Nhà nghèo, lập nghiệp gian khổ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Bố bệnh vay 2 triệu cả họ không có
Để có được cơ nghiệp lừng lẫy như ngày hôm nay, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã dày công xây dựng và trải qua nhiều khó khăn. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, thành công càng không đến với người lười nhát.
Đặng Lê Nguyên Vũ chính là một trong những doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam mà từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng nhớ mặt nhớ tên. Ông sinh năm 1971, tại một vùng quê ở Nha Trang, Khánh Hòa. Tuy giờ đây ông có cuộc sống giàu sang, tài sản không kể hết, siêu xe mua liên tục nhưng câu chuyện khởi nghiệp của ông là điều khiến người ta thích thú quan tâm.
Nhiều người khi mới bắt đầu làm ăn cứ nghĩ rằng sẽ rất dễ dàng, buôn bán thuận lợi chẳng mấy chốc đổi đời. Nhưng sự thật là việc dễ thì chẳng đến lượt mình. Nếu không có quyết tâm cao, đầu óc nhanh nhạy thông minh, đôi mắt tinh anh và gặp thời thì chắc chắn là thành công chẳng thể gọi tên.
Gia đình Đặng Lê Nguyên Vũ ở Nha trang vốn nghèo khó. Sau đó ba mẹ ông dắt cả nhà lên Đắk Lắk để kiếm kế sinh nhai. Vào năm 1981, ba ông lâm bệnh nặng khiến mẹ phải tự lực gánh vác gia đình. Khi đó, ông chỉ mới 10 tuổi và hàng ngày phụ giúp mẹ hái bắp, chăm heo, đóng gạch… Con đường đến trường không hề bằng phẳng, ông đi bộ 15km mới tới lớp học.
Ảnh trái: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi còn trẻ (Ảnh: Tuổi trẻ). Ảnh phải: Thegioibantin
Cách đây 10 năm trong một cuộc phỏng vấn, ông Vũ còn nhớ như in hình ảnh của mẹ lúc đó: “Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng để lo viện phí cho ông.
Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy… Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này”.
Cũng chính cái nghèo đã làm ông Vũ nung nấu ý định làm giàu dù lúc đó ông không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu. Vào năm 20 tuổi, ông đậu vào trường Đại học Thái Nguyên, trở thành sinh viên khoa Y dược. Nhưng nhà nghèo quá, mới học năm 3 ông đã bỏ học để vào TP.HCM làm giàu. Ông tình cờ gặp được một người chú và được khuyên quay về quê tiếp tục học tập. Người chú còn mua vé máy bay cho ông.
“Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quỵ vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.
Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã M’đrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học”, ông Vũ kể lại.
Ông Vũ (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng với những người bạn tại hãng cà phê năm 1996. Ảnh Tuổi trẻ
Người ta hay nói cuộc đời đã sắp xếp cho mỗi người nhưng không ai thực sự biết trước, chỉ có sự cố gắng và bền bỉ sống, làm việc rồi chuyện gì đến sẽ đến. Ông Vũ quay về quê hương, trong lòng vẫn còn hừng hực mong ước làm giàu. Ông quan sát thấy nhiều quốc gia trên thế giới tuy không trồng một cây cà phê nào nhưng lại giàu nhờ cà phê. Còn nước mình cà phê bạt ngàn, nông dân quanh năm chăm chỉ nhưng cái nghèo vì sao vẫn cứ đeo bám?
“Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.
Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi… không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng”, hành trình đổi đời của ông Vũ.
Con đường khởi nghiệp đầy gian truân của ông Vũ. Ảnh Tuổi trẻ
Cũng nhờ thắc mắc này mà khi về lại quê, ông Vũ cùng với 3 người bạn mở lò rang cà phê. Nhưng lò đầu tiên bị dẹp bỏ ngay trong ngày khai trương. Lò thứ hai bị hàng xóm báo công an vì sợ không an toàn. Năm 1996, ông và 3 người bạn tiếp tục rang cà phê nhưng chỉ làm riêng vài ký, đóng gói rồi bỏ mối lẻ. Thương hiệu cà phê của ông nhanh chóng thu hút khách hàng, trở nên nổi tiếng trên thị trường.
“Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp”, hành trình mở lò rang không hề dễ dàng.
