Chuyện về chiếc xe đạp của ba vị tướng
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sử dụng chiếc xe trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông trao cho ông Đoàn Chương vì thấy cấp dưới “cần hơn”.
Đến khi thấy đồng đội “cần hơn”, ông Chương lại trao chiếc xe cho ông Văn Cương, cả hai ông sau này đều mang quân hàm Trung tướng. Chiếc xe đạp (số đăng ký BTLSQS: 11142-K3-2615) nay trở thành hiện vật quý được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Được biết, gia đình Trung tướng, Phó Giáo sư Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Chính trị (trú ở Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh) có giữ một kỷ vật quý về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi tìm đến nhà ông ở xóm Đồng vào một buổi chiều cuối đông năm 2008.
Ngôi nhà cổ nằm khuất nẻo trong con hẻm nhỏ. Qua chiếc cổng thấp tè với cánh gỗ lim cũ kỹ, tường sứt sẹo rêu phong là mảnh sân nhỏ xếp đầy các chậu cây cảnh và ngập tràn hương hoa mộc.
Từ sân nhìn vào, ngôi nhà toát lên vẻ cổ kính, ông và vợ là bà Vũ Thị Vinh Hương, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh) niềm nở đón chúng tôi vào nhà.
Ông bà tiếp chúng tôi tại phòng khách, giữa phòng kê bộ bàn ghế kiểu cũ đóng bằng gỗ xà cừ. Khi hỏi đến kỷ vật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đôi mắt ông sáng lên, mái tóc trắng như cước rung rung và nụ cười nhân hậu trên khuôn mặt xương xương, ông vui vẻ vào chuyện:
“Hòa bình lập lại, tôi về làm Trưởng phòng Tuyên huấn Tỉnh đội Bắc Ninh. Cuối năm 1956, tôi được đơn vị cử đi học lớp lý luận chính trị tại Trường Chính trị trung cao Bộ Quốc phòng (nay là Học viện Chính trị) do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Giám đốc.
Học xong hai năm, tôi được giữ lại làm giáo viên của trường. Ở đây, tôi gặp và kết thân với anh Đoàn Chương, Trưởng phòng Giáo vụ, anh kém tôi một tuổi, anh tuổi Mão còn tôi tuổi Dần.
Anh Đoàn Chương sau này là Trung tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, vốn là thư ký của đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhiều năm trong kháng chiến chống Pháp. Hai anh em chúng tôi thường đàm đạo chuyện văn chương, nhâm nhi chén trà nóng và thường xuống bếp tập thể ăn cơm cùng nhau.
Chiếc xe đạp Mercier vẫn còn nguyên vẹn dù đã qua gần 7 thập niên. Ảnh BTLSQSVN.
Như thường lệ, trừ khi bận họp hành còn thì nắng cũng như mưa, chiều thứ bảy, tôi tranh thủ về Kinh Bắc thăm vợ, con. Hồi đó, ở các bến xẹ liên tỉnh đông chật người. Việc có được một vé đi xe khách về Bắc Ninh rồi từ Bắc Ninh về Hà Nội rất vất vả.
Nhiều khi xếp hàng đến lượt hết vé, không còn xe, tôi lại phải quay lại trường. Thấy người đồng đội của mình cứ cuối tuần lại lóc cóc đi bộ ra bến xe mua vé về quê, một hôm, anh Đoàn Chương vỗ vai tôi và bảo: “Anh cầm chiếc xe đạp của tôi mà về quê cho tiện”.
Nghe anh nói vậy, tôi cũng ngại. Chiếc xe đạp thời đó có giá trị lớn lắm. Anh Đoàn Chương nghe chừng cũng nhận ra ý của tôi nên nói luôn:
“Anh không phải ngại đâu. Đã là đồng đội, là anh em thì đừng phải so đo chuyện đó. Mà anh có biết chiếc xe này trước đây của ai không?” Tôi lắc đầu: “Không!”. Anh Đoàn Chương cười to và nói: “Chiếc xe này không phải thường đâu. Nó là chiếc xe đặc biệt. Anh Thao (tên thường gọi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) cho tôi đấy!”
“Trời!” – Tôi sững người – “Vậy sao anh lại có nó?” Anh Đoàn Chương lại cười và nói: “Năm 1950, anh Thao từ Trị – Thiên được Đảng điều động vào Quân đội và giao trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở Việt Bắc gồm nhiều tỉnh, các đơn vị đóng xa nhau, việc đi lại rất khó khăn nên anh được trên trang bị cho chiếc xe đạp Mercier của Pháp sản xuất, bền mà nhẹ để đi lại.
Anh Thao lúc đó đã là cán bộ cấp cao nhưng vẫn dùng chiếc xe đạp này đi họp, làm việc với Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, các đơn vị trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng…
Thời kỳ này, anh Thao chủ trì nhiều cuộc hội nghị bàn về công tác lãnh đạo tư tưởng, công tác tổ chức trong quân đội, chỉ đạo toàn quân tiến hành “Chỉnh huấn chính trị”, chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954…
Hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, thấy tôi cần hơn, anh Thao tặng tôi chiếc xe đạp này. Tôi dùng nó để đi làm tiện lắm, bây giờ thấy anh cần hơn, tôi lại tặng cho anh.”
Nói rồi anh đẩy ghi đông xe vào tay tôi. Chiếc xe đạp, sơn màu xanh, còn khá tốt. Cầm chiếc xe, tôi xúc động khôn cùng. Ngày đó, chiếc xe đạp là cả gia tài, nhà khá giả khi đó mới có xe đạp, hơn nữa nó là vật kỷ niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thế mà khi trao kỷ vật quý giá ấy cho tôi, anh Chương chẳng một chút phân vân.
