Little Saigon có những người Việt không dám lái xe
Ở Mỹ này, gần như ai cũng phải lái xe, để có thể đi làm, đi chợ, đi bác sĩ…đến nỗi nhiều người phải thừa nhận rằng, nếu không lái xe, chẳng khác nào bị què! Tuy nhiên, ở vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, có một số người không thể lái xe vì tâm lý cũng có và vì hoàn cảnh cũng có.
Vì… tự nhiên sợ lái
Có những người, không hiểu vì lý do gì, tự nhiên không tập lái xe được.
Anh Leo Trần, cư dân Garden Grove, nói: “Tôi sinh ra ở đây, năm nay 24 tuổi, nhưng tôi chưa bao giờ lái (xe). Hồi ở trung học, năm lớp 11, tôi có học lái xe nhưng không thể nào lái được. Tôi không biết giải thích như thế nào, chỉ có thể nói là mỗi khi ngồi vô ghế tài xế là tay chân tôi bủn rủn, mắt tôi hoa lên và người rất bực bội.”
Chỉ ngồi thế này, anh Leo Trần đã hoa mắt rồi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Là sinh viên đại học CSU Long Beach, hàng ngày, anh đi chung xe với người em gái. Hết Hè năm tới, anh ra trường. Đây là mối ưu tư lớn của anh và gia đình vì anh sẽ phải đi tìm việc làm.
“Ai cũng khuyên tôi nên cố gắng. Cố gắng cách nào? Tôi biết nhiều người tê liệt hai chân mà vẫn lái xe được. Tôi biết tôi thua họ,nhưng đành chịu” anh nói.
Có người khác cũng sợ lái xe như anh Leo.
Ông Lâm Hữu Huynh, cư dân Huntington Beach, nói: “Tôi rất xấu hổ khi phải nói lên một sự thực mà nhiều người, kể cả các con tôi, cho là vô lý.”
Ông kể: “Tôi qua đây năm 1992, hồi tôi mới 42 tuổi. Trước 1975, khi đi lính Biệt Động Quân, tôi lái xe Jeep lùn băng rừng thường xuyên. Sau đó, tôi đi tù cải tạo đến 1981. Về Sài Gòn, tôi vẫn lái Honda như trước. Không hề sợ gì cả. Chỉ lạ lùng là khi qua đây, tự nhiên tôi ‘dở chứng.’”
Ở đây bốn tháng, ông học lái xe. Nhưng mỗi khi ngồi lên ghế tài xế, ông bị hồi hộp, tim đập thình thịch và thấy khó thở. Bị như vậy năm, sáu lần, người dạy lái xe bỏ cuộc.
Ông tiếp: “Suốt năm đầu tiên, tôi làm cho bốn ông thầy bực tức vô cùng. Tôi cũng bực chính tôi. Chú em tôi phải đi làm chứ đâu có thì giờ mà chở gia đình tôi hoài.”
Bây giờ, sau 25 năm ở Mỹ, vợ ông và hai con ông đã lái xe từ lâu. Chỉ riêng ông là còn đi xe buýt hoặc phải có người chở.
Bà Hợp Nguyễn, cư dân Huntington Beach, sang Mỹ năm 1985, năm bà 42 tuổi. Sau 32 năm, bà vẫn không lái xe.
Bà nói: “Tôi không có nhu cầu phải lái xe. Bản thân tôi cũng không muốn lái xe. Hồi ở Việt Nam, tôi lái xe quanh quẩn Sài Gòn rồi. Qua đây, đi làm, đi chợ hay đi mọi công việc khác, chồng tôi đều chở, cho nên, tôi lái xe làm gì. Chỉ tốn tiền bảo hiểm và tiền xăng nhớt thôi.”
Vì… Little Saigon
Có người về đến Little Saigon thì không thấy thoải mái để lái xe nữa.
Bà Tôn Nữ Thu Dung, cư dân Westminster, nói: “Tôi không dám lái xe có tám tháng rồi.”
Đối với bà, tình trạng giao thông ở Little Saigon quá căng thẳng.
Bà kể: “Tôi cùng gia đình sang đây năm 2011 và định cư ở San Dimas. Ở đó vắng người và người ta lái xe rất đàng hoàng. Hơn nữa, đường xá cũng như bãi đậu xe đều rộng rãi nên lái xe rất thoải mái. Vì thế, chỉ vài tháng sau là tôi có bằng lái ngay.”
Ở Việt Nam, dù không lái xe gắn máy, không rành rẽ luật lệ giao thông, không quen thuộc với việc điều khiển xe cộ, mà khi thi lái xe bên này, bà Thu Dung đậu ngay lần đầu. “Dù người dạy lái xe của tôi đoán rằng tôi phải thi tới hai, ba lần,” bà nói.
Lái xe như mọi người từ năm 2011 đến năm 2016, bà nghĩ lái xe ở Mỹ là chuyện bình thường. Nhưng kể từ Tháng Bảy, 2016 đến nay, sau khi dọn về Westminster, bà không hề đụng lại cái vô-lăng lần nào.
“Giao thông ở đây chi chít, chằng chịt quá. Đường xá cũng như chỗ đậu xe lại chật chội, nên chỉ ngồi trong xe, tôi đã thấy hoa cả mắt, thì làm sao mà dám lái được nữa,” bà nói.
