Kỳ tích sảy ra: Chứng khoán Mỹ ‘lội ngược dòng’

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 7, đảo chiều đà giảm trước đó, khi số liệu đáng thất vọng về hoạt động chế tạo đã củng cố những lo ngại rằng sự thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 321,83 điểm, hay 1%, lên 31.097,26 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 ghi thêm 39,95 điểm, hay 1,1%, lên 3.825,33 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 99,11 điểm, hay 0,9%, và đóng phiên ở mức 11.127,85 điểm.

Trước đó, trong phiên này, chứng khoán Mỹ đã có lúc giảm điểm sau khi chỉ số về hoạt động chế tạo của Viện quản lý nguồn cung giảm trong tháng 6 xuống mức thấp nhất hai năm qua là 53%, thấp hơn dự đoán 54,3% mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của tờ The Wall Street Journal.

Tuy nhiên, ông Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh), cho biết dù số liệu từ ISM củng cố những lo ngại rằng quá trình thắt chặt chính sách mạnh mẽ của Fed sẽ khiến kinh tế giảm tốc, nhưng kết quả khảo sát này cũng có những điểm sáng cho thấy lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán.

Trước đó, trong tuần này, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã trải qua bốn phiên giảm điểm liên tiếp, trong khi chỉ số Dow Jones ghi nhận sắc đỏ trong 3/4 phiên này, trong bối cảnh thị trường bị đè nặng bởi những lo ngại về lạm phát, sự suy giảm lòng tin tiêu dùng và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Số liệu kinh tế được công bố gần đây tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa”, khi thu nhập khả dụng giảm, chi tiêu tiêu dùng yếu hơn, trong khi lạm phát vẫn “nóng” và số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên.

Các nhà kinh tế ngày càng bi quan về khả năng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tạo sự “hạ cánh mềm” của nền kinh tế khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát gia tăng.

Ông Paul Kim, Giám đốc điều hành công ty đầu tư Simplify ETFs ở New York (Mỹ), nhận định có lẽ nền kinh tế đang bước vào suy thoái và vấn đề quan trọng giờ đây là mức độ suy thoái đến đâu. Chuyên gia này cho rằng khả năng cao kinh tế Mỹ sẽ không thể “hạ cánh mềm”.

Các số liệu gần đây cho thấy dù lạm phát dường như đã đạt đỉnh trong tháng Ba, nhưng vẫn đang vượt xa mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra. Những lo ngại về lạm phát đang đè nặng lên nhu cầu tiêu dùng và đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp.

Tính chung cả tuần này, chỉ số Dow Jones giảm 1,3%, chỉ số S&P 500 giảm 2,2%, còn chỉ số Nasdaq để mất đến 4,1%, theo số liệu của FactSet.

Cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong quý II, trong đó chỉ số S&P 500 có mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Tháng 6 cũng khép lại nửa đầu năm với mức giảm phần trăm cao nhất của chỉ số này (20,6%) kể từ năm 1970.

Chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất từ trước đến nay trong giai đoạn từ tháng 1 – 6/2022, trong khi đây là nửa đầu năm tồi tệ nhất với chỉ số Dow Jones kể từ năm 1962.

Ngoài ra, đây là quý thứ hai liên tiếp cả ba chỉ số trên giảm điểm. Lần gần đây nhất xảy ra điều này là năm 2015 với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones, và năm 2016 với chỉ số Nasdaq.