Plumbing, nghề không thất nghiệp và ‘sống khỏe’ ở Little Saigon
Nhịn ăn, nhịn mặc còn được, chứ không thể nhịn tắm, giặt, rửa ráy hay nhịn một trong “tứ khoái.” Chính vì vậy, mỗi khi cống trong nhà bị nghẽn thì y như rằng, bồn rửa chén, bồn tắm, bồn cầu… bị ảnh hưởng. Và nhờ vậy, nghề sửa chữa đường ống nước, thông đường cống (plumbing) tồn tại theo cuộc sống con người.
Tại Little Saigon, rất nhiều người gốc Việt chọn nghề thông cống để mưu sinh. Có người còn ví von, nghề thông cống cũng như nghề nail, nhưng nghề này tất bật hơn một chút là vì gia đình nào cũng cần. Do vậy, người làm nghề “chân lấm tay bùn” này chỉ cần siêng năng là “sống khỏe.”
Làm “bất chấp” thời gian
Ông Thắng Nguyễn, chủ nhân Plumbing 24/24 Construction, Westminster, cho biết: “Tôi làm bất kể giờ giấc, ai kêu giờ nào thì tôi cũng đến để thông cống giúp khách hàng. Tôi làm hai mươi mấy năm nay nên thấy việc gì cũng dễ, không có gì khó, lại rất tự do, mình làm chủ chính bản thân mình.”
Máy khoan cắt bê tông, xi măng, rồi dùng xẻng đào đất, cát để tìm đường ống. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Chính vì vậy ông có thể làm mọi chuyện liên quan đến thông cầu cống, như cống nghẹt bồn rửa chén, bồn tắm, máy giặt, thay sửa vòi nước, vòi nước bị rỉ, máy xay rác, ống nước rỉ dưới nền xi măng, cầu tiêu… “Với những cống khó tìm chỗ bị hỏng, tôi có camera tìm ống cống bể, nhất là chuyên trị rễ cây trong ống cống,” ông nói.
Ông cho hay, nhờ có camera nên khi soi vào đường cống, ông thấy có cái gì, nằm ở vị trí nào, nhờ đó ông dễ dàng loại bỏ những chướng ngại vật trong cống.
“Nhà nào cũng cũ nên rễ cây nhiều lắm, xui nhất là rễ bám trong cống. Rễ cây nằm ở trỏng, phải đào lên, cắt ra, rồi thay ống mới. Không có camera thì khó biết được vì sao cống cứ nghẹt hoài. Nhiều người cứ kêu thợ tới thông cống, nhưng vì không có camera nên làm bị nghẹt tới nghẹt lui hoài mà không biết tại sao,” ông giải thích.
“Còn tôi làm một lần là dứt điểm. Sau khi dò tìm được chỗ nghẽn, phải cắt bê tông, xi măng ra, đào đất cát sâu phía dưới, sâu 3-5 feet hoặc sâu hơn nữa, thấy cái ống nằm phía dưới, cắt cái ống ra, rễ nằm trong cái đường ống đó. Nếu không có máy thì làm sao dám đào đường lên, vừa tốn sức lại phải san lấp đúng như hiện trạng ban đầu,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cho biết: “Công việc này tôi quen rồi, nên không có gì khó. Cái khó nhất là khi định giá với khách hàng. Nhiều người khi nghe nói phải tốn thêm $100, $150 để dùng camera thì sợ tốn tiền, hỏi có coi miễn phí không. Cái camera tôi bỏ cả $4,000, $5,000 để mua lận, nên không coi giùm được. Thực tế, không coi camera thì không biết được cái gì hết, nên cứ thông tới thông lui mà vẫn nghẹt.”
Đủ loại vật dụng cần có trên xe ông Thắng Nguyễn như camera tìm rễ cây trong ống cống, máy khoan tay, khoan điện, xẻng… (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“Hơn 10 năm trở lại đây mới có cái camera này, mà tới giờ cũng không bao nhiêu người có, vì mắc lắm không ai mua. Trước đây chưa có máy thì phải làm theo kinh nghiệm, nhưng lâu lắm và độ chính xác không cao. Bây giờ có máy thì làm lẹ. Tôi không phải nói để quảng cáo hay làm lợi gì cho mình. Thử nghĩ vừa thông cống xong thì vài tháng sau lại phải tốn tiền để gọi thợ đến nữa, sao không để tốn tiền một lần giải quyết cho xong việc mà cứ phải làm tới làm lui?” ông Thắng nói.
