Mỹ bất ngờ rút quân khỏi Syria luôn và ngay: Mất kiểm soát, không thể “cố đấm ăn xôi”!
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân “nhanh chóng và toàn diện” khỏi Syria với lý do cuộc chiến chống IS đã hoàn tất.
Đây có thể coi là động thái bất ngờ của Washington sau hàng loạt những nổ lực lật độ chính phủ Syria đương nhiệm.
Tuy nhiên, xét một cách toàn cục, Nhà Trắng có lý do để đưa ra tuyên bố rút quân khỏi Syria, khi Washington đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát chiến cục tại quốc gia cận Đông này và những “vũng lầy” phiến quân FSA hay mới nhất là lực lượng SDF giúp phá vỡ thế cờ chiến cuộc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã xây dựng tại Syria.
Ảnh hưởng của Mỹ tại Syria đã quá mờ nhạt
Có thể nói, Mỹ là một trong những quốc gia sốt sắng khi cuộc nội chiến tại Syria khởi phát năm 2011.
Khi mà chính quyền của Tổng thống Bashad al Assad tưởng như sẽ sụp đổ trong ngày một ngày hai hay tuyên bố cứng rắn “Assad phải ra đi”, Mỹ tưởng như đã nắm chắc Syria như con cờ trong tay.
Những con bài phiến quân đội lập FSA từng được Mỹ hỗ trợ với hy vọng là lực lượng chính làm cách mạng tại Syria, cử cố vấn quân sự và lập căn cứ trong lãnh thổ Syria tại thị trấn Al Tanf là những bước đi rõ ràng cho mục tiêu đó.
Phương tiện chiến đấu của Mỹ được cho là ở căn cứ Al Tanaf, Syria.
Tuy nhiên, chiến cục Syria đã diễn biến phức tạp với sự tham gia của nhiều nhóm phiến quân thánh chiến nước ngoài và sự hiện diện của IS tại Syria đã từng bước, từng bước làm kế hoạch của Mỹ sa lầy.
FSA không đạt được như kỳ vọng của Washington và ngày càng suy yếu. Thêm vào đó, sự can dự quân sự trực tiếp của Nga làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường tại Syria nghiêng về phía Damascus tiếp tục làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Mỹ tại quốc gia Cận Đông này.
Từ vai trò người được ra điều kiện với Damascus, vai trò của Mỹ đã được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thay thế.
Những hành động quân sự chớp nhoáng nhằm vào Syria với cái cớ trả đũa việc lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân cũng không giúp Mỹ giữ được vị thế tại quốc gia Cận Đông này.
Như vậy, việc Mỹ rút quân khỏi Syria gần như là một việc tất yếu. Khi cố đấm, mà không ăn được xôi, thì việc duy trì lực lượng quân sự tại Syria chỉ là hành động vô ích đối với Washington.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa lý do khiến Mỹ hành động như vậy, sự thực dụng của người Mỹ mới là lý do quyết định.
Lính Mỹ được cho là ở căn cứ Al Tanaf, Syria.
Rút quân liệu là để quay lại bằng chính trị
Một trong những yếu tố quan trọng khiến Mỹ triển khai và duy trì lực lượng quân sự tại Syria, cụ thể là tại thị trấn Al Tanf, giáp biên giới Jordani là làm tiền đồn cho lực lượng quân sự bản địa được hậu thuẫn có cơ hội mở rộng ảnh hưởng, cạnh tranh và nếu có cơ hội sẽ lật đổ Chính quyền Syria đương nhiệm.
Tuy nhiên, trời không chiều lòng người. Những lực lượng quân sự đối lập được Mỹ hẫu thuẫn như FSA và mới nhất là người Kurd với lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đều có thành tích quân sự đáng thất vọng.
Nếu FSA được coi là “bầu sữa” cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân cực đoan tại Syria khi ra trận là thất bại, thì SDF cũng chung hoàn cảnh tương tự. Những trận chiến chống lại IS tại bờ Đông sông Euphates của SDF đã minh chứng điều đó.
Lực lượng SDF được Mỹ hỗ trợ tận răng, từ vũ khí tới hỏa lực, đều thất bại trước lực lượng IS thiếu thốn đủ đường.
Hơn thế nữa, với tình thế Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị lực lượng quân sự lớn tại Idlib, Affin để tấn công người Kurd và SDF. Nếu điều đó xảy ra, SDF sẽ không thể chịu nổi sức tấn công của lực lượng quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran, Iraq hậu thuẫn.
Lực lượng SDF được Mỹ hỗ trợ tận răng.
Điều đó cũng giúp Mỹ đã hiểu ra rằng việc níu kéo sự hiện diện quân sự tại Syria sẽ không mang lại lợi ích gì. Với sự thực dụng, Washington đã chọn cách dễ dàng nhất là rút quân để tránh sa lầy và những thương vong vô nghĩa.
Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ sẽ không đi về tay không. Rút quân sẽ đi kèm với thỏa hiệp. Và không loại trừ khả năng Washington sẽ quay trở lại Syria không phải với súng ống, mà là ảnh hưởng chính trị và cơ hội làm ăn.
Vị trí địa lý rất quan trọng của Syria hay miếng bánh tái thiết thời hậu chiến có thể là thứ khiến giới tài phiệt Mỹ thèm muốn.
“Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn” sẽ rất hợp với các suy nghĩ của Tổng thống xuất thân từ doanh nhân như ông Donald Trump. Vấn đề còn lại chỉ là xem động thái tiếp theo của Mỹ.
Liệu kịch bản trên có trở thành hiện thực hay không hay vào ngày mai, Tổng thống Donald Trump bất ngờ thay đổi quyết định của mình.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria đã trở nên thừa thãi và việc rút quân sẽ chỉ còn vấn đề ngày một, ngày hai.
Việc Mỹ rút quân có thể khiến nội chiến tại Syria sớm chấm dứt và người lo lắng nhất sẽ là người Kurd và SDF. Chiến trường bờ đông Euphates và những nơi người Kurd kiểm soát sẽ sớm nóng bỏng…
Theo Ngọc Huy/ Thời đại