Các con bà cũng thấy rằng không lái xe ở khu vực này là điều tốt nên tình nguyện làm tài xế cho bà.
“Con tôi bảo nếu tôi không lái xe, tiền bảo hiểm xuống nhiều mà lại đỡ nguy hiểm nên tôi nghe các cháu. Có đi chợ búa, tôi đợi cuối tuần để các cháu đưa đi,” bà nói.
Một lý do nữa khiến bà không cần phải lái xe vì chỗ làm việc của bà gần nhà.
Bà nói: “Tôi làm công việc săn sóc tại gia (IHSS) trong một khu mobile home cho người cao niên gần nhà, chỉ vài phút là tới. Sáng đi bộ đi, chiều đi bộ về, tôi thấy khỏe người.”
Đi bộ, một thú vui của bà Tôn Nữ Thu Dung. (Hình: Tôn Nữ Thu Dung cung cấp)
Bà thấy đi bộ thủng thỉnh trên đường phố là một cái thú mà ít người còn để ý đến.
Vì tai nạn
Ngoài bà Thu Dung, giao thông xô bồ trong khu Little Saigon cũng là một nguyên nhân làm một số người không muốn lái xe.
Ông Mai Hữu Công, cư dân Santa Ana, nói về trường hợp mình: “Tôi sinh ra ở New York năm 1985. Ở đó, phần đông người ta đi xe điện subway, vừa tiện, vừa an toàn, vừa đỡ tốn thời gian. Từ nhà tôi đến sở làm mất một tiếng rưỡi. Mỗi sáng, tôi lên subway ngồi làm việc trên laptop. Đến nơi, tôi giải quyết được khá nhiều công việc rồi.”
Chính vì vậy mà ông, như bao nhiêu người ở New York, không cần học lái xe hơi trong suốt 31 năm.
Đầu năm ngoái, vì cha mẹ lớn tuổi, cần sống ở một nơi có khí hậu ôn hòa, ông quyết định dọn về California, theo sự khuyến khích của người bạn.
Việc đầu tiên của ông khi về Santa Ana là học lái xe.
“Học được mấy buổi thì một cuối tuần, người bạn đưa tôi và cha mẹ tôi đi ăn điểm tâm ở phố Bolsa. Trên đường đi, không biết ai đụng vào ai, mà ‘ầm’ một cái, xe anh bạn tôi và một xe chuyên chở công cộng cùng tắt máy giữa đường.”
Ông Công hạ giọng: “Vì có sự thỏa thuận giữa luật sư hai bên nên tôi không được nói rõ hơn về chuyện này. Chỉ biết là anh bạn tôi phải làm vật lý trị liệu sáu tháng mà bây giờ chân trái vẫn chưa bình phục. Mẹ tôi thì bị quẹo xương cổ và xương sống, bây giờ quay qua, quay lại và đi đứng vẫn khó khăn. Tôi thì bị trật xương vai, vẫn đau.”
Từ Tháng Ba năm ngoái đến giờ, ông không dám học lái xe nữa.
Ông phân trần: “Nhiều lần tôi muốn học lái tiếp, nhưng cứ ngồi vào ghế tài xế là toàn thân tôi lạnh toát và tê cứng, không làm gì được.”
“Nhờ tiền bồi thường nên tôi chưa cần phải đi làm ngay, chứ nếu không, tôi chưa biết phải làm gì. Với số tiền này, tôi mua được căn nhà và tiền trả hàng tháng cũng không cao lắm nên gia đình tôi có thể tạm thời sống bằng tiền già của cha mẹ và tiền chính phủ trả cho tôi ở nhà chăm sóc mẹ tôi,” ông cho hay.
Không sao, chứng này chữa được
Các bác sĩ tâm lý cho hay rằng sự sợ hãi lái xe này là một hội chứng thông thường cho cả đàn ông lẫn đàn bà.
Danh từ chuyên môn cho hội chứng này là “Vehophobia.”
Ông Fredric Neuman, bác sĩ tâm lý và cũng là tác giả cuốn sách “Rising Above Fear,” nói: “Sự sợ sệt hay nỗi ám ảnh này rất dễ trị, nhưng bệnh nhân phải gặp bác sĩ tâm lý ngay. Càng để lâu, sự sợ hãi càng tăng cao, và, dĩ nhiên, càng khó trị.”
Theo ông Neuman, đa số người ta sợ lái xe không hẳn vì gặp tai nạn xe cộ, mà vì họ dễ dàng hoảng sợ, một chứng phổ biến nhất. Họ cảm thấy không tự kiểm soát được chính mình khi điều khiển xe.
Ông nói: “Để điều trị, bệnh nhân không chỉ lái xe (triệu chứng), mà phải làm những công việc khác mà họ sợ trong tiềm thức (nguyên do). Họ phải làm quen với sự sợ hãi trong tất cả mọi trường hợp.”
Theo nghiên cứu, ông cho hay, có 5% dân số mắc chứng dễ hoảng sợ. Nếu không điều trị sớm, về lâu, về dài, người bệnh có thể bị trầm cảm, phải uống thuốc an thần.
Ông thêm: “Vì bất cứ lý do gì làm người ta sợ lái xe, hội chứng này có thể được trị hẳn trong thời gian từ 10 đến 30 tiếng, tùy theo thời gian gián đoạn.”