Ông Phước Vũ, chủ nhân Thunder’s Plumbing, Westminster, cho biết: “Những cái gì nghẹt ở dưới đất thì tôi đều làm hết. Làm nghề này giống đi ăn tô phở vậy, có sống được với nó hay không là do khách hàng quyết định.”
“Có những việc mình tới làm nhiều khi chỉ mất 5-10 phút là xong, nhưng thợ khác làm cả tiếng mới xong. Có người đọc báo gọi hai, ba thợ tới làm không được, rồi mình tới mình làm được. Rồi có thợ hay bày ra đường ống cũ quá, cần phải thay cái này cái kia. Vậy mà khách hàng họ tin, họ cũng so kè $15, $20 giữa thợ này với thợ kia, bảo rằng ủa sao chỗ kia rẻ hơn. Thôi thì quyền của khách hàng mà, họ muốn rẻ thì cứ gọi, tiền nào của nấy thôi,” ông nói.
“Ăn thua ở nghề plumbing là tay nghề mình có cứng hay không thôi. Có người làm được, có người không, chứ không phải thợ nào cũng làm được. Kinh nghiệm là một phần, phần khác là kỹ thuật. Không phải có kinh nghiệm thì sẽ làm được mọi việc,” ông nói thêm.
“Thí dụ, chuyện thường gặp ở hầu hết các gia đình là nghẹt đường thoát nước ở bồn rửa chén, bồn tắm nhưng nhiều thợ làm không được. Đôi khi nhiều thợ nói là đường ống cũ quá rồi, nên phải cắt để làm lại ống mới, trong khi đường ống đó mới thay chưa được bao lâu. Đó, ăn thua là kỹ thuật của từng thợ thôi,” ông Phước dẫn chứng.
Ông Dan Nguyễn, chủ nhân Dan Plumbing, Garden Grove, nói: “Chỉ cần gọi một cú điện thoại là trong vòng một giờ tôi tới nơi, và chỉ sau 30 phút đường ống thoát nước được thông ngay. Nhiều nhà, không chỉ đường ống thoát nước bị nghẽn nhiều mà vòi nước cũng bị rỉ nước nhiều.”
“Đó là làm những cái nhỏ nhỏ. Lớn hơn nữa là tôi ‘trị’ nước chảy dưới nền xi măng. Lớn nữa là đặt ống cả nhà, hoặc ép phòng thì cần đi đường cống, đường ống nước.’
Ông cho biết: “Khó nhất là phải dò đúng chỗ để giải quyết dứt việc nước chảy dưới nền xi măng. Dù làm trong nghề lâu năm mà nhiều lúc tôi cũng gặp khó khăn. Dùng máy trong việc này chỉ là một cách, cần nhất là kinh nghiệm, bởi vì tiếng nước chảy mình nghĩ chỗ này, nhưng thực tế nó lại ở chỗ khác. Nước chảy dưới đất tiếng kêu rất khác. Nói nôm na thì cách nước chảy rất ‘nghệ thuật,’ nên tìm ra nó cũng trần ai lai khổ.”
“Nghề này làm không kể thời gian, biết việc rồi thì không khó, chỉ sợ nhất là tai nạn do mình bất cẩn, vì làm nghề tay chân mà. Máy để cắt gạch rất lớn, nguy hiểm, tôi cắt gạch bị gạch bể, văng vô mặt, rách mặt. Cũng 15 năm trước tôi bị té, rồi bị cụp xương sống. Ông anh khi thông cống, leo lên nóc nhà, dù làm lâu năm nhưng cũng té, gãy tay,” ông nói thêm.
Dơ, cực nhưng “sống khỏe”
Nói về cơ duyên đến với nghề được mệnh danh là “chân lấm tay bùn,” ông Dan Nguyễn cho là do “cha truyền con nối.”
