4 sai lầm nghiêm trọng khi học tiếng Nhật khiến bạn dậm chân tại chỗ
Khi học một ngôn ngữ nào đó mà không có một lộ trình hay phương pháp cụ thể nào thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đạt được mục đích của mình. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra 4 sai lầm của bạn trong việc học tiếng Nhật và đưa ra giải pháp tốt nhất cho bạn.
Sai lầm thứ nhất – Sử dụng Sách giáo khoa không phù hợp
Một cuốn sách giáo khoa tốt là cuốn sách chỉ sử dụng Hiragana và Katakana ở những bài học ban đầu và dần giới thiệu Kanji vào những bài học sau đó. Hơn nữa phần dịch của sách phải được tách biệt ra nửa sau của cuốn sách hoặc có thể biên tập thành một cuốn sách khác một cách riêng biệt.
Bạn biết tại sao không? Hiểu đơn giản là do thói quen của chúng ta khi thấy phần dịch hoặc phần đáp án được đánh dấu trước thì sẽ lười suy nghĩ về câu đó và thường lướt qua khiến cho việc học trở lên hời hợt và phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo trình.
Sai lầm thứ 2 – Học một mình
Điều này rất dễ hiểu phải không các bạn, vấn đề này không chỉ riêng cho học tiếng Nhật mà dành cho việc học tập nói chung. Các bạn thường có tư tưởng ngại ngầm và sợ khi hợp tác mình kém hơn người khác sẽ cảm thấy ngại ngùng.
Khi bạn học một mình, không có ai sửa sai cho bạn, bạn không thể đặt câu hỏi cho ai cả. Nếu như bạn học nhóm hoặc trên lớp, bạn có thể thay phiên vai trò luyện tập và sửa lỗi cho nhau. Hơn thế nữa, việc ganh đua học với người khác cũng là một động lực để bạn cố gắng theo kịp hoặc vượt qua bạn bè ?
Sai lầm thứ 3 – Học quá nhanh
Một số bạn cho rằng để học nhanh và nhớ nhanh Kanji thì phải học thuộc thật nhiều lần, đọc đi đọc lại liên tục tới khi thuộc làu làu thì mới thôi. Thế nhưng cách học này lại không bền vững, nếu quá tập trung vào từ vựng, ngữ pháp thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, bộ não của bạn cũng không hứng thú với điều này, nảy sinh ra tâm lý căng thẳng, nặng nề và sau đó là quá tải.
Vậy nên hãy để việc nhớ các từ vựng Kanji này một cách tự nhiên nhất khi nó xuất hiện ở trong sách giáo khoa hoặc trên những mẩu tin, clip nào đó. Nhớ từ vựng lâu hơn khi nó được gắn vào một hoàn cảnh hay một cảm xúc nào đó, có như vậy thì việc học không chỉ là tích lũy kiến thức mà còn là một điều thú vị nữa chứ!
Sai lầm thứ 4 – Ngại nói tiếng Nhật
Đa phần những người ngại giao tiếp thường là những người hay bị tự ti, cảm thấy ngại ngùng khi nói chuyện với một ai đó. Những người này là những người thường hay sống một mình, độc lập, không thích kết bạn giao lưu gì cả. Khi nói chuyện với người thân thì họ đã có thái độ ngại ngùng rồi thì chẳng có gì lạ khi gặp người khác họ sẽ không thể bắt chuyện được.
Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến bạn không thể tự tin giao tiếp. Khi bạn ngại nói thì đồng nghĩa với cách phát âm của bạn không được cải thiện, kĩ năng phản xạ không được rèn luyện. Vậy bạn cần tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình rằng: Mình học tiếng Nhật để làm gì? Mình học cho ai mà để cái tôi của bạn lấn át đi mục đích của bạn.
Vậy, làm cách nào để hết ngại khi giao tiếp?
Bạn hãy ngồi suy ngẫm lại những hoàn cảnh, tình huống mà bạn cảm thấy ngại nhất, những đối tượng nào mà bạn cảm thấy khó nói chuyện nhất. Sau đó xem xét tại sao mình lại có những cảm giác như vậy và tìm cách khắc phục.
Hoặc bạn hãy lên xem các clip hướng dẫn các kỹ năng luyện nghe, luyện nói, luyện giao tiếp. Như vậy, hàng ngày bạn theo dõi và tập tành chắc chắn sẽ đem lại tín hiệu tích cực hơn.
Nguồn: TTCVN