Nữ du khách Việt “mắc kẹt” ở Paris đã trở về Việt Nam sau 109 ngày bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp.

Một giấc mơ kỳ lạ mà mỗi sáng tỉnh dậy vẫn chưa thể tin được đó là hiện thực xảy ra với mình hơn 3 tháng qua. Quan trọng nhất là… Cuối cùng tôi cũng đặt chân về đến Hà Nội- được trở về với quê hương!”, cô gái viết.

 

Sau hơn 3 tháng kể từ khi bị bắt giam “bất đắc dĩ” ở Paris, mới đây, chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội) đã đăng tải trên Facebook cá nhân mình về hành trình được trở về Việt Nam và được đặt chân đến Hà Nội yêu dấu.

Nguyên văn dòng tâm sự, chị Mai Phạm viết: “Paris- Hanoi- Ngày trở về! [18/12/2018 – 05/04/2019]

 

 

 

Những dòng chia sẻ của chị Tuyết Mai về chuyến trở về Việt Nam đầy hạnh phúc được đăng tải trên trang cá nhân Facebook ít giờ trước. (Ảnh: Facebook nhân vật)

109 ngày – 3 tháng- 2 tuần và 4 ngày. Mắc kẹt ở Paris!

Một chuyến “du học” ngắn hạn bất đắc dĩ.

Một giấc mơ kỳ lạ mà mỗi sáng tỉnh dậy vẫn chưa thể tin được đó là hiện thực xảy ra với mình hơn 3 tháng qua. Quan trọng nhất là…

Cuối cùng tôi cũng đặt chân về đến Hà Nội – được trở về với quê hương!

 

 

 

Cảm ơn gia đình và Dan đã yêu thương, lo lắng, kiên nhẫn, tận tụy và che chở…

Cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp và bằng hữu đã quan tâm, thương cảm và tin tưởng bảo vệ Mai trước cơn bão những thông tin bịa đặt thất thiệt bị lan truyền 1 cách thiếu tình người.

Cảm ơn người bạn cũ đáng mến tận tụy, đã lo lắng gửi cả tiền sang cho cô em họ để đưa Mai đi ăn, đi chơi động viên tinh thần trong những ngày u ám nhất.

Cảm ơn những người bạn, đồng nghiệp cũ từ Amsterdam đã lặn lội sang Paris để thăm hỏi động viên.

Cảm ơn những người bạn mới quen – những người chỉ mới gặp nơi đất Pháp, nhưng đã chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ chỉ dẫn Mai rất nhiều…

Cảm ơn sự giúp đỡ của Melia headquarter, Melia La Defense cùng đội ngũ quản lý – nhân viên ở đây, đã hỗ trợ và cho tôi nơi chốn đi về hơn trong suốt 1 tháng rưỡi – quãng thời gian ban đầu khó khăn rối bời ở Paris.

Cảm ơn ông bà giáo sư người Pháp – Christophe & Ines đã mở rộng vòng tay cưu mang tôi trong những ngày một mình bơ vơ nơi đất khách. Ông bà đã cho tôi 1 mái nhà, 1 gia đình và 1 quãng thời gian đầy chất Pháp, với nhiều trải nghiệm thú vị. Và quan trọng nhất, cảm ơn ông bà đã chia sẻ với tôi những kiến thức mới và truyền cảm hứng với tinh thần “Học – Học nữa – Học mãi”…

Cảm ơn những người bác sĩ Pháp nhân từ, đã giúp đỡ chữa bệnh, cho thuốc miễn phí và tận tình với tôi trong những ngày mệt mỏi.

Cảm ơn 2 luật sư tại Bỉ và Pháp – anh Ruben & chị Cecile đã làm việc rất nhiệt tình, đã đấu tranh bảo vệ để trả lại danh dự và sự tự do cho tôi…

Cảm ơn anh Cường Đại Sứ Quán Việt Nam (ĐSQ VN) tại Pháp đã hỗ trợ. Trong thời gian đầu, thực sự tôi đã rất mất niềm tin vì sự thờ ơ và những báo cáo không chính xác từ 1 số cán bộ bảo hộ công dân của ĐSQ VN tại Pháp. Nhưng bằng sự nhiệt tình của mình, anh Cường đã giúp tôi lấy lại niềm tin rằng: giữa những người cán bộ “chỉ giỏi nói, không giỏi làm”, thì vẫn có những người cán bộ muốn thực tâm làm tốt công việc của mình để giúp đỡ những đồng bào người Việt ở nước ngoài…

Cảm ơn tất cả mọi người.