“Cha vợ tôi trước đây làm thợ ống nước ở Việt Nam, qua bên này ông theo người ta phụ làm plumbing, rồi thấy làm được nên ông làm luôn. Thấy cha vợ 60 tuổi mà đi làm cũng có tiền, ngon quá vậy, nên tôi vô trường Orange Coast College học một lớp underground plumbing. Thế là ra làm tới giờ luôn,” ông kể.
“Tôi làm từ năm 1995, lúc 27 tuổi. Ra làm thì thấy việc này cũng đơn giản, easy, make money, good money,” ông cười nói.
Đào một cái hố sâu 3-5 feet mới tìm ra được đường ống. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Sau khi ông làm một thời gian với cha vợ thì hai người anh của ông cũng sang định cư, thế là “nối gót” theo người em, cả hai học nghề plumbing và làm luôn đến nay.
“Hiện giờ thì ba anh em làm việc này, gồm Dan, Thắng, Đúc plumbing. Ngày xưa có Quân plumbing là cha vợ. Lúc trước mấy anh em có chung một xe đi làm. Nhưng bây giờ mỗi người có một xe để làm riêng. Những việc nhỏ thì tự làm, còn những việc cần đào đất nặng nhọc thì mướn thêm người để phụ. Khi có việc lớn thì ba anh em làm chung với nhau,” ông kể.
Ông cho hay: “Hồi mới ra nghề thì gặp người ta phá dữ lắm. Họ cho địa chỉ tới thay bình nước nóng, mình mua sẵn rồi, chạy tới thì không có địa chỉ đó. Khách cũng có người tốt, người xấu, nhưng người tốt nhiều hơn.”
“Có những người giàu có nhưng lại xấu tính. Kêu mình tới làm nửa chừng thì nói sao làm dễ mà lấy tiền mắc vậy. Rồi họ đuổi về. Có người kêu tới thông ống cống đã thỏa thuận giá là $60 nhưng khi làm xong thì nói giờ còn $40 lấy không. Còn có người thì kêu tới làm nhưng không trả tiền,” ông kể.
“Với những khách quỵt tiền, lúc đầu mới làm tôi cũng tức. Sau này nghĩ lại thì thấy, có đi có trả. Nếu họ cảm thấy làm vậy hoài được thì cứ làm, đời sẽ dạy họ. Tại vì mình làm mỗi ngày, mình tức thì tối về ngủ không được, không có lợi gì cho mình. Nên tôi tự nhỏ, phải bỏ qua những chuyện lặt vặt, xui rủi như thế để có tinh thần đi làm tiếp chỗ khác,” ông kể thêm.
Kể về kỷ niệm vui, ông nói: “Hồi còn trẻ đi làm, gặp khách trẻ đẹp cũng vui lắm chứ. Hay những lần đi làm có những vị khách lớn tuổi, vui tính, họ cho tiền tip $20 trong khi việc chỉ có $45.”
“Nghề này dễ kiếm tiền, cũng cỡ ngang ngửa với nghề nail. Chịu khó làm thì mỗi tháng cũng được $3,000. Đó là trung bình, bởi vì giá trung bình thông ống cống do bồn rửa chén nghẹt thì thường $45, bị nguyên ống cống chính là $120, nước chảy dưới xi măng $650 trở lên, đặt ống cho cả căn nhà thì trung bình $7,000, $8,000. Việt Nam mình giá rất rẻ, so với của Mỹ. Tính ra cái của Mỹ $120 thì mình làm chỉ $75 thôi,” ông cho hay.
“Nhưng dễ kiếm tiền ở đây là với những người làm ăn đàng hoàng, biết tạo uy tín. Làm sao tạo uy tín? Đơn giản, làm xong rồi, mai mốt người ta bị hư mà gọi mình nữa chứng tỏ mình làm tiếp. Còn như người ta gọi người khác thì mình tự hiểu rồi. Làm đừng lừa gạt, bị cái gì làm cái đó, đáng giá tiền thì làm. Đã lãnh rồi thì phải làm cho xong. Làm ẩu thì không bền. Lúc đầu có thể người ta không biết, nhưng sau này người ta biết được người khác rồi thì người ta đâu có gọi mình nữa. Nên phải làm tận tâm,” ông nói.
