5 đơn vị đặc nhiệm huyền thoại của Nga: Những chiến dịch làm đối thủ kinh hãi và sốc nặng
Theo Russia Beyond, dưới đây là 5 lực lượng đã khiến cho cụm từ “Spetsnaz” (Đặc nhiệm) của Nga trở nên nổi tiếng và phổ biến trên khắp thế giới.
1. GRU Spetsnaz
Ra đời vào năm 1950, các đơn vị đặc biệt của Cục tình báo Nga (GRU) là “tai và mắt” của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga.
Không phải ngẫu nhiên mà biểu tượng của GRU là hình một con dơi đứng phía trước quả địa cầu. Giống như loài vật này, đặc nhiệm GRU hoạt động bí mật và âm thầm trong bóng tối trên khắp thế giới.
Đêm trước khi lực lượng khối Vác-sa-va tiến vào Praha ngày 21/8/1968 và kết thúc “mùa xuân Praha”, đặc nhiệm GRU đã dễ dàng giành quyền kiểm soát tất cả các tòa nhà hành chính quan trọng tại thủ đô của Czech.
Đặc nhiệm GRU đã đảm nhiệm các nhiệm vụ ở Angola, Beirut, Việt Nam, Afghanistan và Campuchia – nơi họ thậm chí đã đánh cắp thành công một chiếc trực thăng AH-1 Cobra mới toanh từ căn cứ của Mỹ.
2. FSB Spetsnaz
Tại Olympics Munich năm 1972, khi những kẻ khủng bố tấn công và giết hại các thành viên của đội Israel, lãnh đạo Xô Viết đã quyết định không để điều tương tự xảy ra tại Liên Xô.
Hai năm sau đó, Alpha Group – lực lượng chống khủng bố của KGB được thành lập. Moscow đã chuẩn bị để đăng cai tổ chức Olympics mùa hè năm 1980, và đội Alpha được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho sự kiện này.
Các chiến dịch được biết đến nhiều nhất của Alpha bao gồm cuộc tấn công (phối hợp với GRU) vào cung Tajbeg ở Afghanistan và ám sát Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin năm 1979.
Trong chiến tranh Chechnya, nhóm đặc nhiệm được giao nhiệm vụ giải phóng một bệnh viện ở Budyonnovsk, do khủng bố kiểm soát.
Trong năm 2002, đội đặc nhiệm Alpha và Vympel (thành lập năm 1981) đã đột kích nhà hát Dubrovka ở Moscow sau khi nơi này bị khủng bố chiếm giữ.
Kết quả là 750 con tin đã được trả tự do, trong khi 36 tên khủng bố bị tiêu diệt. Nhưng không may, 130 con tin đã thiệt mạng trong cuộc tấn công và sau khi được đưa tới bệnh viện.
3. Đặc nhiệm đổ bộ đường không
Không giống như GRU, đặc nhiệm đổ bộ đường không Nga không hoạt động rộng rãi trên khắp thế giới. Nhiệm vụ chính của họ là chuẩn bị khu vực hạ cánh an toàn ở phía sau tiền tuyến đối phương cho lực lượng đổ bộ đường không.
Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không đã được cơ cấu thành Lữ đoàn trinh sát độc lập số 45 (trước năm 2015, lực lượng này chỉ có quy mô trung đoàn). Trong chiến tranh Chechnya lần 1, những thành viên của trung đoàn này đã tham gia vào chiến dịch tấn công Grozny.
Phiến quân Chechnya đã bị sốc trước phương thức hoạt động âm thầm, bí mật của đặc nhiệm Nga: Họ đã giành được quyền kiểm soát hết tòa nhà này đến tòa nhà khác, mở đường cho bộ binh cơ giới tiến vào.
4. Đặc nhiệm hải quân
Những người nhái đầu tiên của Liên Xô xuất hiện khi Chiến dịch bao vây Leningrad (do Đức Quốc xã tiến hành) năm 1941 đang diễn ra để bảo vệ thành phố này và Hạm đội Baltic. Tại đó, họ đã giao tranh với lực lượng phá hoại đến từ đơn vị biệt kích MAS của Italia.
Kết quả là, các đặc nhiệm Liên Xô đã bảo vệ Leningrad không bị “thổi bay”.
Ngày ngay, đặc nhiệm hải quân Nga được gọi là lực lượng chống phá hoại dưới nước (PDSS), quy tụ những lính thủy quân lục chiến xuất sắc nhất.
Nhiệm vụ của PDSS là đảm bảo an ninh cho tàu chiến và các cơ sở hải quân của Nga. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, PDSS sẽ đảm nhận các nhiệm vụ chống phá trong vùng biển của đối phương.
5. Lực lượng các chiến dịch đặc biệt
Trẻ nhất trong số các đơn vị đặc biệt của Nga là Lực lượng Các chiến dịch đặc biệt (SOF), thành lập năm 2009.
Lực lượng này nằm dưới sự quản lý của Bộ Tổng tham mưu Nga, bao gồm và có thể triển khai tất cả các đơn vị đặc nhiệm của lục quân.
Thông tin về quân số và các chiến dịch của SOF vẫn được bảo mật. Song được biết, lực lượng này đã từng tham gia vào các chiến dịch tại Crimea (2014), tại Syria và trong các cuộc đụng độ với cướp biển Somali.
Nguồn: QS / Thời đại