6 cách tiết kiệm tiền của các tỷ phú mà ai cũng nên học

Làm thế nào để tiết kiệm tiền hiệu quả và phù hợp với mức thu nhập hàng tháng của bạn, đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.

Phát triển thói quen tiết kiệm tiền của bạn không hề dễ. Nó đòi hỏi sự quyết tâm to lớn và sức mạnh của ý chí.

Thông thường con người hay trở thành nạn nhân của cái được gọi là “Luật Parkinson” hay còn gọi là “Chi tiêu tăng lên khi thu nhập tăng”, quy luật này có nghĩa là thu thập của bạn càng tăng thì chi tiêu của bạn càng tăng, thậm chí bạn còn chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được. Nếu bạn có thể học cách thay đổi từ duy của mình từ chỗ chi tiêu phung phí thành tận hưởng những gì bạn đang có, thì bạn có thể cải thiện được tình hình tài chính của mình.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để bạn tiết kiệm được tiền:

1- Tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu

Trong số tiền bạn kiếm được hàng tháng, hãy dành riêng ra một khoản nhất định để dành dụm, rồi sau đó dùng phần còn lại để chi tiêu. Nếu chọn cách chi tiêu trước rồi mới để dành phần còn lại thì sẽ rất dễ chi tiêu phung phí. Dành ra một khoản tiết kiệm hàng tháng và bạn sẽ trở nên giàu có hơn. Bạn sẽ không thể trở thành triệu phú chỉ sau một đêm nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu bạn không thể tự kiểm soát tài chính của bản thân mình.

saving-money-economy-news
(Ảnh: internet)

Ông Luke Landes, người sáng lập của Consumerism Commentary, cho biết muốn tiết kiệm tiền thì cần phải nâng cao số tiền tiết kiệm tại các thời điểm nhất định, cụ thể là:

“Tiết kiệm 10% thu nhập của bạn là một khởi đầu tốt nếu bạn không phải bận tâm bất cứ điều gì. Sau đó, tiết kiệm 20% thu nhập của bạn là một bước tiếp theo nếu bạn đang tiết kiệm 10%.”

2- Tận hưởng những gì bạn có

Có rất nhiều người chi tiêu quá tay vì họ cho rằng đó là cần thiết và khiến họ cảm thấy “hạnh phúc” hơn. Trong thực tế, hầu hết những gì bạn thực sự cần đều khá rẻ và và hầu hết những thứ bạn cho rằng cần thiết lại là những thứ phụ.

Bạn không cần quần áo mới nếu những thứ bạn đang có đều phù hợp và đang còn tốt. Bạn không cần một chiếc máy vi tính mới chỉ vì loại máy tính mới ra có hình thức rất đẹp.

Bạn không cần một ngôi nhà mới rộng rãi nếu ngôi nhà bạn đang ở cũng đủ rộng. Theo một thống kê trong thực tế, số diện tích bạn cần chỉ bằng chưa đến 30% số diện tích nhà ở bạn đang có.

Có lẽ số quần áo bạn thường dùng chỉ bằng 1/10 số quần áo bạn mua trong đời.
Bạn hãy nhìn tỷ phú Warren Buffett, hiện ông vẫn sống trong căn nhà nhỏ 5 phòng ngủ tại Omaha, nơi ông đã mua từ năm 1957 với giá chỉ 31,5 nghìn USD; tỷ phú Carlos Slim vẫn sống trong căn nhà cũ của ông trong suốt 40 năm.

Ngôi nhà của tỷ phú Warren Buffett
Ngôi nhà của tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: internet)

Tận hưởng những thứ bạn có và hiểu giá trị của chúng, như vậy bạn sẽ thấy không cần mua thêm nhiều thứ nữa. Khi bạn thay đổi cách suy nghĩ từ mua sắm liên tục thành tận hưởng những thứ đang có, bạn sẽ bắt đầu gặt hái được những thành quả.

3- Kiểm soát việc chi tiêu

Bạn phải kiểm soát được việc chi tiêu của mình nếu muốn thoát khỏi nợ nần.