Giữa những tháng ngày chông chênh bất định, mất niềm tin và không hi vọng nhất trong hơn gần 4 tháng qua, nếu không may mắn có sự thương yêu, hỗ trợ và lòng trắc ẩn của mọi người, Mai đã không thể mạnh mẽ vượt qua, không thể giữ vững niềm tin tích cực vào công lý và tình người.

Cảm ơn công lý và lẽ phải! Công lý và sự thật luôn chiến thắng! Cảm ơn cuộc sống và số phận đã cho tôi: 1 hành trình khó quên với nhiều trải nghiệm và kiến thức mới; 1 sự thử thách đối với bản thân về niềm tin và chữ “nhẫn”; 1 khoảng chững vừa đủ để sống chậm lại – có thời gian nhìn nhận đánh giá lại những mối quan hệ và tư duy sống; 1 cơ hội để được sống mở lòng, được sống mềm yếu, được lần đầu cảm nhận rõ nhất về tình thương yêu, sự cảm thông giữa người – với – người. Được thực sự học lại về tình yêu và lòng trắc ẩn!

Hơn 30 tuổi

– Trước chuyến đi này vẫn nghĩ: để có được visa để đi được ra Châu Âu thật khó khăn. Để quay về Việt Nam dĩ nhiên là quá đơn giản…

– Sau chuyến đi 109 ngày này mới thấy: quí trọng hơn quyển hộ chiếu màu xanh lá thân thuộc; quý trọng hơn quyền tự do, quyền được quay trở về quê hương.

Đi càng nhiều mới càng nhận ra đâu là nơi trái tim mình thuộc về.

Đi càng lâu mới càng ý thức được hơn đâu là nhà- là nơi mình luôn mong ngóng để được trở về, được an ủi, vỗ về từ trong giấc mơ.

Đi thật xa để thực sự trở về!

Hà Nội – ngày 5 tháng 4 năm 2019″.

 

 

 

Ngay sau khi đăng tải, thông tin chị Tuyết Mai được trở về Việt Nam đã khiến hàng nghìn người gửi lời chúc mừng và chia sẻ. Ai cũng tỏ ra mừng vui và hạnh phúc trước thông tin này.

Thành viên H.A bình luận: “Chúc mừng Mai đã trở về bình an. Hạnh phúc thay Mai”.

Tài khoản T.X.H. viết: “Hà Nội đón mừng bạn. Xin lỗi bạn vì đã có lúc nghĩ sai về bạn”.

Chúc mừng Mai đã vượt qua mọi giới hạn để trở về quê hương. Mừng rơi nước mắt”, một bạn khác bày tỏ.

Trước đó, như đã thông tin, sau hơn 30 ngày xảy kể từ khi bị bắt giam ở Paris, chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội) đã tường thuật lại cặn kẽ những ngày tháng trên đất Pháp và đặt tên câu chuyện dài 5 phần của mình là “Mắc kẹt ở Paris”. Câu chuyện được chị kể lại trên Facebook cá nhân, mong được giúp đỡ để có thể sớm về Việt Nam.

Ngày 23/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội) bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu (European arrest warrant – EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội “buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện” trong thời gian từ 01/10/2010 – 10/05/2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.

Tuy nhiên, chị Mai hoàn toàn bác bỏ cáo buộc buôn bán và tàng trữ ma túy. Theo Mai, trước đây chị đã có 5 năm học tập và làm việc tại Amsterdam (Hà Lan) nhưng đến tháng 3/2010 chị đã trở về Việt Nam làm việc.

Vào tháng 11/2011, chị có trở lại châu Âu trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần lễ đến Barcelona (Tây Ban Nha). Vụ án ở Bỉ xảy ra vào giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, thời điểm này chị không hề có mặt tại Bỉ hay bất kì nước châu Âu nào, hộ chiếu của chị cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này.

Nguồn: Minh Khôi/ baodansinh.vn