý đái tháo đường không ăn sáng đầy đủ hoặc bỏ bữa còn xảy ra tình trạng hạ đường huyết rất nguy hiểm.
TS Sơn còn khuyến cáo, việc nhịn ăn sáng làm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 21% so với người ăn sáng bình thường. Nhịn ăn sáng làm tăng nguy cơ bị sỏi túi mật, sỏi đường mật. Bởi nếu không ăn sáng, dịch mật sẽ được lưu lại nhiều và lâu tại mật.
Việc ăn sáng muộn sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, thúc đẩy nguy cơ tăng cân. (Ảnh minh họa)
Ngoài nhịn ăn sáng, hiện rất nhiều người có thói quen ăn sáng muộn hoặc vì giảm cân nên ăn trải đều các loại đồ ăn trong cả buổi sáng. Đây cũng là sai lầm cần tránh, vì thói quen này không chỉ không giảm được cân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, nếu ăn sáng muộn sau 9h sáng, khi đó dạ dày trống rỗng một khoảng thời gian dài, cơ thể uể oải không thể làm việc được. Hơn nữa, ăn sáng muộn đồng nghĩa với khoảng cách 2 bữa quá gần nhau, khi đó năng lượng nạp vào quá nhiều, không kịp tiêu hao và gây tăng cân.
Còn nhiều người ăn rải rác các khung giờ cũng không tốt, vì như vậy tuy hạn chế được cảm giác thèm ăn ở các bữa chính nhưng lại không kiểm soát được năng lượng nạp vào nên cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết mọi người không nên nhịn ăn sáng để giảm cân, mà vẫn phải ăn sáng nhưng kiểm soát chặt lượng thực phẩm nạp vào. TS Hưng khuyên muốn giảm cân nên ăn sáng trước 9h sáng, uống nước đều đặn trước khi ăn, qua đó hạn chế được việc tăng cân do ăn quá nhiều. Bên cạnh đó, uống nước cũng là một cách thúc đẩy quá trình trao đổi chất rất tốt, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Sau mỗi bữa ăn nên đánh răng bởi đánh răng không chỉ giúp làm sạch răng miệng mà còn làm giảm cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, người thừa cân cũng cần đảm bảo việc tập luyện để thúc đẩy quá trình giảm cân diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, khi bị thừa cân, mỗi người nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có một thực đơn phù hợp. “Nguyên tắc chủ yếu để giảm cân là nên chia lượng phần trăm năng lượng phù hợp cho các nhóm dưỡng chất trong chế độ ăn giảm cân và tập luyện thể theo phù hợp. Tỷ lệ tinh bột 40%; protein 40% và chất béo 20% là phù hợp cho người muốn giảm cân”, BS Hưng khuyên.
(Phụ nữ và pháp luật)