Nếu bạn tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, chắc chắn bạn sẽ mắc nợ. Dạng nợ nần phổ biến nhất là nợ thẻ tín dụng. Do việc đăng ký cấp thẻ tín dụng rất dễ dàng nên bạn hoàn toàn có thể mua được mọi thứ (kể cả những thứ bạn không đủ tiền) qua thẻ tín dụng. Tuy nhiên, thẻ tín dụng có lãi suất cao khiến khoản nợ sẽ tăng theo cấp số nhân theo thời gian, rồi sẽ đến lúc nó vượt quá khả năng thanh toán của bạn.

shopping-494386095-small
(Ảnh: internet)

Bạn không nên để cảm xúc của bạn chi phối khi đi mua hàng, hãy mua vì nó đáp ứng nhu cầu thiết yếu chứ không phải vì nó rẻ hay bắt mắt, cũng không phải là vì nó có thể gây ấn tượng cho những người khác. Đừng mua những thứ không hợp lí (chẳng hạn như những thứ theo trào lưu, những thứ người khác khao khát, những thứ đòi hỏi nhiều phí tổn sửa chữa hàng năm hay những thứ khiến bạn có thể phải lo lắng).

4- Giảm bớt những thứ xa xỉ

Tỷ phú Carlos Slim là người giàu có nổi tiếng thế giới, ông hoàn toàn có thể chi tiêu hơn 1000 USD mỗi phút mà vẫn còn đủ tiền cho 100 năm. Tuy nhiên thực tế là ông lại không sở hữu bất cứ một chiếc du thuyền hay phi cơ riêng nào. Cũng như rất nhiều những tỷ phú khác, ông không bao giờ “đốt” tiền cho những vật phẩm xa hoa vì hiểu rằng hạnh phúc không phụ thuộc vào việc sở hữu đồ vật xa xỉ hay không xa xỉ.

Một vài người cho rằng những bộ quần áo tự thiết kế, những đôi giày hàng hiệu mới có thể tôn lên giá trị của họ. Thế nhưng rất nhiều tỷ phú lại nghĩ khác, ông David Cheriton – tỷ phú của Google – chỉ mặc quần bò và những chiếc áo phông đơn giản. Hay tỷ phú John Caudwell cũng thường chọn quần áo của những nhãn hiệu bình dân thay chứ không phải của những hãng thời trang nổi tiếng.

5- Lên danh sách các khoản thu/chi

Bạn cần biết được bạn chi tiêu vào những việc gì mỗi tháng. Các tỷ phú đề cao tầm quan trọng của việc liệt kê chi tiết các khoản chi tiêu bởi chúng giúp họ quản lý tài chính một cách hiệu quả và biết được tiền của mình đi đâu, để hiểu rằng việc chi tiêu hoặc đầu tư của họ có chính đáng không.

checking-account
(Ảnh: internet)

Bạn nên có sổ sách rõ ràng để thống kê những khoản chi phí phát sinh. Một lưu ý nhỏ là bạn cũng nên thanh toán tất cả các hóa đơn đúng thời hạn bằng tiền mặt hoặc qua hệ thống thanh toán tự động. Trong thời đại điện thoại thông minh hiện nay, 1 số ứng dụng kiểm soát tài chính cá nhân sẽ rất hữu dụng và tiện ích cho bạn.

Kiểm soát tốt việc chi tiêu sẽ giữ cho bạn không có thêm các khoản nợ trong tương lai.

6- Hạn chế các khoản vay

Các tỷ phú đều không muốn vay mượn, trừ khi số tiền ấy dùng cho những thứ đem lại lợi nhuận cho họ trong tương lai như mở rộng sản xuất, đầu tư vào những dự án khả thi…

Việc hạn chế các khoản vay sẽ khiến bạn không phải đau đầu về việc kiếm tiền trả nợ cũng như kiểm soát được việc chi tiêu. Bạn không nên vay tiền của người khác, kể cả những người thân trong gia đình, họ hàng bạn khi bạn nhìn thấy họ có nhiều tiền.

(Ảnh: internet)(Ảnh: internet)

Tỷ phú Warren Buffet khuyên mọi người hạn chế việc vay tiền và cần phải độc lập về tài chính. Ông khẳng định rằng, chẳng có ai giàu nổi nếu phải “sống dựa” vào tiền vay từ người khác. Tỷ phú Warren nhấn mạnh rằng việc vay tiền sẽ không phải là một “sự lựa chọn”. Trong trường hợp bạn thực sự cần đến khoản vay nào đó, thì bạn phải lên kế hoạch cụ thể để trả tiền, thay vì trở thành “nô lệ” của món nợ vay suốt đời.

Nhật Hạ tổng hợp