Giải phóng Ko Kong – trận đổ bộ lớn nhất lịch sử Hải quân Việt Nam: Không có trong sách tác chiến
Trong lịch sử QĐNDVN, chưa khi nào lại tổ chức tiến công hiệp đồng quân, binh chủng hải quân, không quân, lục quân, hải quân đánh bộ… như trong chiến dịch giải phóng Campuchia.
LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.
Bài 12: Giải phóng KoKong – trận đổ bộ lớn nhất trong lịch sử Hải quân Việt Nam: Không có trong sử sách tác chiến
Nên nhớ rằng, vừa thoát ra khỏi 30 chiến tranh, trên mình còn mang đầy thương tích… nhưng chỉ bằng một trận, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh tan 23 sư đoàn của Polpot – Ieng Sary là không phải đùa.
23 sư đoàn của Polpot không chỉ là quân số mà là một đội quân tương đối tinh nhuệ, và hơn thế nữa, chúng khát máu, độc ác vô nhân tính còn gấp nhiều lần khủng bố IS, được giáo dục kích động căm thù cao độ Việt Nam, được sự hà hơi tiếp sức của rất nhiều, rất nhiều các thế lực lớn nước ngoài.
Nêu ra như vậy để thế hệ con cháu chúng ta hiểu được giá trị, tầm vóc và sức mạnh của quân đội ta như thế nào, cái giá phải trả để có chiến thắng nó ra làm sao… để chúng ta tự hào, kiêu hãnh về thế hệ cha anh.
Ở góc nhìn chiến lược về chiến dịch giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ thì giới truyền thông đã cung cấp cho bạn đọc cả nước về quyết tâm, mưu lược, điểu binh khiển tướng của các chỉ huy, tướng lĩnh Việt Nam như thế nào để chiến thắng.
Tuy nhiên, dù chỉ là ở góc nhìn chiến thuật, góc nhìn của người lính, lính trinh sát hải quân đánh bộ, về trận chiến này trong một số trận cụ thể, nhưng có thể mang lại cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh…
Trận đổ bộ không có trong sử sách tác chiến…
Đến bây giờ thì tôi (Lê Ngọc Thống) cho rằng đây là một trận đổ bộ… khác với những gì đã học, khác với cách tác chiến của thế giới.
Lực lượng đổ bộ giải phóng Ko Kong gồm chừng 2.000 quân của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 cùng hơn 50 tàu chiến lớn nhỏ và hiệp đồng chặt chẽ với không quân.
Nguyên tắc của đổ bộ là phải dùng hỏa lực để dọn bãi, nhưng chỉ có không quân ném bom, pháo phản lực H-12 “hú” vào các cơ sở căn cứ, trung tâm địch ở Ko Kong mà lại không thấy có hỏa lực dọn bãi đổ bộ…
Đó là sự thật chắc chắn như vậy vì nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu giao cho C1-D7 trên một chiếc CM-8 mà lính trinh sát hải quân hay gọi yêu là “máng lợn” và trên đó có chúng tôi, 2 trinh sát viên thuộc Lữ hải quân đánh bộ 101.
Chiếc “máng lợn” chở C1 được lệnh ủi bãi, nhưng do trình độ thuyền trưởng kém hoặc do pháo binh địch bắn mạnh nên đã ủi bãi sai vị trí. Thay vì ủi bãi ngay bờ cửa sông thì lính đổ bộ chúng tôi phải vượt qua 2 chướng ngại mà trong tác chiến đổ bộ không có tình huống nào như vậy…
Đầu tiên khi chiếc “máng lợn” mở máng, toàn bộ lính đổ bộ ào ra vào bờ nhanh nhất có thể để chiếm lĩnh trận địa, nhưng… có ai ngờ để được vào bờ lính đổ bộ phải bơi qua một dòng chảy mạnh, sâu, khiến cho 3 người lính đi đầu bất ngờ nên đã chới với…
Tiếp theo, khi vượt qua luồng chảy sâu này thì lính đổ bộ mới chỉ tiếp cận được cái cù lao mà muốn đánh chiếm đầu cầu thì từ đó phải vượt qua con sông rộng chừng 50 mét…
Toàn đại đội được lệnh chuẩn bị bồng (toàn bộ ba lô…cho vào tăng buộc lại làm phao bơi) để vượt sông. Trinh sát cùng với trung đội đột kích vượt đầu tiên… và nói sao hết cảm xúc khi đang bơi trên sông giữa 2 làn đạn.
Đồng đội đã tung hết hỏa lực để thực hiện dọn bãi chiến thuật cho vượt sông cực kỳ hiệu quả, DK-75 không cần giá, họ vác vai như B-41 bất kể nguy hiểm… nhằm viện trợ tối đa hỏa lực cho bạn vượt sông.
Khi viết những dòng này mắt tôi rơm rớm, nếu đồng đội không hết mình thì chắc chẳng còn người ngồi viết chuyện này.
Như vậy, có chiến dịch đổ bộ nào mà lính đổ bộ đánh chiếm đầu cầu phải bơi bằng phao như lính thủy đánh bộ lữ 101 Việt Nam? Thế giới có hay không, chưa biết biết, nhưng hoàn thành nhiệm vụ đó thì chỉ có ở Việt Nam.
Nước… kẻ thù đáng sợ của hải quân đánh độ Lữ 101
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói đúng khi coi sốt rét ác tính, là một trong những nguyên nhân thương vong nhiều nhất cho quân đội ta, nhưng đối với lực lượng lính thủy đánh bộ hoạt động ven biển trong mùa khô thì nước uống cũng là một nguyên nhân buộc chỉ huy dừng…chiến dịch.
Trinh sát Lữ 101 phối thuộc với d4-101 dẫn đường truy kích địch đã chính thức hết sạch nước uống ngày thứ 2. Nắng thì gắt, nước thì nhiều ở các con sông nhưng nước mặn khiến cho cơn khát tăng cao. Một số chiến sỹ có dấu hiệu hoảng loạn. Cả tiểu đoàn dừng hành quân rã rượi vì khát.
Chỉ huy tiểu đoàn triệu tập trinh sát đến yêu cầu tìm ra nguồn nước trước khi thực hiện nhiệm vụ đã giao. Nhìn tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tuổi đã lớn, môi khô, nằm ngửa nhìn lên tán cây rừng lo lắng mà thương vô hạn…
Mở bản đồ, tôi cho rằng chỉ tìm cách đây 3km là có nước nếu như thay đổi hướng hành quân truy kích. Chỉ huy tiểu đoàn đồng ý.
Tổ trinh sát chúng tôi lên đường, nhưng khi lên đầu đội hình tiểu đoàn cách một phum bỏ hoang không xa thì một cảnh tượng đập vào mắt mà không thể nào quên…
Các cậu lính nhà ta vì khát, khi gặp phải một giếng cạn nên quyết đào để kiếm nước. Nước đâu chưa thấy mà chỉ thấy toàn là đầu lâu, xương chân xương tay… họ vét lên vứt xung quanh. Đào mệt, khát, nên lính ta cứ kê đầu vào đầu lâu mà nằm… chờ nước.
Ôi chao ôi nếu có Iphone như bây giờ mà chụp lại cảnh đó thì…
Kết quả chỉ có bùn loãng, thứ nước mà bỏ cát vào thì cát nổi và hài cốt của dân Campuchia bị Polpot sát hại.
– Làm một nắp (bình tông) đi ông! Tôi lắc đầu, nói, sắp có nước rồi, chỉ cách đây 3 km thôi.
Sau này bất cứ chiến dịch truy kích nào, điều các chỉ huy hỏi lính trinh sát chúng tôi “cách nguồn nước bao xa”.
Sau ngày giải phóng Phnompenh, người lính chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu ở đó, nơi rừng thiêng nước độc, nơi xa quê nhà với hàng chục kẻ thù 10 năm nữa.
Mất mát, hy sinh của người lính Việt Nam là không thể kể hết nhưng thành quả thì cũng vô cùng lớn lao, để lại một Campuchia như bây giờ, và cho đất nước như ngày hôm nay. Xin ai đừng quên cái giá cho hòa bình, giá trị của hòa bình, cái nền hòa bình mà chúng ta đã, đang, và sẽ được hưởng.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Thống