“Không bao giờ thất nghiệp”
Ra nghề năm 1989, đến nay ông Phước Vũ có gần 30 năm trong nghề. Nhờ người em ở Glendale hướng dẫn mà ông đến với nghề này.
“Thằng em nó hỏi có làm nghề này không. Tôi mới nói, nghề nào miễn có tiền là được. Thế là đi làm. Từ đó thích nghề này luôn. Làm nghề này ăn thua có chịu khó hay không thôi, bởi vì nghề này hơi cực, và dơ,” ông kể.
“Tôi chỉ sửa thôi, chứ không làm mới cái gì hết. Cái gì cũng vậy, nghề nào cũng vậy, ăn thua có thiệt lòng với nhau không. Đừng gạt khách, đừng ‘vẽ’ khách để kiếm thêm tiền bằng cách sửa thêm cái này cái kia. Bất cứ nghề nào cũng vậy, phải tạo niềm tin cho người ta thì mới tồn tại được,” ông nói.
“Nghề này mà ‘vẽ’ ra thì kiếm tiền rất nhiều, nhưng tôi không có khả năng để làm điều đó. Tôi chỉ nói giá ra thôi, khách chịu thì sửa. Tùy hư hỏng như thế nào mà sẽ có giá cả, trung bình thông cống nghẹt đường ống chính từ $120 đến $150, giá cả vào cuối tuần thì tùy theo giờ nữa bởi vì cuối tuần phải sửa nhiều chỗ lắm,” ông nói thêm.
Còn ông Thắng Nguyễn thì coi “nghề này như cái nghiệp. Thấy nghề tự do nên tôi làm, và làm cũng được 24-25 năm nay, sau khi tôi theo cha qua đây theo diện H.O., lúc đó khoảng ba mươi mấy tuổi.”
“Tới nay tôi thấy nghề plumbing không bao giờ thất nghiệp. Như nghề xây dựng thì đi định giá khó, vì nhiều người làm. Còn plumbing thì như làm ‘cấp cứu’ vậy, không thể chờ được, lúc nào cũng cần ngay. Thí dụ nước rất là cần, nên nước chảy hoài thì bắt buộc người ta phải sửa chứ không chờ được,” ông nhận xét.
Ông cho rằng: “Làm hai mươi mấy năm đến nay thì cái gì tôi cũng thấy dễ, nhìn là biết nó bị cái gì và mình cần phải làm gì. Nghề này sống được là do kinh nghiệm và khả năng riêng của từng người, bởi vì có những cái không phải cứ trong nghề là làm được.”
“Vì vậy, giá cả của nghề plumbing vô giá lắm, hai bên đồng ý giá thì làm, chứ không có giá nhất định phải là bao nhiêu. Từ mấy chục đô la đến hàng ngàn đô la, bởi vì có những việc phải làm mấy ngày mới xong, nhưng có những việc chỉ vài phút là xong.’
Và cũng vì nhiều khách thấy nghề này “dễ ăn,” chỉ vài phút đến một tiếng đồng hồ mà kiếm được vài chục đến vài trăm đô la, nên quỵt tiền ông. “Có ông khách biểu tôi mua đồ rồi trả lại sau, hơn $2,000 chứ ít gì. Thế là mua giùm. Xong rồi thì ông kiếm chuyện không trả tiền. Thì huề luôn chứ không biết làm gì để đòi. Tôi gặp vài trường hợp như vậy, nên chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt thôi. Tôi quan niệm, ai làm gì xấu thì có đó mất đó thôi,” ông nói.
Người đàn ông có bốn người con, ba gái, một trai, vui vẻ kể: “Con cái lớn hết rồi, vô đại học hết rồi nên giờ ban ngày đi làm, tối còn đi nhảy đầm nữa. Tôi ở không thì thấy mệt lắm, bởi vì tôi hoạt động quen rồi. Lớn tuổi thì lớn, nhưng thấy làm được thì làm. Làm vừa có tiền mà khỏe người nữa. Hầu như ngày nào cũng có việc, ăn thua mình muốn nghỉ hay không.”