Chiếc xe đạp của ba vị tướng. Ảnh BTLSQSVN.
Năm 1965, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, nhà trường của chúng tôi di chuyển nhiều nơi, hết Thạch Thất, đến Lạng Sơn rồi Thái Nguyên… Khoảng cách về Bắc Ninh ngày một xa, việc đi lại bằng xe khách ngày một khó khăn hơn, may có chiếc xe đạp tôi mới có thể tranh thủ đi về quê thăm vợ và các con vào dịp cuối tuần.
Cuối năm 1969, tôi được lệnh sang Lào tham gia chiến dịch phản công Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng rồi ở lại làm chuyên gia quân sự giúp Lào. Chiếc xe đạp tôi để lại quê cho vợ sử dụng đi dạy học”.
Ông Cương kể đến đây, bà Vinh Hương, vợ ông tiếp lời: “Khi ông nhà tôi đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, cũng là lúc tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Hàn Thuyên.
Tháng 9/1969, Trường chuyển về xóm 1, Đại Phúc, thị xã Bắc Ninh. Năm 1972 đế quốc Mỹ oanh tạc Hà Nội và một số thành phố, trường chuyển về núi Hòn Ba, huyện Tiên Sơn. Chiếc xe đạp trở thành phương tiện chủ yếu để tôi chở các con cùng nồi niêu, xoong chảo di chuyển hết nơi sơ tán này đến nơi sơ tán khác để tránh bom Mỹ.
Sáng ra tôi tất tưởi đạp về trường dạy học, tôi quay lại cơm nước chăm các con, tất thảy mọi việc đều trông vào chiếc xe này. Tôi biết, chiếc xe có giá trị lớn, nhưng quý nhất là chuyện tình cảm đồng đội giữa anh Chương và ông nhà tôi, lại từng là chiếc xe của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nên tôi giữ gìn chiếc xe rất cẩn thận, thường xuyên lau chùi cho bóng nhoáng, hỏng hóc chỗ nào tôi đem đi sửa chữa ngay.
Chỉ một mình tôi là được đi chiếc xe này, ngay cả các con, tôi cũng không bao giờ cho đụng đến. Vì thế đến tận bây giờ, các bộ phận của xe đều nguyên vẹn. Chỉ có lốp, bàn đạp, gác-ba-ga là tôi thay thôi”.
Bà Vinh Hương kể tiếp: “Chiến tranh qua đi, vợ chồng chúng tôi không còn cảnh vợ Bắc chồng Nam mà lại được cùng dạy học ở Bắc Ninh. Bây giờ về hưu sống trong ngôi nhà cổ của ông bà để lại. Chiếc xe đạp này cũng vậy, từng cùng chúng tôi đội nắng, phơi mưa, từng chở ước mơ về một ngày mai đẹp đẽ đất nước thống nhất, hòa bình. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Bây giờ tôi cho treo cẩn thận trên xà nhà cùng với giá sách đồ sộ mà chúng tôi tích lũy hơn nửa thế kỷ qua. Thỉnh thoảng, tôi bảo các cháu đưa xuống lau chùi, ngắm nghía rồi lại kể cho chúng nghe chuyện của một thòi gian khó. Chúng nó cứ nói: “Chuyện tình yêu của các cụ như là cổ tích ấy nhỉ”.
Chiếc xe đạp trở thành kỷ vật vô giá đốỉ với chúng tôi, nó không chỉ là giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần lớn lao, nó gắn với gia đình tôi nhiều kỷ niệm trong chiến tranh về tình đồng đội, tình người thời ấy, dù khó khăn nhưng thân ái biết bao, chẳng suy tính thiệt hơn”.
Chiếc xe đạp kỷ vật được giới thiệu tại triển lãm “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Cuộc đời và sự nghiệp”, tháng 12/2013. Ảnh BTLSQSVN.
Nghe ông bà kể say sưa về chiếc xe đạp như vậy, chúng tôi thấy cũng ái ngại khi đặt vấn đề xin chiếc xe về làm hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nhìn thấy điệu bộ của chúng tôi, ông bà cũng chừng đoán được ý nên đã từ chối khéo.
Bạn đồng hành “như hình với bóng” của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90
Thiết nghĩ những kỷ vật quý giá như vậy cần phải lưu giữ và tuyền truyền sâu rộng nên cả đoàn vẫn quyết tâm thuyết phục gia đình trao tặng.
Hai ông bà cứ nhìn nhau, lặng đi. Cuối cùng ông bật cười: “Khi nào tôi chết, tôi sẽ tặng cho Bảo tàng. Cứ về đi, yên tâm, tôi đã hứa mà!”.
Sau lần ấy, chúng tôi vẫn tiếp tục thuyết phục hai ông bà. Cuối cùng, đến tháng 9 năm 2009, ông bà đã đồng ý trao tặng chiếc xe đạp của mình cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chiếc xe kỷ vật được giới thiệu trang trọng tại các cuộc triển lãm như “Những kỷ vật kháng chiến sống mãi với thời gian” tháng 11/2009, nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam(22/12/1944-22/12/2009); “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Cuộc đời và sự nghiệp” tháng 12/2013, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2014).
Cả ba vị tướng: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung tướng Đoàn Chương, Trung tướng Văn Cương đều đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng chiếc xe đạp của họ và câu chuyện về tình cảm giữa những người đồng đội, giữa cấp trên và cấp dưới vẫn sẽ mãi mãi lưu lại với thời gian, trong những trang sử hào hùng của nhân dân và Quân đội ta./
Nguồn: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam