Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau?

Tình yêu gần cả chục năm kết thúc trong nháy mắt, nhưng đó lại là sự tất yếu của cuộc đời. Càng yêu nhau lâu, người ta càng có xu hướng dễ rời xa nhau.

Thời nay, dường như kiếm tìm một tình yêu thực ra là một điều rất khó khăn. Yêu nhau bây giờ không chỉ là vì thích nhau, vì quý mến nhau như những ngày xưa cũ. Yêu nhau bây giờ, bủa vây xung quanh là trăm thứ mệt mỏi rã rời, từ việc xứng đôi vừa lứa cả thế giới thực lẫn thế giới ảo, cho đến đủ kiểu thực dụng nhiêu khê.

Bởi vậy, giờ đây nhìn thấy cặp đôi nào yêu nhau được độ 5 năm, ai cũng cảm thấy có điều gì đó lạ. Khi mà ở cái thời đại người yêu thay nhau như thay áo, mỗi mối tình được coi là một thành tích thì việc dành cả thanh xuân bên cạnh một người dường như trở nên không còn được bình thường.

Vậy mà, thực tế phũ phàng vô cùng. Yêu nhau càng lâu, chia tay càng dễ dàng.

Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau? - Ảnh 1.
Có những đôi trẻ hẹn sông hò biển, cuối cùng bụp một cái lại xa rời nhau. Ông bà nói, “để lâu cứt trâu hóa bùn” không phải là không có lý.

Thời bây giờ, muốn cưới nhau là phải cưới liền tay, cứ ôm ấp mộng mị dây dưa cả chục năm trời, sau này lại chẳng thể về nổi với nhau.

Bởi vì vốn dĩ đó chỉ mới là tình yêu “thói quen”

Dường như bây giờ yêu nhau trở nên rất dễ dàng. Sống trong xã hội xô bồ, không phải ai cũng tìm được sự hòa hợp với chính xã hội ấy. Những trái tim trẻ ấy, bỗng trở nên cô đơn giữa chốn đông người, và lại dễ dàng hâm nóng khi tìm được một trái tim khác đang lạc lõng. Phàm cái trò cùng cảnh ngộ hay cảm thông cho nhau lắm.

Ngày qua ngày, hai trái tim cô quạnh quen với sự bấu víu vào nhau, và rồi, họ cho rằng đó là tình yêu. Ai bảo đấy không phải là tình yêu? Yêu có nhiều hình thái khác nhau mà, đâu phải cứ hòa hợp mới yêu được nhau đâu.

Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau? - Ảnh 2.
Nói thật, yêu nhau vì muốn chạy trốn cảm giác cô đơn không phải tình yêu bền vững. Có thể yêu nhau 5, 6 năm, nhưng đó là vì ta đang chạy theo thói quen có đối phương bên cạnh, quen được người dỗ dành, vỗ về, quen được chăm sóc khiến ta chẳng nỡ dứt bỏ buông lơi.

Đến lúc khi chính bản thân ta cảm thấy an toàn, có chỗ dựa, đương nhiên sẽ phải đi tìm cái tình yêu đích thực của chính mình, thay vì lựa chọn mối tình tạm bợ như trước.

Có mấy đôi, yêu nhau đến gần thập kỷ bỗng chia tay. Sau đó, cưới luôn kẻ chỉ mới nắm tay nhau được vài ba tháng.

Hoặc lỗi là ở thời gian

Những cặp đôi may mắn hơn, yêu nhau vì cảm thấy mình đã tìm được đối phương chính là một nửa còn thiếu thì lại có nhiều lý do khác để chẳng còn bên nhau được nữa.

Thời gian, suy cho cùng chính là yếu tố đóng vai trò độc ác nhất trong trò đùa chia rẽ tình cảm.

Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau? - Ảnh 3.
Lúc mới yêu mình vui biết bao nhiêu. Nhưng làm gì có cuộc vui nào kéo dài mãi mãi, vui mấy, rồi cũng sẽ đến lúc hết nhiệt.

Người dưng với nhau, gặp nhau có vài ba bận một tháng còn thấy là nhiều. Chúng ta yêu nhau, gặp nhau cả tuần, đi đâu cũng bám vào nhau, rồi đâm ra chán nhau. Bên nhau chỉ còn là gượng ép và thủ tục, cuối cùng chẳng còn mấy niềm vui, niềm hạnh phúc nữa, thay vào đó là sự mệt mỏi chán chường.

Kết quả, chẳng còn sự ưu tiên, vị trí hàng đầu dành cho nhau nữa. Và thế là ngãng nhau ra, lâu dần mặc định là chia tay.

Tác động từ phía bên ngoài

Lại nói đến thời gian.

Thời gian thì chẳng bao giờ ngừng cả, con người cũng chẳng bao giờ mãi giậm chân ở một thời điểm. Sẽ có những chuyển biến trong đời mỗi cá nhân, tạo điều kiện tiếp cận cho những cái mới, những thử thách mới và cả những con người mới.

Tình yêu thủa học trò, thường sẽ nguội tanh nguội ngắt khi cả hai bước vào môi trường mới.

Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau? - Ảnh 4.
Không ai đủ rảnh và đủ dở hơi để bên nhau, quản nhau 24/07 hay ngăn chặn những kẻ đáng ngờ từ bên ngoài. Tiếp xúc dần với thế giới mới, chúng ta tự cảm thấy chẳng còn hài lòng với thế giới cũ của mình nữa.

Lâu dần thành nhàm chán, rồi lại tìm cách buông bỏ nhau.

Hay bởi vì quá yên tâm với nhau mà ngưng cố gắng

Thường thói đời luôn buồn cười. Cái bọn yêu nhau lâu luôn tự mãn, cảm thấy yên tâm, an toàn với mối quan hệ của mình.

“Yêu nhau lâu thế rồi, kiểu gì sau này chả cưới”, rất nhiều cặp đôi mang tư tưởng như vậy.

Phút ban đầu khi mới yêu nhau thì cả hai còn cố gắng thay đổi, tu tập tính tình để hòa hợp với nhau, để được là đẹp nhất trong mắt nhau. Nhưng thời gian bên nhau và sự cố gắng dành cho nhau luôn nằm ở thế tỷ lệ nghịch.

Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau? - Ảnh 5.
Bên nhau lâu rồi, mối quan hệ trở nên suồng sã. Chúng ta không còn mục đích để thay đổi hay thích ứng nữa, bởi vì làm gì có gì để cố nữa đâu. Chúng ta tự mãn, chúng ta hài lòng quá nhiều về chính mình nhưng quên đi mất rằng người kia đâu đó không cảm thấy vừa ý.

Tích tiểu thành đại, sự không vừa ý lâu ngày trở thành sự chán chường. Chia tay là cái kết tất yếu khi hai còn người chẳng còn thấy nhau đẹp đẽ nữa.

Yêu nhau vì trách nhiệm

Có một kiểu yêu lâu rất đáng sợ, đó là yêu nhau vì trách nhiệm với gia đình, bạn bè. Khi mà cặp đôi phải gồng mình làm hài lòng những người xung quanh mà quên mất phải sống cho chính bản thân mình.

Tương lai của mình, hạnh phúc của mình, nhưng họ chỉ tìm cách để phục vụ quần chúng.

Họ bên nhau, ôm ấp nhau, ngọt nhẹ với nhau để thế giới thấy họ còn hạnh phúc. Họ sợ bố mẹ, anh chị, bạn thân cảm thấy nuối tiếc, thất vọng nếu một ngày hai người họ xa nhau. Thế là họ lại cắn răng chịu đựng nhau.

Tại sao càng yêu nhau lâu, người ta lại càng dễ chia tay nhau? - Ảnh 6.
Tình yêu không có sự bao bọc, chỉ có chịu đựng là loại tình yêu khổ đau. Khổ đau nhiều, tất yếu lại chia tay.

Vốn dĩ tình yêu là cái để cất riêng ta với người, tình yêu nếu chỉ là sự riêng tư thuần tuý sẽ đẹp. Một khi cái riêng tư bị đem ra triển lãm, sẽ chẳng còn là của riêng mình.

Mà cái gì không của riêng mình, người ta không còn muốn nắm giữ.

LƯƠNG HỒNG PHÚC, THEO TRÍ THỨC TRẺ