7 tuổi, cậu bé lạc từ Tây Nguyên tới Mỹ, 45 năm sau về VN đoàn tụ: Bố mẹ không dám lập bàn thờ
Sau 45 năm, cậu bé năm nào lưu lạc từ Tây Nguyên đến tận nước Mỹ xa xôi mới có thể quay trở về với gia đình, nguồn cội, quê hương của mình.
Khoảnh khắc đoàn tụ của ông Nguyễn Đình Đường (sinh năm 1935, gốc Huế) và anh Nguyễn Đình Lợi tại chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) được phát sóng cách đây vài năm đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Năm xưa, ông Đường có 2 người vợ là bà Gái và bà Thời (còn gọi là Tuyết). Ông có tổng cộng 10 người con với 2 người vợ, chung sống hòa thuận ở Kon Tum. Thời điểm đó, ông làm trong quân y, người vợ đầu ở nhà chăm các con, còn người vợ sau bán cá hấp ở chợ.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly)
Sự kiện lịch sử năm 1975, ông Đường bỏ chạy và dẫn theo 4 người con, bà Gái cũng dẫn theo mấy đứa, còn bà Tuyết đang bầu nên dẫn 2 đứa con chạy vào rừng. Trên đường chạy, bà Tuyết hạ sinh và phát hiện đã thất lạc một đứa con. Sau này, gia đình đoàn tụ và điểm danh thì thiếu một đứa con trai 7 tuổi, đó là anh Nguyễn Đình Lợi (con của bà Tuyết và ông Đường).
Tuy vợ chồng ông Đường có sinh thêm vài người con nhưng nỗi thất lạc đứa con trai lên 7 tuổi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Nhiều năm trôi qua, ông Đường vẫn canh cánh nỗi niềm muốn tìm lại đứa con trai của mình. Về phần bà Tuyết, nỗi lòng người mẹ luôn cầu mong con sống khỏe mạnh và bà chưa dám lập bàn thờ vì nuôi hy vọng con sẽ được ai đó nuôi dưỡng, có cuộc sống tử tế.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly)
Chương trình NCHCCCL đã tiếp nhận hồ sơ của gia đình ông Đường bà Tuyết và những thông tin trùng khớp với trường hợp của anh Lyle Christopher Schadt (người gốc Việt, đang sống ở bang Florida, Mỹ).
Về phía Lyle, anh còn nhớ khá rõ về những thông tin của bản thân như cái tên Nguyễn Đình Lợi, rồi lạc gia đình trong sự biến năm 1975. Dù đã có cuộc sống ổn định ở xứ người, anh vẫn luôn hy vọng gia đình còn sống khỏe mạnh sau chiến tranh và mong mỏi được đoàn tụ.
“Người thân cuối cùng tôi còn thấy là anh trai tôi, anh cùng cha khác mẹ, vì cha tôi có hai người vợ. Có một người nào đó dẫn tôi và anh đi nhưng tôi không tin nên không chịu theo, còn anh tôi thì theo.
Còn lại mình tôi ở trong một đám đông giữa rừng, rồi có một chiếc trực thăng đáp xuống bốc mọi người đi. Lúc đó tôi không tin ai cả nên không đi. Chiếc thứ hai quay lại đáp xuống, tôi leo lên ngồi phía sau ghế của một người phi công và kể từ đó tôi bám lấy ông ấy. Ông đã đưa tôi cùng sang Mỹ trong năm 1975.
Tôi nhớ cha tôi tên là Nguyễn Đình Đường. Cha tôi có làm gì đó liên quan đến thuốc thang. Tôi chỉ còn nhớ được như vậy”.
Đó là những ký ức còn đọng lại trong Lyle về thời khắc định mệnh khiến anh lạc khỏi gia đình, từ rừng Tây Nguyên bay đến tận Mỹ – nơi cách quê nhà đến nửa vòng trái đất. Phi công đón anh Lyle khi ấy là ông Ngọc. Khi sang Mỹ, ông đã nuôi anh một thời gian rồi gửi vào một gia đình khá giả để Lyle có cuộc sống sung túc, sáng sủa hơn.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly)
Hiện tại, Lyle đã kết hôn và có 2 con. Lá rụng về cội, dù đã có cuộc đời mới ở Mỹ sau sự kiện năm xưa nhưng người đàn ông này vẫn muốn được tìm về với gia đình ruột của mình. Khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN trùng khớp với gia đình ông Đường, Lyly và vợ đã bật khóc nức nở vì hạnh phúc.
45 năm lưu lạc đến tận đất Mỹ, cuối cùng người đàn ông này cũng có thể quay trở về với người thân. Đây cũng là chuyến trở về đầu tiên của Lyle sau khi sang Mỹ từ lúc 7 tuổi. Lúc gặp lại, anh đã là một ông bố trưởng thành, còn người cha cũng đã 86 tuổi. Trong khoảnh khắc gặp lại nhau, hai cha con đã vỡ òa, không kiềm được nước mắt. Ông Đường nức nở hạnh phúc vì từng nghĩ con đã không còn sau sự kiện năm xưa. Giờ đây, không chỉ gặp lại con trai mà ông còn gặp 2 đứa cháu nội đáng yêu của mình.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly)
Khi câu chuyện của ông Đường tìm gặp lại con trai thất lạc từ năm 7 tuổi được phát sóng, nhiều người đã gửi lời chúc mừng gia đình cũng như cảm kích trước tấm lòng của bố mẹ nuôi đã nuôi dưỡng anh Lợi nên người trong ngần ấy năm.
“Cảm ơn bố mẹ nuôi người Mỹ đã nuôi nấng anh Lợi để anh có dịp về lại quê cha đất tổ. Chúc mừng anh Lợi đã tìm được gia đình sau bao năm xa cách”
“Mừng vì ba mẹ chú vẫn còn sống, khoẻ mạnh và gia đình được đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách”
“Cha mẹ mất con 45 năm nhưng không dám thờ, vì không biết rõ con còn sống hay đã chết. Ấy vậy mà sau 45 năm cả gia đình đã có ngày được đoàn tụ. Mong sẽ có thật nhiều gia đình được đoàn tụ như gia đình anh Lợi!’
“Ngẫm lại chúng ta rất may mắn khi được sống cạnh những người thân của mình”…