Một trong những điều có thể nhìn thấy ở những vị doanh nhân, đó chính là họ không bao giờ bỏ cuộc. Đi từ thất bại này đến thất bại khác, họ không cho phép mình dừng chân hay chán nản. Dù đích đến có thành công rực rỡ hay chỉ là những tiếc nuối, họ vẫn nhất định bền chí vì nếu có thất bại thì trong lòng họ cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Khi cà phê của ông Vũ và những người bạn được biết đến rộng rãi, tưởng rằng sự thuận lợi này sẽ được tiếp tục. Không ngờ kế hoạch phân phối cà phê tại miền Tây, TP.HCM và Buôn Ma Thuột liên tục thất bại sau vài tháng. Lúc này, người bạn của ông đã cho mượn chiếc xe Dream để bán lấy tiền trả nợ. Sau này và đến tận bây giờ khi giàu có, ông luôn nói rằng mình không có chiếc xe Dream nào quý bằng chiếc xe năm xưa: “Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay”.
Vào năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu mở quán cafe tại Thành phố Hồ Chính Minh và được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và các quán nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên đã xuất hiện.
“Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: Mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại TP.HCM hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sapa đều có chất lượng, hương vị như nhau…”, ông chủ Trung Nguyên khẳng định chất lượng cà phê đồng đều dù ở bất kỳ đâu trên đất nước.
2 năm sau, tức là vào năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến. Năm 2005, vượt qua tất cả các đối thủ nước ngoài, hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, được chọn làm Đại Sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.
Về cuộc hôn nhân không êm đẹp và lùm xùm ly dị kéo dài suốt nhiều năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tôn trọng sự lựa chọn của các con khi muốn sống với mẹ. Đồng thời, theo phán quyết của tòa, ông chu cấp 10 tỷ/năm cho cả 4 người con là: Trung Nguyên, Bình Nguyên, Thảo Nguyên, Tây Nguyên.
Ông nói về việc dạy các con như sau: “Qua chỉ nói, sau các con lớn sẽ hiểu. Ba không có thời gian vật lý cho các con, nhưng sau này tổng thời gian cuộc đời các con nhìn lại sẽ nhận ra 3 điều mà ba làm cho các con. Ba điều này những người đàn ông đứng ở đây chưa chắc đã làm được. Còn chuyện mình nói, nếu những ai có lòng trắc ẩn, lớn lao sẽ thấy chuyện nhà chuyện nước không bao giờ song toàn, không thể lo được cả chuyện nhà lẫn chuyện nước. Lo chuyện lớn, thì sẽ không thể nào có thời gian lễ lạt, kỉ niệm, thời gian để ôm ấp con cái. Những chuyện này sau lớn lên các con sẽ hiểu”.
Bên trong hang đá vị CEO Trung Nguyên sinh sống. Ảnh Thegioibantin
Một trong những đặc điểm dễ nhận ra nhất nếu như chưa từng gặp Đặng Lê Nguyên Vũ ngoài đời, đó chính là chiếc đầu trọc, đôi mắt tròn mở to và cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vô cùng thu hút. Nhìn lại những bức ảnh thời trẻ, ông vốn không phải như bây giờ. Nhưng để lý giải vì sao chiếc đầu hiện tại lại không có tóc, ông chủ Trung Nguyên chia sẻ:
“Nhà tôi không có ai hói đầu hay rụng tóc nhưng tôi thì chẳng còn bao nhiêu sợi tóc. Tôi đã phải trả giá cho những khát vọng luôn thiêu đốt mình. Mỗi sáng khi soi gương, tôi đều gặp lại sự “trả giá” của mình: có hôm tóc rụng thành nắm khi chải hay vuốt tóc…”.
Nói về việc 6 năm qua ở ẩn trong hang đá, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ: “Không có một chuyện gì lọt qua mắt qua hết. Qua đã chuẩn bị cho những người anh em của qua (đội ngũ nhân viên)… Mọi người cứ thế thực thi và tập đoàn vẫn tồn tại và phát triển”.
Giờ đây, dù cuộc sống riêng có phần ồn ào nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là cái tên được người dân trong nước và nước ngoài ngưỡng mộ. Những gì ông đã và đang làm được, những lời ông nói, kinh nghiệm truyền đạt đều là bài học quý giá cho những ai nuôi giấc mộng lớn, giấc mộng làm giàu.
Nguồn: Tin nước Mỹ